Chào các bạn,
Tôi đã quay trở lại và để bắt kịp diễn biến trong những ngày qua, bản tin hôm nay sẽ khá dài.
I. BIỂN ĐÔNG
1. Hải cảnh 5402
Tính đến hôm nay 10.7, tàu hải cảnh Trung Quốc 5402 vẫn hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thường xuyên lượn lờ qua lại giữa các khu vực khai thác khí của Việt Nam ở lô 6.1 và bãi Tư Chính.
Tính từ ngày 4.7 đến nay, tàu hải cảnh 5402 đã hiện diện trong vùng biển Việt Nam được một tuần.
Tuy việc tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào trong vùng biển Việt Nam không phải là chuyện hiếm thấy, nhưng sự hiện diện liên tục và trong thời gian khá lâu như thế gợi ý một sự thay đổi trong chiến thuật của Trung Quốc.
Không tính đến những lần xảy ra đối đầu như vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào 2019, ở những lần khiêu khích trước đây tàu hải cảnh Trung Quốc thường chỉ lạng vào một hai vòng rồi trở ra, nhưng lần này nó lượn lờ khá lâu và tiến khá sát giàn khai thác của Việt Nam.
Có thể so sánh sự thay đổi này với sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực cụm bãi cạn Luconia ở gần Malaysia vài năm qua. Không loại trừ khả năng có sự hiện diện của một số tàu cá Trung Quốc kèm theo tàu hải cảnh.
Nếu đúng như thế, có khả năng Bắc Kinh muốn áp dụng mô hình xâm lấn và hiện diện ở cụm bãi cạn Luconia cho khu vực Tư Chính.
Điều này cũng không nằm ngoài thủ đoạn "cải bắp" và âm mưu biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp.
Nhờ các căn cứ phi pháp ở Trường Sa, hải cảnh Trung Quốc có thể duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở các khu vực này.
Không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ triển khai các chuyến bay của oanh tạc cơ H-6 hoặc máy bay tuần tra Y-8 đến khu vực như chúng ta từng chứng kiến ở khu vực cụm bãi cạn Luconia trước đây.
Tôi không muốn nêu cụ thể hoạt động của các loại tàu công vụ Việt Nam ở khu vực này nói riêng và ở Biển Đông nói chung. Tuy nhiên, quan sát của tôi cho thấy các tàu Việt Nam vẫn thường xuyên giám sát và kèm sát tàu hải cảnh Trung Quốc.
2. Biển Đông dậy sóng
Liên quan đến các cuộc tập trận ở Biển Đông kể từ đầu tháng 7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường hôm qua đã lên tiếng phản ứng tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2.7 bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. (LINK)
Tuyên bố của phía Trung Quốc dĩ nhiên ngang ngược xem Hoàng Sa như là lãnh thổ của họ, điều mà Việt Nam cương quyết bác bỏ trong khi Mỹ và Philippines cũng đã thể hiện thái độ bất bình.
Trong khi đó, tờ Foreign Policy có bài viết đáng chú ý về thông điệp của Mỹ từ cuộc tập trận rầm rộ giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông vừa qua.
"Hoạt động triển khai của Mỹ được thúc đẩy một phần bởi đòi hỏi của các đồng minh trong khu vực nhằm đẩy lùi mạnh mẽ hơn nữa hành vi của Trung Quốc. Ông Schriver cho biết hải quân các nước đồng minh đã báo cáo về sự gia tăng các mối đe dọa từ hải quân Trung Quốc và lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong nỗ lực qua lại trên biển; các tàu Trung Quốc thường xuyên bám theo và đe dọa các tàu đi qua vùng biển quốc tế. Sự gia tăng các cuộc tập trận của Mỹ được thúc đẩy bởi đòi hỏi từ các đồng minh, cụ thể là Việt Nam và Đài Loan, và đặc biệt là sự quan tâm mới từ Philippines".
Tất nhiên, bài viết đã nhầm hoặc đơn giản là sử dụng một nghĩa lỏng lẻo của từ "đồng minh" đối với Việt Nam và Đài Loan. (LINK)
Tuy nhiên, đoạn trên (nếu đúng) cũng khá thú vị đối với những ai quan tâm đến thái độ của phía Việt Nam đối với cuộc tập trận này. Tôi không tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đưa ra một phản ứng tiêu cực đối với chuyện này.
Liên quan đến vấn đề này, học giả Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, mới đây cũng có bài viết cáo buộc Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cấu kết với Mỹ, thể hiện qua diễn biến của "cuộc chiến công hàm" bấy lâu nay. (LINK)
Bản thân tôi cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ ngoài việc thao dượt làm quen với chiến địa trong tương lai, còn có mục đích răn đe trong nỗ lực vạch ra "lằn ranh đỏ" đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Lằn ranh đỏ tiềm tàng đó chỉ áp dụng cho tàu bè Mỹ và lợi ích Mỹ hay còn nhằm răn đe Trung Quốc khai mào cuộc tấn công nhắm vào các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực là vấn đề chúng ta còn phải chờ xem!
II. ĐỐI ĐẦU MỸ - TRUNG
1. Mỹ trừng phạt ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngày 9.7 có thể là một ngày mang tính bước ngoặt đối với quan hệ Mỹ - Trung khi Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ gần như đồng thời thông báo về việc áp dụng biện pháp trừng phạt với các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương theo Đạo luật Magnitsky.
Đáng chú ý nhất trong danh sách bị đóng băng tài sản ở Mỹ này là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao như thế của Trung Quốc bị áp lệnh trừng phạt. Danh sách tổ chức, cá nhân bị trừng phạt còn bao gồm cựu Phó bí thư Khu ủy Tân Cương Chu Hải Lôn, Ty Công an Tân Cương, Ty trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Công an Tân Cương Vương Minh Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy Công an Tân Cương Hoắc Lưu Quân.
Ngoài ra, ba ông Trần Toàn Quốc, Chu Hải Lôn và Vương Minh Sơn cùng người thân trong gia đình của họ cũng bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh.
Không rõ các quan chức này có tài sản ở Mỹ hay không, nhưng ngoài tính biểu tượng, động thái của Mỹ là lời cảnh báo lạnh lùng rằng các quan chức cấp cao Trung Quốc từ nay sẽ không còn tự tung tự tác mà không ai có thể làm gì.
Việc áp dụng lệnh trừng phạt chỉ vài tuần sau khi Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Tổng thống Donald Trump ký thành luật cho thấy chính quyền Mỹ đang hành động với tốc độ sấm sét. (Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc dựa theo Đạo luật Magnitsky).
Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt liên quan đến Tân Cương có thể chưa là gì so với những động thái quyết liệt tiềm tàng của Mỹ trong thời gian tới liên quan đến Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
2. Trừng phạt vì Hồng Kông
Những biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ để trả đũa việc Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông có vẻ như đang đẩy hệ thống tài chính và ngân hàng ở Trung Quốc nói chung và đặc khu này nói riêng lao vào cuộc chạy đua chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất.
Theo Reuters, các ngân hàng Trung Quốc đang tổ chức lại các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Mỹ trừng phạt các ngân hàng phục vụ các quan chức bị áp lệnh trừng phạt liên quan đến Đạo luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông.
Kịch bản tồi tệ nhất mà họ xác định là bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng đô la. (LINK)
Vì tác động quá sâu rộng từ Đạo luật Tự trị Hồng Kông mà Tổng thống Trump có thể ký thành luật trong thời gian tới, các ngân hàng Mỹ và châu Âu hoạt động ở Hồng Kông cũng đang gấp rút rà soát danh sách khách hàng có khả năng là đối tượng bị trừng phạt để tránh "văng miểng", theo tờ The Financial Times. (LINK)
Có vẻ như quan hệ Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn không có điều gì là không thể và mức độ leo thang thay đổi theo từng tuần, nếu không muốn nói là từng ngày!
3. Mỹ bán vũ khí cho Nhật Bản, Đài Loan
Như để xát muối vào “sự tổn thương cảm xúc” của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 9.7 cũng thông báo phê chuẩn hợp đồng mua bán vũ khí tiềm tàng cực lớn với Nhật Bản là 105 chiếc F-35 với tổng trị giá 23 tỉ USD. (LINK)
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông qua gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot dành cho Đài Loan trị giá 620 triệu USD. (LINK)
4. Gió đổi chiều ở Trung Quốc?
Trước những diễn biến kịch tích trong quan hệ Mỹ - Trung, dường như đang có những dấu hiệu cho thấy một bộ phận quan chức và cựu quan chức Trung Quốc đang nỗ lực hạ nhiệt bầu không khí dân tộc chủ nghĩa, diều hâu và "chiến lang" ở nước này.
Khởi đầu là bài viết của cựu Phó ban Liên lạc Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Lực trên trang web của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (LINK GỐC).
Trong bài viết này, ông Chu nêu ra sáu thay đổi mà Trung Quốc phải chuẩn bị ứng phó.
- Chuẩn bị cho sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung và sự leo thang toàn diện của cuộc đấu tranh.
- Đối phó với sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài và sự đứt gãy chuỗi cung.
- Chuẩn bị cho sự bình thường mới trong việc chung sống với đại dịch vi rút corona trong thời gian dài.
- Thoát khỏi sự thống trị bá quyền của đồng đô la và dần dần hiện thực hóa việc phân ly đồng nhân dân tệ với đồng đô la.
- Chuẩn bị cho sự bùng nổ cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn cầu.
- Chuẩn bị cho sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Trong bài viết, ông Chu không ngại vẽ ra bức trảnh ảm đạm mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong thời gian tới. (LINK)
Dấu hiệu thứ hai là những sĩ quan diều hâu về hưu của Trung Quốc lần lượt xuất tướng với những bài viết có thái độ khác thường so với phong cách thường thấy của họ trước đây.
Cụ thể, trong hai bài viết khác nhau, Thiếu tướng Kiều Lương và Đại tá Đới Húc đều có chung nhận định rằng Trung Quốc chưa đủ thực lực để đối đầu với Mỹ, tư duy "chiến lang" hiện nay chỉ mang đến thảm họa cho Trung Quốc.
Có thể tham khảo bài tường thuật tiếng Việt về các bài viết của Đới Húc và Kiều Lương trên tờ Viettimes Ở ĐÂY và Ở ĐÂY.
Và bản dịch toàn văn tiếng Anh của chúng Ở ĐÂY (Lưu ý: Trang này của tỷ phú Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý, có thể bao gồm những tin giả, nên tôi chỉ khuyến khích đọc bài này và thận trọng khi đọc các bài khác).
Dấu hiệu thứ ba là các bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành và Ngoại trưởng Vương Nghị trong hai ngày qua.
Không chứa đầy những ngôn ngữ đe dọa thường thấy, hai bài phát biểu này có vẻ mềm mỏng với thông điệp chủ đạo là Trung Quốc không phải kẻ thù của Mỹ và không ôm mộng thay thế vị trí của Mỹ.
Đáng chú ý là các bài phát biểu và bản dịch tiếng Anh được đăng tải rất nhanh chóng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Những thông điệp này cũng được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh quảng bá rộng rãi trên Twitter.
Có thể Bắc Kinh cảm thấy họ đã đi quá xa và đang nỗ lực vạch ra đáy mới để ngăn đà rơi xuống thấp hơn nữa của quan hệ Mỹ - Trung, hoặc đó có thể là tín hiệu chìa cành ô liu ra với Mỹ, hoặc là nỗ lực hạ hỏa những cái đầu nóng ở Bắc Kinh.
Hoặc có thể là cả ba.
Vẫn còn quá sớm để cho rằng có phải gió đã đổi chiều trong cuộc đối đầu giữa phái "chiến lang" và những thành phần ôn hòa hơn ở Trung Quôc hay không.
Tuy nhiên, trái với thường lệ, việc Trung Quốc đến tận trưa hôm nay vẫn chưa đưa ra phản ứng về lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến vấn đề lợi ích cốt lõi là Tân Cương có thể cũng biểu thị một điều gì đó.
5. Trung Quốc vs phần còn lại
Nếu có sự thay đổi nào trong chiến thuật của Trung Quốc thì có lẽ nó chỉ gói gọn trong quan hệ với Mỹ. Còn "chiến lang" vẫn tung hoành ngang dọc với những lời lẽ đầy tính đe dọa đối với các nước còn lại như Canada, Úc hay Anh.
Có lẽ Trung Quốc chỉ xem trọng mối quan hệ với Mỹ, chứ không hề đếm xỉa đến những nước còn lại.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục lãnh nhận hậu quả từ cuộc phiêu lưu quân sự với Ấn Độ khi New Delhi chuẩn bị mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar, bổ sung miếng ghép cuối cùng trong khía cạnh quân sự của Bộ tứ Kim cương (Quad). (LINK)
Cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản có thể diễn ra ở vịnh Bengal vào cuối năm nay, theo các quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên.
Dường như Trung Quốc đang phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác!
Và chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này trong những ngày sắp tới!
Thân mến,
Duân
rất hay
Cảm ơn anh !