Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ tập trung vào hội nghị ASEAN, chuyến công du các nước ven Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, cũng như tình hình căng thẳng Trung - Đài và Trung - Ấn…
I. Biển Đông
1. Hội nghị ASEAN
Tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) được công bố đêm 10.9. (LINK)
Tuyên bố chung lưu ý:
Một số Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động tôn tạo đảo, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Theo nhà nghiên cứu Aaron Connelly thuộc Viện nghiên cứu nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tiết lộ với RFA, Lào đã cố gắng xóa phần đề cập đến Công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS) trong tuyên bố chung nhưng bất thành. (LINK)
Trong khi đó, thông cáo chung năm nay suýt nữa không đề cập đến UNCLOS, Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh và Singapore, cho biết.
Connelly nói với RFA: “Lào trước đó đã đề xuất về việc loại bỏ bất kỳ sự đề cập nào đến UNCLOS nhưng bị ASEAN từ chối”.
Ông đã trích dẫn một văn bản được thương lượng trước đó mà ông biết, và nói rằng có sự bất đồng về cách diễn đạt xung quanh UNCLOS khiến thông cáo bị trì hoãn ít lâu.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ , một phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông quốc tế:
Chúng tôi chào mừng sự đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Mỹ với nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.
Cũng tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giúc các nước Đông Nam Á chấm dứt quan hệ với các công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động phi pháp ở Biển Đông.
Hãy tái xem xét các quan hệ kinh doanh với những công ty quốc doanh bắt nạt các quốc gia ven Biển Đông. Đừng để Trung Quốc đối xử tệ hại với chúng ta và người dân của chúng ta.
2. Chuyến công du Đông Nam Á của Ngụy Phượng Hòa
Trước và trong lúc hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lần lượt thăm 4 nước ASEAN Malaysia, Indonesia, Brunei và Philipines nhưng ít được chú ý.
Đây là bốn nước ven Biển Đông có tranh chấp ở khu vực. Dễ thấy vấn đề Biển Đông nổi cộm nhất trong chuyến công du của ông Ngụy. Thông điệp chính của Ngụy được phát đi từ Kuala Lumpur khi Ngụy tuyên bố muốn "thỏa hiệp" với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. (LINK)
Đây là chiến thuật "tiến lùi" quen thuộc của Trung Quốc mỗi khi lâm vào tình trạng bị cô lập, thất thế, mục đích có lẽ nhằm cản phá một dạng liên minh đang manh nha hình thành về vấn đề Biển Đông, đồng thời tác động đến diễn biến hội nghị ngoại trưởng ASEAN.
Các nước chủ nhà dường như không mấy mặn mà với chuyến thăm không mời mà đến của Ngụy, đặc biệt khi nó xảy ra ngay trước và trùng thời điểm nhạy cảm là hội nghị ngoại trưởng ASEAN.
- Truyền thông Malaysia thờ ơ về chuyến thăm trong khi giới chức Malaysia kín miệng. (LINK)
Kín tiếng ở Malaysia
Ngụy đã đến Kuala Lumpur vào thứ hai để gặp (Thủ tướng) Muhyiddin và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob, theo Tân Hoa xã.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Malaysia từ chối bình luận, trong khi một phụ tá của Muhyiddin không trả lời tin nhắn và cuộc gọi.
Oh Ei Sun, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, nhận định cuộc gặp của Ngụy với Muhyiddin có khả năng nhằm vạch ra các thông tin chi tiết trước các cuộc họp ASEAN vào cuối tuần này.
"Việc bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đến Kuala Lumpur là một điều bất ngờ", Oh nói với BenarNews.
- Indonesia dường như cũng cố gắng giảm nhẹ tầm quan trọng của chuyến thăm, nói rằng nó chỉ là chuyến thăm xã giao đáp lễ chuyến thăm của người tương nhiệm Prabowo đến Trung Quốc cuối năm ngoái. (LINK)
Người phát ngôn của ông Prabowo, Dahnil Anzar Simanjuntak nói rằng chuyến thăm của ông Ngụy là một “chuyến thăm xã giao bình thường có đi có lại”, được thực hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thăm Trung Quốc năm ngoái.
- Philippines cũng không muốn loan tin rầm rộ về chuyến thăm của Ngụy, mặc dù theo truyền thông Philippines, Ngụy sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Philippins Delfin Lorenzana trong hôm nay. (LINK)
Các diễn biến trên gợi ý Trung Quốc dường như là bên chủ động thiết kế chuyến thăm thiếu tế nhị này và các nước ASEAN chỉ miễn cưỡng tiếp đón và giảm nhẹ tầm quan trọng vì không muốn thể hiện mình bị tác động ngay khi AMM diễn ra.
II. Căng thẳng Trung - Đài
Tình hình Trung - Đài có vẻ ngày càng căng thẳng khi Trung Quốc liên tiếp triển khai chiến đấu cơ và trinh sát cơ bay vào Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan ở phía tây nam hòn đảo này trong hai ngày 9 và 10.9.
Động thái trên khiến Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Đài Loan gấp rút tổ chức hai cuộc họp báo vào tối qua để lên án Trung Quốc. (LINK)
Đây là diễn biến bất thường cho thấy sự việc khá nghiêm trọng.
Hãng tin CNA dẫn lời một sĩ quan quân đội ẩn danh tiết lộ máy bay của không quân Trung Quốc tiến hành 30 vụ xâm nhập trong ngày 9.9 và 7 tàu hải quân Trung Quốc được phát hiện ở tây nam Đài Loan. Tình hình diễn ra tương tự trong ngày 10.9.
Tuy nhiên, lực lượng tên lửa và các đơn vị đổ bộ của PLA không tham gia các cuộc diễn tập nói trên.
Theo biểu đồ do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp, các máy bay và tàu của PLA tiến vào vùng trời và vùng biển phía đông nam Đài Loan từ các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Biểu đồ cho thấy các tàu hải quân PLA hoạt động ngay phía bắc quần đảo Pratas (Đông Sa) do Đài Loan kiểm soát, làm dấy lên lo ngại PLA có thể cố gắng chiếm lấy quần đảo dưới hình thức một cuộc diễn tập quân sự.
Cũng trong ngày 10.9 xuất hiện một số tin đồn nói rằng Trung Quốc bao vây quần đảo Pratas, nhưng Bộ Quốc phòng Đài Loan đã bác bỏ sau đó.
Theo thông tin của tôi, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận không quân ở quần đảo Hoàng Sa trong vài ngày qua.
Hình ảnh vệ tinh mà tôi tiếp cận được cho thấy có 5 chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện trên bãi đỗ ở Hoàng Sa ngày 10.9. Đây là hình ảnh thường thấy mỗi khi Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa.
Nhìn vào biểu đồ, không loại trừ khả năng Trung Quốc muốn diễn tập chặn đứng đường tiếp viện của Đài Loan trong kịch bản đánh chiếm quần đảo Pratas.
III. Trung - Ấn
Tại cuộc họp bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow đêm 10.9, ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được đồng thuận về kế hoạch 5 điểm liên quan đến cuộc đối đầu đang diễn ra ở biên giới. (Bản tiếng Việt của Viettimes)
1. Hai Ngoại trưởng nhất trí rằng hai bên cần tuân thủ một loạt các đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về sự phát triển của quan hệ Trung-Ấn, trong đó có việc không để sự bất đồng giữa hai nước trở thành tranh chấp.
2. Hai Ngoại trưởng cho rằng, tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không phù hợp lợi ích của hai bên, lực lượng phòng thủ biên giới hai nước cần tiếp tục đối thoại, cách ly tiếp xúc càng sớm càng tốt, duy trì khoảng cách cần thiết, làm dịu tình hình trên thực địa.
3. Hai Ngoại trưởng cho rằng hai bên cần tuân thủ các hiệp định và quy chế biên giới hiện có, duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới, tránh mọi hành động có thể làm leo thang tình hình.
4. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc thông qua cơ chế gặp gỡ đại diện đặc biệt về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, tiếp tục thực hiện tham vấn về các vấn đề biên giới Trung-Ấn và các cơ chế phối hợp công tác.
5. Hai Ngoại trưởng nhất trí rằng cùng với việc tình hình bớt căng thẳng, hai bên cần đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới.
Tuy vậy, cuộc gặp không được đánh giá là đạt được đột phá và tình hình trên thực địa vẫn hết sức căng thẳng.
Tờ Indian Express đưa tin Trung Quốc vẫn tập trung số lượng lớn binh sĩ tại một vị trí đối đầu. Có nơi binh sĩ hai bên chỉ cách nhau khoảng 500 mét.
Theo kênh NDTV, phía Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về việc Trung Quốc dồn quân ở Đường kiểm soát trên thực tế (LAC) trong cuộc gặp giữa hai bên ở Moscow.
IV. Đọc thêm
- Ba oanh tạc cơ B-1B lại đến Guam
- Nhật - Ấn ký thỏa thuận hợp tác hậu cần quân sự (LINK): Với thỏa thuận này, Ấn Độ hiện đã có thỏa thuận hậu cần với toàn bộ 3 thành viên còn lại trong Bộ tứ Kim cương là Mỹ, Nhật và Úc.
- Foreign Affairs: Chiến tranh lạnh công nghệ với Trung Quốc (LINK)
- Trump không gia hạn thời gian cho Tik Tok (LINK)
- Foreign Policy: Biden có vấn đề uy tín nghiêm trọng ở châu Á (LINK)
- The Wall Street Journal: Chính sách Trung Quốc mới của Biden là gì? Trông có vẻ giống nhiều với của Trump (LINK)
Thân mến,
Duân
Cảm ơn anh
Cản ơn anh!