12.5: Biển Đông, Đá Chữ Thập, Rosneft, Ba Đầu
Chào các bạn,
Bản tin hôm nay bao gồm những diễn biến trên thực địa ở Biển Đông cũng như nghi vấn về việc một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc đang có mặt ở Trường Sa, cùng bài phân tích về quan điểm của chính phủ Philippines về Ba Đầu (dành cho những ai đăng ký).
1. Chuyển động thực địa ở Biển Đông
Ngày 11.5, tàu hải cảnh “quái thú” 5901 của Trung Quốc từ Hoàng Sa hướng đến bãi cạn Scarborough, khu vực có nguy cơ trở thành địa điểm đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trong thời gian tới.
Đây là lần hiếm hoi tàu hải cảnh có lượng giãn nước 12.000 tấn này xuất hiện ở Scarborough. Tuy nhiên, sau khi đến cách bãi cạn này khoảng 90 hải lý, nó đã tắt tín hiệu AIS.
Ngày 11.5, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ rời quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản để chạy thử sau quãng thời gian bảo dưỡng. Đây là hoạt động chuẩn bị cho đợt triển khai kế tiếp của tàu sân bay này trong thời gian tới.
Trung Quốc công bố clip cuộc tập trận giữa hai tàu đổ bộ Type 071 Kỳ Liên Sơn và Ngũ Chỉ Sơn ở Biển Đông.
Chiến đấu cơ F-16V của Đài Loan bắn thử tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM, theo Liberty Times.
Giám đốc sản phẩm của hãng ảnh vệ tinh Maxar Ken Joyce ngày 10.5 đăng lên trang Linkedin của ông bức ảnh vệ tinh chụp tàu sân bay Sơn Đông vừa quay trở lại Tam Á, với độ phân giải cao.
Trong một tuyên bố trưa ngày 12.5, Nhóm đặc trách Biển Đông của chính phủ Philippines thông báo một số diễn biến mới về sự hiện diện của các loại tàu Trung Quốc ở khu vực.
Cụ thể, tổng cộng 287 tàu dân binh Trung Quốc có mặt ở quần đảo Trường Sa.
Tại bãi cạn Scarborough, từ ngày 3-10.5, trung bình có 4 tàu hải cảnh Trung Quốc. Ngày 4.5, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã bám theo hai tàu công vụ Philippines ở khu vực này.
Tại bãi Sa Bin, các tàu dân binh Trung Quốc tiếp tục xuất hiện trong hai ngày 7 và 8.5, trước khi bị tàu công vụ Philippines xua đuổi.
Tại Đá Chữ Thập, có 1 tàu cứu hộ và 3 tàu chiến trong khi hai tàu tên lửa Type 22 vẫn có mặt ở Đá Vành Khăn như trước đây.
Một điểm đáng chú ý là thông báo của phía Philippines lần này thống kê cả các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và tàu cá của Việt Nam.
2. Nghi vấn phái đoàn cấp cao của Trung Quốc đến Đá Chữ Thập
Một chiếc chuyên cơ của không quân Trung Quốc số hiệu B-4090 đã bay từ Bắc Kinh xuống Tam Á vào tối ngày 9.5. Đây là chiếc Airbus A319-115 chuyên chở quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy một máy bay dân dụng xuất hiện tại Đá Chữ Thập trong ngày 11.5.
Tuy hai diễn biến này khá rời rạc, nhưng kinh nghiệm cùng một số quan sát khác của tôi cho thấy nhiều khả năng chiếc máy bay ở Đá Chữ Thập chính là chiếc Airbus A319-115. Nghĩa là một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc có thể đang tiến hành chuyến thăm ở quần đảo Trường Sa.
3. Tập đoàn Rosneft rút khỏi Việt Nam
Đây là một tin khá muộn nhưng cũng đáng chú ý. Hãng Interfax ngày 4.5 đưa tin tập đoàn Rosneft đang hoàn tất việc bán lại tài sản ở Việt Nam cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Zarubezhneft cũng của Nga. Thỏa thuận dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 6.
Rosneft nổi tiếng ở Việt Nam với các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ ở lô 6-01, nhiều lần mà mục tiêu quấy phá của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Trang Upstream nhận xét quyết định bán tài sản ở Việt Nam phù hợp với sự thay đổi chiến lược dài hạn của Rosneft.
Tuy nhiên, không thể không nhắc đến một yếu tố khác khiến Rosneft đi đến quyết định rút lui này là nhằm tránh sự phức tạp từ sức ép của Trung Quốc, vốn là thị trường lớn của họ.
Zarubezhneft là doanh nghiệp chiến lược của Nga và đã quá nổi tiếng ở Việt Nam với liên doanh Vietsovpetro.
Việc Zarubezhneft tiếp quản các tài sản của Rosneft sẽ giúp duy trì sự hiện diện của Nga trong hoạt động ở khu vực này.
4. Quan điểm của chính phủ Philippines về Ba Đầu
Liên quan đến phát biểu của phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines Harry Roque về Đá Ba Đầu, tôi đã có bài viết riêng về vấn đề này và gửi cho những bạn đã đăng ký có phí.
SITREP 12.5: Quan điểm của chính phủ Philippines về Ba Đầu
Phát biểu của ông Roque tuy khó có thể được tiếp nhận bởi công chúng Philippines nhưng là sự thừa nhận thực tế tranh chấp và phù hợp hơn với quan điểm quốc tế. Trong đó, tình trạng Đá Ba Đầu được xét đến với sự liên quan đến Đá Ken Nan và Sinh Tồn (và Sinh Tồn Đông), thay vì chỉ khăng khăng nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Theo đó, ông Roque từ bỏ cách diễn dịch rằng Manila có quyền chủ quyền đối với Đá Ba Đầu thông qua EEZ, mà thay vào đó xác lập theo yêu sách chủ quyền của họ đối với Đá Ken Nan.
…
Xét đến cách phản ứng của Ngoại trưởng Teddy Locsin, có thể thấy đang có mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Philippines về cách xác lập yêu sách đối với Đá Ba Đầu nói riêng và cách phản ứng đối với sự hiện diện của tàu Trung Quốc nói chung.
5. Đọc thêm
Quân đội Mỹ tìm kiếm căn cứ để răn đe Trung Quốc nhưng gặp trở ngại hậu cần - Nikkei
Ông nói về những nỗ lực xây dựng lòng tin ở Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân chủng - nêu cụ thể Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ - rằng về lâu dài có thể dẫn đến nhiều quyền tiếp cận, căn cứ và quyền bay hơn.
"Chúng tôi đang nói chuyện với Indonesia - họ muốn xây dựng một trung tâm huấn luyện chiến đấu", ông Whitley nói. "Và chúng tôi sẽ nói chuyện với họ về điều đó và cách chúng tôi có thể hỗ trợ họ. Chúng tôi có những tương tác đang diễn ra ở Thái Lan với Strykers. Và chúng tôi có Việt Nam - nơi chúng tôi có kho bãi phục vụ hỗ trợ nhân đạo. Và sự tham gia của chúng tôi về thiết bị chống rét, về pháo binh và các hình thức hỗ trợ khác ở Ấn Độ rất hứa hẹn trong năm ngoái".
Biden tìm cách thiết lập đường dây nóng quốc phòng với Trung Quốc - Foreign Policy
Phỏng vấn: Tư lệnh Châu Á Thái Bình Dương của Pháp, chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey - USNI
Vương quốc Anh phái tàu HMS Queen Elizabeth đối đầu với Trung Quốc - Foreign Policy
Joe Biden thể hiện sự tiếp nối "hơn cả dự kiến" chính sách của Donald Trump đối với Trung Quốc - SCMP
Duân