12.6: Chuyển động quân sự ở Biển Đông, Mỹ - Trung tiếp tục đấu khẩu
Từ cuộc họp ở Alaska vào tháng 3 đến nay, bất đồng và căng thẳng giữa hai phía không giảm đi mà thậm chí còn kịch liệt hơn với các vấn đề phát sinh như cuộc điều tra nguồn gốc vi rút và việc Mỹ bị cho là tập hợp liên minh để đối phó Trung Quốc.
Các nội dung chính:
Tàu sân bay Sơn Đông rời cảng Tam Á
Tàu USS Ronald Reagan đến gần eo Ba Sỹ, chuẩn bị vào Biển Đông
Máy bay trinh sát Mỹ vào vịnh Bắc Bộ giữa lúc Trung Quốc tập trận
Tàu trinh sát điện tử Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa
Mỹ - Úc tập trận ở Biển Đông
Mỹ - Trung đấu khẩu gay gắt
1. Chuyển động quân sự
Tàu Sơn Đông
Ảnh vệ tinh ngày 11.6 cho thấy tàu sân bay Sơn Đông đã rời khỏi cảng ở Tam Á ở đảo Hải Nam. Trong khi đó, một số lượng lớn tàu quân sự Trung Quốc được nhìn thấy tập trung trong cảng này.
Sự tập trung của tàu chiến Trung Quốc ở đây khá bất thường nhưng nhiều khả năng các tàu này quay về cảng nhằm tránh cơn áp thấp nhiệt đới quét qua khu vực.
Trong khi đó, vì là tàu lớn và dễ bị tổn thương bởi bão hơn nên tàu Sơn Đông có thể di chuyển ra biển để rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng, vốn dự kiến sẽ đi thẳng vào Tam Á.
Tàu USS Ronald Reagan
Ngày 11.6, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã tiến đến khu vực phía nam đảo Miyako và phía đông nam Đài Loan, xích gần đến eo Ba Sỹ hơn. Không loại trừ khả năng tàu này sẽ tiến vào Biển Đông trong những ngày tới, trên đường đến Trung Đông, nếu như kế hoạch này vẫn chưa có gì thay đổi.
Với việc tàu Sơn Đông trở ra biển, trong thời gian tới chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ cùng hiện diện ở Biển Đông.
Vịnh Bắc Bộ
Ngày 11.6, một máy bay trinh sát điện tử RC-135U Combat Sent của Không quân Mỹ tiến hành chuyến bay trinh sát qua các khu vực nam Quảng Đông, Tam Á và tiến vào vịnh Bắc Bộ trước khi vòng trở lại theo đường cũ.
Chuyến bay trinh sát được tiến hành giữa lúc Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận kéo dài 10 ngày ở vịnh Bắc Bộ, phía tây bán đảo Lôi Châu từ 9 đến 18.6.
Đá Chữ Thập
Trang USNI News ngày 10.6 đăng tải hình ảnh vệ tinh rõ nét của Maxar cho thấy máy bay tuần tra biển KQ-200 (Y-8Q) và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 xuất hiện trên bãi đỗ ở Đá Chữ Thập ngày 9.6.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay KQ-200 và KJ-500 được phát hiện ở Đá Chữ Thập. Trước đây, chúng vẫn thường được triển khai luân phiên đến thực thể này.
Ảnh: USNI News
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một tàu trinh sát điện tử Type 815G của Trung Quốc neo ở Đá Chữ Thập. Chiếc tàu trinh sát Trung Quốc vẫn hoạt động ở phía nam Biển Đông lâu nay để theo dõi hoạt động của tàu chiến các nước, nhưng đây là lần đầu tiên ảnh vệ tinh ghi nhận được hình ảnh của nó.
Ngoài bài viết trên trang USNI News, chuyên gia HI Sutton cũng có bài tổng hợp hoạt động của một số tàu nghiên cứu và khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2019 đến nay.
Tuy nhiên, bài viết hữu ích này đã bỏ sót cuộc khảo sát mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiến hành ở khu vực phía nam quần đảo Trường Sa, gần nơi hoạt động của tàu khoan West Capella được Malaysia thuê vào tháng 4, tháng 5 năm 2020.
Mỹ - Úc tập trận ở Biển Đông
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG 54) và tàu hộ vệ HMAS Ballarat (FFH 155) của Mỹ đã tiến hành tập trận ở Biển Đông từ ngày 6 đến 11.6.
Tàu chiến Mỹ và Úc vẫn thường tiến hành tập trận ở Biển Đông mỗi khi có dịp, nhưng cuộc tập trận kéo dài đến 6 ngày, bao gồm cả nội dung bắn đạn thật, là một sự kiện hiếm thấy.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích hoạt động của Mỹ và Úc là “phô trương vũ lực”.
Mỹ - Philipines
Trong tuần qua cũng chứng kiến một số tương tác giữa giới lãnh đạo quân đội Mỹ và Philippines. Tư lệnh Hạm đội 7 William Merz đã thăm sở chỉ huy hải quân Philippines ngày 11.6. Trước đó, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương John Aquilino đã có cuộc họp trực tuyến với Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Cirilito Sobenaja.
Những cuộc tiếp xúc này có thể liên quan đến nỗ lực vận động cho việc gia hạn Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA) giữa Mỹ và Philippines.
Liên quan đến đề xuất của cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza về việc công bố đường cơ sở của các thực thể ở Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho các nhân viên xem xét nghiêm túc, theo ABS-CBN.
2. Mỹ - Trung
Ngày 11.6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có cuộc điện đàm giữa lúc hội nghị G7 diễn ra ở Anh.
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một thông báo khá ngắn gọn về các chủ đề của cuộc điện đàm, Tân Hoa xã có bài tường thuật dài về những nội dung phát biểu của ông Dương Khiết Trì.
Bài phát biểu của ông Dương không khác mấy so với những lập luận mà ông đưa ra trong cuộc đấu khẩu gay gắt với ông Blinken ở Alaska trước đây. Trong đó, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ đối với những vấn đề mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.
Có hai điểm mới hơn cũng là những vấn đề thời sự xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc là nghi vấn về nguồn gốc vi rút gây đại dịch Covid-19 và chỉ trích của ông Dương về chủ nghĩa đa phương giả hiệu dựa trên lợi ích của nhóm nhỏ, ám chỉ đến hội nghị G7 mà Trung Quốc được cho là chủ đề chính.
Các chủ đề được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc cụ thể nhưng chỉ được Tân Hoa xã gom vào thành “trao đổi quan điểm về các vấn đề quan tâm chung khác” bao gồm bán đảo Triều Tiên, Iran, Myanmar và biến đổi khí hậu.
Dựa trên độ dài ngắn bài tường thuật của Tân Hoa xã, có thể thấy cuộc điện đàm giữa hai phía đã diễn ra một cách gay gắt.
Nhìn chung, từ cuộc họp ở Alaska vào tháng 3 đến nay, bất đồng và căng thẳng giữa hai phía không giảm đi mà thậm chí còn kịch liệt hơn với các vấn đề phát sinh như cuộc điều tra nguồn gốc vi rút và việc Mỹ bị cho là tập hợp liên minh để đối phó Trung Quốc.
Cũng trong ngày 11.6, Tân Hoa xã đăng bài bình luận ở hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh lên án việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra chỉ thị tập trung các nỗ lực của Bộ Quốc phòng và quân đội nhằm đối phó Trung Quốc.
Sau khi kết thúc thời kỳ rà soát nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, Tổng thống Joe Biden có chuyến công du châu Âu với tâm điểm là tập hợp lực lượng ở hội nghị G7 và cuộc hội đàm được trông đợi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những sự kiện này có thể mở ra những bước ngoặt mới trong nỗ lực của Mỹ nhằm xử lý thách thức Trung Quốc trong tương lai.
Duân
Đây là bản tin mở được gửi đến tất cả những người đã đăng ký nhận bản tin miễn phí! Các bạn có thể đăng ký nhận bản tin có trả một khoản phí nhỏ để nhận được nhiều hơn nữa những bản tin như thế này, bao gồm những tin tức độc quyền và những bài bình luận về các diễn biến ở Biển Đông và khu vực. Sự ủng hộ của các bạn sẽ giúp bản tin được duy trì thường xuyên và lâu dài hơn. Xin trân trọng cảm ơn!