Xin chào,
Hy vọng mọi người vẫn khỏe! Tôi được một số người góp ý rằng Newsletter vẫn quá dài, nên tôi sẽ cố gắng rút ngắn lại trong thời gian tới.
Nếu các bạn có bất kỳ ý kiến nào muốn gửi đến tôi xin nhờ các bạn gửi trong phần bình luận hoặc gửi email đến cho tôi.
I. BAO VÂY TRUNG QUỐC
1. Báo cáo của Ủy ban nghiên cứu Đảng Cộng hòa
Ủy ban nghiên cứu của Đảng Cộng hòa, tập hợp gồm 150 nhà làm luật, hôm 11.6 đã công bố báo cáo về chiến lược an ninh quốc gia. Trong đó kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất với Đảng Cộng sản Trung Quốc vì nhiều vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và hoạt động của Ban Công tác mặt trận thống nhất trung ương.
Các nhân vật bị đề nghị trừng phạt bao gồm Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương; Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Hàn Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Khu ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc; Bí thư Khu ủy Tây Tạng Ngô Anh Kiệt; Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Thạch; Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện Hạ Bảo Long...
Tôi cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu báo cáo này. Tuy nhiên, ở phần Tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa, báo cáo nhắc tới vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa vào tháng 4.
Ở phần khuyến nghị, các nhà làm luật kêu gọi chính quyền đẩy nhanh việc ký các thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác khác, ngoài các nước đang được nhắm tới như Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ.
"Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" mà nhiều người Việt Nam nhắc tới trước đây cũng được mô tả là mạng lưới các thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác tin cậy để ít bị phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hơn.
Đặc biệt, báo cáo khuyến nghị thông qua các đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông nhằm áp lệnh trừng phạt lên các tổ chức, cá nhân Trung Quốc tham gia các dự án phát triển tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Mọi người có thể đọc toàn văn báo cáo dài 120 trang (tiếng Anh) Ở ĐÂY.
2. Twitter xóa hơn 170.000 tài khoản có liên hệ với chính phủ Trung Quốc
Đội quân Ngũ Mao đảng trên Twitter rốt cuộc cũng bị vạch mặt. Bản thân tôi cũng thường xuyên là mục tiêu của hội này mỗi khi tweet về Biển Đông. Thế nên, diễn biến này đáng hoan nghênh.
Nội dung chi tiết có thể đọc tại báo cáo "Vượt Vạn lý hỏa thành để retweet" của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI).
Đây là lần thứ hai ASPI có báo cáo quan trọng về Trung Quốc trong vài ngày. Mới ngày 10.6, ASPI cũng có báo cáo về hoạt động can thiệp ở nước ngoài của Trung Quốc thông qua Ban công tác mặt trận thống nhất trung ương.
Cũng liên quan đến công ty công nghệ, Zoom - công ty cung cấp dịch vụ video chat được nhiều người sử dụng, rốt cuộc cũng đã cho biết họ chọn lựa đứng về phía ai sau khi thừa nhận khóa tài khoản của các nhà hoạt động theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
4. Liên minh nghị viên chống Trung Quốc
Số thành viên của Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã gia tăng nhanh chóng. Hiện lên đến 104 nghị sĩ thuộc 13 nghị viện trên thế giới. Mới nhất là 2 nghị sĩ ở Ý, theo IPAC.
5. EU cân nhắc kiện Trung Quốc lên Tòa án Công lý quốc tế?
Gần như trên mọi lĩnh vực, chúng ta đang chứng kiến những sự tích tụ của cơn gió nhẹ hứa hẹn trở thành cuồng phong bạo vũ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong cuộc đối đầu này có vẻ như nhiều người lo ngại về sự lưỡng lự của các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, các thành viên EU đang soạn một dự thảo nghị quyết kêu gọi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc vì vi phạm Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông.
Nếu được thông qua, đây cũng chỉ là nghị quyết không ràng buộc nhưng nó hứa hẹn sẽ gây áp lực chính trị lên các nhà lãnh đạo ở châu Âu.
6. Hội nghị Dân chủ Copenhagen
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có bài phát biểu "Trung Quốc và thách thức với các xã hội tự do" tại hội nghị trực tuyến ngày 18 và 19.6.
Trung Quốc sẽ có thêm lý do tức tối với việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong sẽ có bài phát biểu tại hội nghị này.
Trong khi đó, ông Pompeo cũng vừa có bài phỏng vấn xoay quanh Trung Quốc (Ở ĐÂY).
Với những loạt đạn liên tiếp nhắm và Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi ông Pompeo tiếp tục là mục tiêu tổng sỉ vả của bút danh Chung Thanh chuyên bình luận về đối ngoại trên tờ Nhân Dân Nhật báo số hôm nay.
7. Ca lây nhiễm virus không rõ nguồn gốc ở Bắc Kinh sau gần 2 tháng
Thủ đô Bắc Kinh hiện lo lắng siết chặt các biện pháp phòng dịch sau khi phát hiện ca lây nhiễm không rõ nguồn gốc đầu tiên sau gần 2 tháng. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến kỳ họp Lưỡng hội ở Trung Quốc mới đây.
II. ĐÀI LOAN, BIỂN ĐÔNG
Đài Loan được cho là vừa thử tên lửa phòng không Thiên Cung II và Thiên Cung III vào khuya ngày 11.6, giữa lúc căng thẳng giữa hai bờ eo biển leo thang.
2. Thượng nghị sĩ Mỹ giới thiệu Đạo luật Phòng thủ Đài Loan
Mục tiêu của đạo luật này là ngăn chặn tình thế "sự đã rồi" về quân sự ở Đài Loan. Đây là tình huống quân đội Trung Quốc tấn công và kiểm soát Đài Loan trước khi Mỹ kịp điều lực lượng can thiệp.
Nếu để tình huống này xảy ra, Mỹ có thể buộc phải chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát Đài Loan như là "sự đã rồi".
3. Mỹ triển khai máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk hoạt động ở Biển Đông
Một tin tức cách đây 2 ngày. Nhưng tôi đang nghĩ đến kịch bản Trung Quốc cân nhắc bắn hạ máy bay không người lái Mỹ ở Biển Đông. Không phải là không thể xảy ra nếu nhớ đến việc Iran cũng từng bắn hạ máy bay không người lái Mỹ.
4. Ba tàu sân bay Mỹ dồn về Tây Thái Bình Dương
Gần như cùng lúc, sau khi tàu USS Ronald Reagan rời Yokosuka lên đường tuần tra, tàu sân bay USS Nimitz cũng rời San Diego cho chuyến tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.
Cộng với tàu USS Theodore Roosevelt đã có mặt, chúng ta có thể sẽ chứng kiến 3 tàu sân bay Mỹ hội tụ ở Tây Thái Bình Dương.
Càng thú vị hơn nếu chúng cùng xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông vào tháng 8.
Thời điểm tàu sân bay Mỹ tung hoành ở đây có lẽ cũng sẽ trùng với dịp bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại, khi Bình Nhưỡng dọn đường cho một cuộc leo thang mới.
Mới nhất là tuyên bố của Ngoại trưởng Ri Son-gwon chỉ trích Mỹ nhân kỷ niệm 2 năm thượng đỉnh Kim - Trump ở Singapore. Một vụ thử hạt nhân mới chăng?
5. Hai tàu sân bay Trung Quốc sẽ tập trận ở Tây Thái Bình Dương?
Tờ Sankei Shimbun dẫn nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh cho hay Trung Quốc có thể tổ chức cuộc tập trận với hai tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương để biểu dương lực lượng trùng thời điểm Mỹ tổ chức tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 8.
6. Hoạt động bay trinh sát
Khá nhiều máy bay trinh sát của Mỹ và Trung Quốc hoạt động ở khu vực phía bắc Biển Đông trong sáng hôm nay. Không loại trừ khả năng sẽ sớm có một tàu chiến Mỹ nữa băng qua eo biển Đài Loan.
7. Giàn khoan Noble Clyde Boudreaux
Đến sáng 12.6, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux vẫn yên vị tại Vũng Tàu. Không biết có gì sẽ thay đổi sau cuộc điện đàm tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam hay không.
Đó là tất cả cho hôm nay.
Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Duân,
Cảm ơn Duân! Mỗi khi đọc newsletter của Duân, tôi luôn có cảm giác thích thú như hồi cách đây hơn 30 năm được đọc bản tin nội bộ của TTXVN.
Xin chào Duân, rất vui được trao đổi thông tin với Duân. Tôi cũng theo dõi thời sự thế giới. Tôi có 2 nhận định sau:
1. Chiến tranh Trung-Mỹ là không tránh khỏi. Lý do vì Mỹ và đồng minh muốn xoá bỏ cnxh, nhưng quan trọng hơn là TQ đã dám cạnh tranh ngôi vị số 1 của Mỹ. Ưu thế của Mỹ và đồng minh là áp đảo. TQ sẽ bại trận.
2. Sau khi bại trận, TQ sẽ bị chia nhỏ như LX trước đây, ngay cả dân Hán cũng sẽ bị chia nhỏ. Các quốc gia mới dễ thấy như: Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Đài Loan..., tôi chưa tìm thấy thông tin dân Hán sẽ bị chia nhỏ như thế nào, vì Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ không để tồn tại một nước Hán vẫn còn lớn như vậy.
Bạn có thông tin gì về việc chia nhỏ TQ thì cho bạn đọc biết thêm. Thông tin của bạn rất hay. Thân mến.