13.10: Tàu Ronald Reagan vào Biển Đông, Trung Quốc tập trận gần Kim Môn, thỏa thuận hỗ trợ hậu cần Việt - Nhật?
Chào các bạn,
Newsletter hôm nay sẽ có các nội dung như nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông, tín hiệu từ chuyến ghé cảng Cam Ranh của biên đội tàu chiến Nhật và hoạt động tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan…
1. Tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông
Chỉ sau 3 ngày ở Ấn Độ Dương, ngày 12.10 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã băng qua eo biển Malacca để trở lại Biển Đông, theo tín hiệu AIS cũng như hình ảnh chụp ở eo Malacca được Hải quân Mỹ công bố.
Hộ tống tàu sân bay Mỹ là tuần dương hạm USS Antietam và khu trục hạm USS Halsey. Đầu giờ chiều ngày 12.10, nhóm tác chiến này đã đi qua eo Malacca và hướng lên phía bắc.
Các thủy thủ tàu USS Ronald Reagan diễn tập ở Malacca ngày 12.10 - Ảnh: Hải quân Mỹ
2. Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần Việt - Nhật trong tương lai?
USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông sau khi nhóm tàu chiến Nhật Bản gồm tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH 184), tàu khu trục JS Ikazuchi (DD 107) và tàu ngầm hiện đại JS Shoryu (SS 510) kết thúc chuyến ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam để tiếp tế.
Không loại trừ khả năng nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ tập trận với nhóm tàu Nhật ở Biển Đông trong những ngày tới.
Việc nhóm tàu chiến Nhật Bản tiếp cận cảng Cam Ranh cho mục đích tiếp tế là diễn biến rất đáng chú ý.
Biên đội tàu Nhật cập cảng Cam Ranh - Ảnh: Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản
Cho đến nay biên đội tàu Nhật chỉ ghé hai nước là Sri Lanka và Việt Nam trong chuyến triển khai kéo dài hơn một tháng ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Đoàn tàu ghé Sri Lanka ở Ấn Độ Dương với mục đích giao lưu trong khi ghé Việt Nam để tiếp tế.
Tháng 7.2019, một phần biên đội tàu do tàu JS Izumo cùng lớp với tàu Kaga dẫn đầu từng ghé Cam Ranh trong quá trình triển khai tuần tra Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng với mục đích giao lưu. Và tháng 6.2018, một tàu ngầm Nhật là tàu JS Kuroshio lớp Oyashio cũng ghé Cam Ranh giao lưu.
Thế nhưng, việc nguyên cả biên đội tàu Kaga đến Cam Ranh trong thời gian đại dịch Covid-19 biểu hiện sự tin cậy đặc biệt và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt - Nhật.
Với việc đoàn tàu Nhật ghé Cam Ranh tiếp tế, tôi có thể mường tượng về một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (Logistics Support Agreement - LSA) giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai, tương tự thỏa thuận mà Nhật mới ký với Ấn Độ vào tháng 9. (Truyền thông Ấn Độ vào tháng 9 tiết lộ New Delhi cũng đang muốn ký LSA với Việt Nam).
3. Hải cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép ở Senkaku
Trong lúc nhóm tàu chiến Nhật Bản hoạt động ở Biển Đông, Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên Nhật Bản ở Hoa Đông bằng cách triển khai hai tàu hải cảnh đi vào khu vực lãnh hải của quần đảo Senkaku từ ngày 11.10.
Hãng Kyodo dẫn thông tin từ Tuần duyên Nhật Bản cho biết các tàu Trung Quốc tìm cách tiếp cận một tàu cá Nhật ở gần Senkaku.
Tính đến sáng nay 13.10, hai tàu này vẫn ở trong lãnh hải Senkaku và đây là khoảng thời gian lưu lại kỷ lục của tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển này, bất chấp lời kêu gọi rời đi của tàu tuần duyên Nhật Bản.
4. Trung Quốc tập trận gần Kim Môn
Từ ngày 13-17.10, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Cổ Lôi ở tỉnh Phúc Kiến, theo một thông báo trước đó của Cơ quan quản lý Khu phát triển kinh tế cảng Cổ Lôi.
Cuộc tập trận này diễn ra trong một khu vực không lớn nhưng gây chú ý với dư luận Đài Loan bởi nó cách không xa đảo Kim Môn hiện do Đài Bắc kiểm soát, chỉ xấp xỉ 70 km.
Trong khi đó, hãng Reuters sáng nay dẫn 5 nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã duyệt bán ba hệ thống vũ khí cho Đài Loan và gửi thông báo cho Quốc hội để phê chuẩn.
Ba hệ thống vũ khí mới gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS của Lockheed Martin Corp, tên lửa không đối đất tầm xa SLAM-ER của Boeing Co và hệ thống cảm biến gắn ngoài dành cho chiến đấu cơ F-16 cho phép truyền trực tiếp hình ảnh và dữ liệu từ máy bay đến các trạm thu dưới mặt đất.
Đáng chú ý nhất trong số đó là tên lửa SLAM-ER gắn trên chiến đấu cơ có thể tấn công các mục tiêu ở đại lục hoăc trên biển. Bán cho Đài Loan loại vũ khí tấn công là bước đi mới của Mỹ bởi trước nay Washington thường nói rằng các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Vì thế, Bắc Kinh chắc chắn sẽ rất tức tối với thương vụ này.
Thân mến,
Duân
Wait and see. Don’t hurry. The Psychological and spying war go first and the real one are different ... Who knows ?
Quad (Mỹ Nhật Ấn Úc) hay Nga, UK đều là các cường quốc hải quân, thỏa thuận hỗ trợ hậu cần giữa họ, nếu có, đều là những thỏa thuận song phương, hai bên đều có thể sử dụng cơ sở của nhau.
Còn VN nếu ký LSA thì chỉ là đơn phương, tàu của Ấn muốn đến Biển Đông để hù TQ thì cần có hỗ trợ hậu cần, chứ mấy cụ Ghẻ của VN đâu có nhu cầu lang thang đến tới tận Ấn Độ dương? Và vì không phải song phương, nên chắc chắn VN sẽ đòi hỏi những lợi ích khác. Vấn đề là lợi ích gì? Tôi nghĩ là VN sẽ dùng việc ký thoả thuận hỗ trợ Nhật Ấn như một lá bài để deal với TQ. Và VN chỉ dùng đến lá bài đó khi thật cần thiết.