14.7: Biển Đông, chuyển động quân sự, Mỹ - Trung
"Mục tiêu bao trùm của chúng ta vẫn là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, đóng góp vào an ninh quốc tế, tôn trọng nhân quyền và sự thượng tôn pháp luật".
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
Ngày 14.7, trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng nhấn mạnh việc Mỹ bác bỏ các yêu sách biển phi pháp của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và nhắc lại rằng Mỹ sát cánh với các bên tranh chấp Đông Nam Á trước sự ép buộc của CHND Trung Hoa.
Tờ The Washington Times ngày 13.7 đưa tin Trung Quốc triển khai các máy bay cảnh báo sớm và máy bay trinh sát đến Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Cụ thể, hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500 xuất hiện ở Đá Vành Khăn trong tháng 5 và tháng 6, máy bay vận tải Y-9 và trực thăng Z-8 xuất hiện ở Đá Xu Bi trong tháng 6 và tháng 7.
Thực chất đây không phải là thông tin mới. Các loại máy bay này vẫn thường xuyên được triển khai đến các thực thể ở Trường Sa trong ít nhất 2 năm qua.
Theo tôi được biết, chúng vẫn thường xuyên cất cánh từ các thực thể này mỗi khi có nhóm tàu lớn của Mỹ tiến vào Biển Đông, hoặc thực hiện các chuyến bay trinh sát thông thường ở các khu vực xung quanh Trường Sa.
Công ty Simularity công bố một báo cáo mới về tình trạng các đội tàu Trung Quốc xả thải cụm Sinh Tồn gây hại môi trường biển.
Báo cáo này được thực hiện thông qua việc nghiên cứu sự tích tụ diệp lục A (Chlorophyll-a) bằng cách phân tích ảnh vệ tinh. Cụ thể, sự tích tụ diệp lục A có thể biểu thị cho mức độ sự sinh sôi của sinh vật phù dù. Sự xuất hiện của quá mức của sinh vật phù dù có thể gây hại cho môi trường biển.
Báo cáo này gây xôn xao dư luận ở Philippines, nhưng có một tranh cãi nhỏ là trong báo cáo của họ, Simularity sử dụng hình ảnh minh họa là một tàu xả thải chụp ở rạn san hô Great Barrier của Úc. Mặc dù Simularity có chú thích thể hiện đó chỉ là ảnh minh họa, nhưng truyền thông Philippines đã nhầm tưởng đó là hình ảnh chụp tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn, dẫn đến các ý kiến cho rằng báo cáo của Simularity là ngụy tạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông đã ra lệnh điều tra về những vấn đề được nêu trong báo cáo của Simularity.
Ngày 12.7, tàu khu trục USS Benfold của Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa đúng ngày kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông.
Ngày 13.7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố Sách trắng quốc phòng năm 2021, trong đó lần đầu tiên nhắc đến vấn đề eo biển Đài Loan.
Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý đến tình hình với cảm giác khủng hoảng hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton xác nhận Trung Quốc triển khai tàu trinh sát điện tử Type 815G Thiên Vương Tinh đến gần vùng biển bang Queensland. Mục đích tàu này được cho là nhằm do thám cuộc tập trận Talisman Sabre 2021 giữa Úc và Mỹ.
Ngày 12.7, nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Iwo Jima của Mỹ tiến hành tập trận chung với nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở vịnh Aden.
Ảnh: Hải quân Mỹ
Tàu Ronald Reagan được triển khai đến Trung Đông để hỗ trợ cuộc rút quân khỏi Afghanistan trong khi tàu Queen Elizabeth đang trên đường triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với việc tàu Ronald Reagan bị điều động sang Trung Đông, hai tàu này đã gặp nhau sớm hơn dự kiến, ở Ấn Độ Dương thay vì Thái Bình Dương.
Trong khi đó, truyền thông Anh tiết lộ dịch Covid-19 đã bùng phát trên tàu HMS Queen Elizabeth. Các thủy thủ trong nhóm tàu này được cho là bị lây nhiễm khi ghé lại Cyprus.
II. Mỹ - Trung
1. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ thăm Trung Quốc
Tờ South China Morning Post đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong ở Thiên Tân, nơi họ sẽ thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, một trong những nguồn tin cho biết.
Một cuộc gặp như vậy được coi là điều cần thiết để mở đường cho sự tương tác sâu hơn giữa Tổng thống Joe Biden và người tương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình.
2. Mỹ cân nhắc thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ở châu Á
Hãng Bloomberg ngày 13.7 đưa tin chính quyền Biden đang cân nhắc về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với các nền kinh tế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc.
Các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận về các đề xuất cho một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số bao gồm các nền kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương trong lúc chính quyền tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, theo những người am tường kế hoạch.
Chi tiết về thỏa thuận tiềm năng vẫn đang được soạn thảo, nhưng thỏa thuận có khả năng bao gồm các quốc gia như Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Singapore, theo một người được đề nghị giấu tên vì quá trình này không được công khai.
3. Mỹ nâng cấp cảnh báo các doanh nghiệp về Tân Cương
Ngày 13.7, các bộ Ngoại giao, Tài chính, Thương mại, An ninh nội địa và Lao động của Mỹ cùng công bố một khuyến cáo mới với các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng và đầu tư liên quan đến khu vực Tân Cương.
Theo đó, họ có nguy cơ cao vi phạm luật Mỹ và có thể đối mặt với hậu quả pháp lý nếu tiếp tục có quan hệ trong chuỗi cung ứng và đầu tư với Tân Cương, dựa vào những bằng chứng diệt chủng và vi phạm nhân quyền khác ở khu vực này.
Trong khi đó, tờ Financial Times tiết lộ chính quyền Mỹ cũng sẽ đưa ra một cảnh báo về những nguy cơ từ việc hoạt động ở Hồng Kông dành cho giới doanh nghiệp.
Cuộc tháo chạy khỏi Hồng Kông là có thật và đau đớn - Bloomberg
III. Mỹ - Việt
Ngày 13.7, ứng viên đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về quan hệ với Việt Nam.
Trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn, ông Knapper nêu ra bốn lĩnh vực ưu tiên là:
An ninh
Hai nước chúng ta đã mở rộng đáng kể hợp tác an ninh, bao gồm thông qua sự hỗ trợ của Mỹ để tăng cường năng lực trên biển của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã chào đón tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm kể từ khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao. Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chống lại các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mekong, và nếu được phê chuẩn, tôi sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này.
Thương mại và đầu tư
Nếu được xác nhận, tôi sẽ ủng hộ một sân chơi bình đẳng cho các công ty và nhà đầu tư Mỹ, bao gồm cả việc thúc giục Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận thị trường công bằng cho các dịch vụ kỹ thuật số và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Di sản chiến tranh và vấn đề nhân đạo
Quan hệ nhân dân
Ông Knapper cũng nhận diện một thách thức nổi cộm là những lo ngại sâu sắc của Mỹ hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Nếu được xác nhận, tôi sẽ thúc đẩy chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa và tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Chỉ khi chúng ta nhận thấy những tiến bộ đáng kể về nhân quyền thì mối quan hệ đối tác của chúng ta mới có thể phát huy hết tiềm năng của nó.
…
Mục tiêu bao trùm của chúng ta vẫn là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, đóng góp vào an ninh quốc tế, tôn trọng nhân quyền và sự thượng tôn pháp luật.
Trong phần hỏi đáp, các nghị sĩ Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền, những thách thức từ Trung Quốc, vai trò của Việt Nam ở Biển Đông và xu hướng siết chặt kiểm soát với các mạng xã hội và công ty internet của Mỹ, cụ thể là Facebook…
Ông Knapper cũng bày tỏ hy vọng nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên thành đối tác chiến lược.
Duân