Chào các bạn,
Chúng ta có hai vấn đề nóng hổi trong Newsletter ngày hôm nay là Biển Đông, như thường lệ, và Hồng Kông.
I. BIỂN ĐÔNG
Chủ đề chính vẫn là lập trường của Mỹ về Biển Đông, với những lý giải từ Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức vừa khai mạc vào tối qua.
Ngoài ra nguy cơ Trung Quốc lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và tàu nghiên cứu Trung Quốc lượn lờ ở khu vực Bãi Phúc Tần, Bãi Huyền Trân là những thông tin đáng chú ý khác.
Nếu như chúng ta vẫn còn chút nghi ngờ nào về sự dịch chuyển cốt lõi trong lập trường của Mỹ về yêu sách biển ở Biển Đông được công bố hôm qua thì chúng đã được xua tan bớt trong hôm nay, dựa vào hai sự kiện:
Phát biểu của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell tại hội thảo CSIS.
Chiến dịch tự do hàng hải do khu trục hạm USS Ralph Johnson tiến hành ở Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên ngày 14.7.
Sự dịch chuyển đó nằm trong phần tuyên bố mà tôi nhấn mạnh hôm qua:
Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank - ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar - ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là phi pháp.
1. Cảnh báo trừng phạt Trung Quốc vì Biển Đông
Tại cuộc hội thảo của CSIS, khi được đề nghị lý giải về ý nghĩa của lập trường mới, Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell nói: "Chúng tôi sẽ không còn nói chúng tôi trung lập đối với các yêu sách biển đó... khi một giàn khoan cắm vào vùng biển Việt Nam hay Malaysia, chúng tôi sẽ có thể đưa ra một tuyên bố quả quyết".
Ý của ông Stilwell không khác mấy với nhận định của tôi trong Newsletter ngày 14.7:
Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc tế, về phía lẽ phải, bao gồm luật Biển và phán quyết của tòa, qua đó đứng về phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.
Ngoài ra, khi được hỏi về khả năng Washington trừng phạt Bắc Kinh về Biển Đông, ông Stilwell cảnh báo:
Mọi phương án đều được cân nhắc. Tôi sẽ chỉ ra rằng Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) chịu trách nhiệm đối với những tổn hại môi trường không thể kể xiết và là một doanh nghiệp nhà nước, hành động của họ được Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Dứt khoát có không gian cho chuyện này. Đây là thứ ngôn ngữ mà Trung Quốc có thể hiểu được - hành động hữu hình và có luận chứng.
Cảnh báo này cũng đúng với nhận định của tôi trong Newsletter ngày 14.7:
Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.
Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.
Chắc chắn câu trả lời trong phần hỏi đáp đã được ông Stilwell chuẩn bị và phát biểu một cách có tính toán. Hay nói cách khác, hội thảo Biển Đông của CSIS là diễn đàn để ông Stilwell đưa ra cảnh báo này.
Lý do là trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn (xem Toàn văn), Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã dành nhiều thời gian liệt kê các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp ở Biển Đông như một "bảng phong thần" được viết sẵn.
Ở Biển Đông và những nơi khác, Trung Quốc đã sử dụng các tập đoàn quốc doanh như những công cụ cưỡng ép kinh tế và lạm dụng quốc tế. Chúng được sử dụng để nạo vét, xây dựng và quân sự hóa các pháo đài đảo nhân tạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Trường Sa, từ đó Bắc Kinh hiện xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á.
Danh sách này bao gồm:
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC): "Can tội" dẫn đầu hoạt động nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự ở Biển Đông, gây ra tác động hủy diệt kinh khủng đối với môi trường biển và ổn định khu vực.
Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC): "Tiền án" triển khai giàn khoan Hải Dương 981 khổng lồ đe dọa Việt Nam ở gần Hoàng Sa năm 2014. Lãnh đạo tập đoàn này từng ca ngợi nó như là "lãnh thổ quốc gia di động".
Nhiều công ty du lịch, viễn thông, thủy sản và ngân hàng quốc doanh đầu tư vào các cách thức thúc đẩy yêu sách phi pháp và sự bắt nạt của Bắc Kinh.
2. Khu trục hạm Mỹ tiến hành FONOP ở Trường Sa
Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi công bố lập trường về Biển Đông, Mỹ điều khu trục hạm USS Ralph Johnson áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP).
Cụ thể USS Ralph Johnson đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập, theo tờ The Diplomat. (LINK)
USS Ralph Johnson thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz từng vào Biển Đông tập trận với nhóm USS Ronald Reagan vào đầu tháng 7. Hiện USS Nimitz đã trở ra Biển Philippines còn USS Ralph Johnson vẫn ở lại Biển Đông trong khi USS Ronald Reagan đã đi qua Ấn Độ Dương.
Quan sát một bức ảnh vệ tinh chụp ngày 14.7 cho thấy một tàu chiến đang di chuyển cách Đá Chữ Thập khoảng 11 hải lý. Tuy nhiên, không rõ đây là tàu USS Ralph Johnson hay là tàu chiến Trung Quốc được điều động để bám đuổi tàu Mỹ.
Dù sao đây cũng là lần hiếm hoi một hoạt động FONOP của Mỹ được ảnh vệ tinh ghi nhận.
Hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông vẫn thường xuyên được tiến hành, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngoài việc được lên kế hoạch diễn ra vài tiếng đồng hồ sau khi công bố lập trường Biển Đông, có lẽ nhằm mục đích nhấn mạnh thông điệp, hoạt động này không lạ.
Cái khác lạ là tuyên bố của Hạm đội 7 về FONOP mới nhất.
Những yêu sách biển phi pháp và bao trùm ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do giao thương và thương mại không bị cản trở, và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước ven biển.
Điểm mới trong tuyên bố này chính là đoạn sau "tự do giao thương và thương mại không bị cản trở, và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước ven biển", bởi các tuyên bố về FONOP trước đây chỉ dừng lại ở chỗ "đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không".
Trong đó, "tự do về cơ hội kinh tế cho các nước ven biển" ám chỉ đến hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á.
Như vậy, tuyên bố của Hạm đội 7 cũng đã thay đổi ngay sau khi Mỹ công bố lập trường của mình.
Trên thực địa, tàu chiến Mỹ từng được điều đến các khu vực mà Trung Quốc quấy phá hoạt động dầu khí hoặc tiến hành các hoạt động phi pháp khác trong EEZ của các nước, chẳng hạn như tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords được điều đến khu vực tàu khoan West Capella bị Trung Quốc gây áp lực vào tháng 5, hoặc “kèm” tàu Hải Dương Địa Chất 4 trong EEZ của Việt Nam đầu tháng 7.
Tuy nhiên, khi đó Mỹ chỉ cung cấp hình ảnh hoặc các tuyên bố chung chung. Nay thì Mỹ có thể đưa ra tuyên bố quả quyết với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở những khu vực này.
Và như vậy, trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến Mỹ đẩy mạnh những hoạt động kiểu như vậy.
3. Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông
Vấn đề Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông lại được nhắc đến trong một câu hỏi của Đài NHK dành cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo ngày 14.7.
Chúng tôi đã nêu quan điểm của chúng tôi về vấn đề này trong nhiều dịp. Mọi quốc gia đều có quyền thiết lập ADIZ và sẽ xác định liệu có nên làm như vậy hay không dựa trên mức độ đe dọa an ninh phải đối mặt trên không trung. Trung Quốc sẽ tính đến các yếu tố khác nhau, bao gồm các mối đe dọa an ninh mà chúng tôi phải đối mặt trên vùng biển có liên quan ở Biển Đông và nghiên cứu tỉ mỉ và thận trọng vấn đề liên quan.
Phát biểu này này không khác mấy với câu trả lời dành cho tờ Nihon Keizai Shimbun ngày 22.6 về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo tờ Nikkei Asian Review ở Nhật (không hiểu sao tờ này bị một số nhà mạng ở Việt Nam chặn nhỉ?) dẫn một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh suy đoán cuộc họp báo tập trung về Biển Đông, phản ứng tuyên bố mới của Mỹ này có thể nhằm "chuẩn bị cho việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông". (LINK)
4. Phản ứng của các nước
Nhật Bản và Philippines là nơi đưa ra phản ứng tích cực nhất đối với lập trường của Mỹ tính đến sáng nay.
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi ca ngợi tuyên bố của ông Pompeo cho thấy "cam kết không lay chuyển của Mỹ đối với hòa bình và ổn định khu vực".
Phản ứng tích cực nhất của Philippines được đưa ra dưới hình thức một tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin N. Lorenzana (Chúc ông sớm hoàn thành cách ly phòng ngừa Covid-19!). (LINK)
Trong khi Bộ Ngoại giao Philippines, cơ quan lẽ ra phù hợp hơn, lại khá kín tiếng, còn phát ngôn viên Phủ tổng thống Harry Roque từ chối bình luận trực tiếp.
Không những thế, hôm qua Ngoại trưởng Teddy Locsin có cuộc điện đàm qua video với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc điện đàm này nhiều khả năng cho phía Trung Quốc đề xuất và chủ đề Biển Đông được đề cập nhiều. Một nỗ lực vận động và gây sức ép mới của Bắc Kinh đối với Manila?
Dựa theo quan sát thời gian qua, tôi suy đoán dường như Bộ Quốc phòng Philippines và Bộ Ngoại giao có xung khắc trong vấn đề Biển Đông và chọn lựa giữa Mỹ hay Trung Quốc. Bộ Quốc phòng có vẻ "thân Mỹ" hơn trong khi Bộ Ngoại giao dè dặt trong việc chọn lựa bên nào hơn.
Các nước liên quan còn lại như Malaysia, Indonesia, Brunei và Việt Nam một là thể hiện một sự dè dặt hai là chưa đưa ra phản ứng. Dễ hiểu nếu các nước này chỉ bày tỏ sự ủng hộ một cách kín đáo.
Một điều thú vị là Đài Loan cũng đưa ra phản ứng, nhưng cũng chỉ dựa vào nguyên tắc bốn điểm mà bà Thái Anh Văn đưa ra sau phiên tòa năm 2016.
5. Tàu nghiên cứu Trung Quốc đến gần bãi Phúc Tần
Tàu nghiên cứu Thẩm Quát (Shen Kuo) của Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực bãi Phúc Tần và Huyền Trân khuya ngày 13, rạng sáng ngày 14.7 trước khi quay về hướng Trường Sa.
Sáng nay tàu này di chuyển giữa Đá Tây và Đá Đông hướng về Đá Chữ Thập.
Trước đó, tàu nghiên cứu Thẩm Quát rời Tam Á ngày 8.7 và ghé đến neo ở gần đảo Phú Lâm vào ngày 9.7 trước khi tiến xuống phía nam ngày 11.7.
Trong khi đó, tàu Hải cảnh 5402 sáng nay tiếp tục lượn một vòng vào lô dầu khí 6.1 của Việt Nam trước khi quay trở lại gần bãi Tư Chính.
II. HỒNG KÔNG VÀ ĐỐI ĐẦU MỸ - TRUNG
Sáng nay 15.7, Tổng thống Donald Trump thông báo về hai hành động liên quan đến Hồng Kông:
Trong đó Đạo luật Tự trị Hồng Kông yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt lên các cá nhân, thực thể và tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào các hành động của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông.
Đây là những động thái được chờ đón từ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, chúng cũng đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hiện nay.
Phản ứng động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức đưa ra tuyên bố đe dọa (LINK):
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng cần thiết và áp đặt lệnh trừng phạt lên những cá nhân và tổ chức liên quan của Mỹ.
Cùng với hàng loạt hành động trong các vấn đề khác, xem ra cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng có thể quay đầu!
Vì thế, tôi chọn kết thúc bản tin hôm nay với một dự báo cực kỳ ảm đảm của Dân biểu Đảng Cộng hòa Ted Yoho cách đây vài ngày rằng một cuộc đụng độ bạo lực giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra trong vòng vài tháng, theo tờ Washington Examminer (LINK).
Ông Yoho, thành viên cấp cao của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói:
Tôi dự đoán sẽ có một cuộc đụng độ xảy ra trong vòng ba đến sáu tháng.
Cám ơn các bạn đã theo dõi!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn tin tức anh đã cung cấp. Chắc do anh gõ nhanh nên bị lỗi ở chổ này: Ngoại trưởng Mỹ Toshimitsu Motegi ca ngợi ...
Tks về những thông tin của anh