15.9: Biển Đông, liên lạc bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc
Một nguồn tin của tôi tiết lộ Cơ quan An toàn hàng hải Indonesia triển khai 2 tàu tuần tra đến khu vực hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10. Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng triển khai 3 tàu đến vùng biển Natuna sau khi phát hiện một tàu hộ vệ Type 054 của Trung Quốc ở khu vực.
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
1. Hoạt động của tàu sân bay
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã di chuyển xuống phía nam cuối tuần qua. Cụ thể, tàu xuất hiện ở vị trí cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 140 hải lý về phía đông.
Cùng thời điểm đó, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng phát tín hiệu AIS cho thấy nó đang ở vùng biển phía bắc đảo Natuna. Vị trí của 2 tàu khi ấy cách nhau khoảng 480 hải lý.
Tuy nhiên, tàu Sơn Đông được nhìn thấy trở về Tam Á ngày 13.9. Nhiều khả năng nó chỉ di chuyển xuống phía nam để tránh cơn bão Côn Sơn và quay trở về sau khi bão đi qua.
Trong khi đó, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã ghé đảo Guam để bảo dưỡng.
2. Tàu Hải Dương Địa Chất 10
Tình hình tại khu vực khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 10 có dấu hiệu tăng nhiệt sau khi Indonesia công khai lên tiếng về sự sự hiện diện của tàu hải cảnh và tàu khảo sát Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Hạ viện ngày 13.9, lãnh đạo Cơ quan An toàn hàng hải Indonesia Suprianto Irawan cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn thường quấy phá hoạt động của giàn khoan Clyde Boudreaux.
Ông Irawan cũng xác nhận việc tàu sân bay Mỹ hoạt động gần tàu Hải Dương Địa Chất 10, ở khoảng cách 50 hải lý.
Thế nhưng, phát ngôn viên của Bakamla, ông Wisnu Pramandita sau đó nói rằng tàu Hải Dương Địa Chất 10 không vi phạm quy định khi tiến đến gần giàn Clyde Boudreaux ngày 31.8.
"Tôi không biết chính xác nó đã ở đó bao lâu. Nhưng nó đã bật AIS và có thể được giám sát. Không có báo cáo về sự gián đoạn từ giàn khoan. Nó có thể là hành trình bình thường".
Điều không Wisnu không đề cập là việc tàu Hải Dương Địa Chất 10 có xâm phạm vùng biển Indonesia khi tiến hành hoạt động trong vùng biển của họ hay không.
Đây cũng là vấn đề mà giới chức Indonesia vẫn chưa đưa ra câu trả lời dứt khoát. Một phần lý do có thể là là Indonesia đang tính toán mức độ phản ứng với diễn biến này.
Điều đó không ngăn cản hoạt động triển khai của Indonsia đến khu vực. Ghi nhận mới nhất cho thấy Indonesia đã triển khai tàu hải quân KRI Bontang (907) bám theo tàu Hải Dương Địa Chất 10 ở khoảng cách dưới 1 km kể từ ngày 14.9.
KRI Bontang (907) thực chất không phải là một tàu chiến mà chỉ là tàu hậu cần. Việc sử dụng tàu này cũng gợi ý về sự tính toán của Jakarta trong mức độ phản ứng.
Một nguồn tin của tôi tiết lộ Bakamla triển khai 2 tàu tuần tra đến khu vực. Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng triển khai 3 tàu đến vùng biển Natuna sau khi phát hiện một tàu hộ vệ Type 054 của Trung Quốc ở khu vực.
3. Chuyển động khác
-Trong số 5 tàu hải cảnh được triển khai xuống Trường Sa vào tuần trước, 4 tàu 3304, 5302, 2305 và 6307 đã lên đường trở về Hải Nam.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận ở vùng biển gần đảo Hải Nam trong ngày 16.9.
Trung Quốc vừa mới hạ thủy tàu Hải Tuần 3 (Haixun 3). Đây là tàu sẽ được biên chế cho Cục Hải sự tỉnh Hải Nam để tuần tra ở Biển Đông. Nó dài 128,6 mét, có lượng giãn nước 5.560 tấn.
II. Ngoại giao
1. Cuộc gọi bí mật của Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ
Ngày 14.9, truyền thông Mỹ tiết lộ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Milley đã gọi hai cuộc điện thoại bí mật cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Lý Tác Thành trong giai đoạn cuối của chính quyền Trump. Trong hai cuộc gọi điện này, Milley trấn an Lý rằng không có chuyện Mỹ tấn công Trung Quốc.
Câu chuyện này được tiết lộ trong cuốn sách “Peril” sắp được phát hành của Bob Woodward.
Cụ thể, theo tường thuật của cuốn sách, Milley gọi cuộc đầu tiên vào ngày 30.10.2020, sau khi xem qua thông tin tình báo gợi ý Trung Quốc tin rằng Mỹ chuẩn bị tấn công vì các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và thái độ của Trump đối với Trung Quốc.
Trong cuộc gọi, Milley khẳng định Mỹ sẽ không tấn công Trung Quốc và đi xa hơn khi nói:
Tướng Lý, tôi và ông biết nhau đã 5 năm. Nếu chúng tôi tấn công, tôi sẽ gọi báo trước cho ông. Đó sẽ không phải là cuộc tấn công bất ngờ.
Cuộc gọi thứ hai diễn ra vào ngày 8.1.2021, Milley lại tiếp tục trấn an Trung Quốc. Cùng ngày, ông liên hệ với chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề nghị hoãn các cuộc tập trận quân sự.
Hiện chưa rõ những cuộc tập trận ở Biển Đông được nhắc đến là cuộc tập trận nào. Tuy nhiên, trong thời gian đó, oanh tạc cơ B-1B của Mỹ thường xuyên tiến hành các phi vụ tuần tra áp sát các căn cứ của Trung Quốc ở Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.
Trong giai đoạn bầu cử tổng thống, Mỹ và Nhật Bản cũng tiến hành cuộc tập trận Keen Sword từ ngày 26.10 đến 5.11, với sự tham gia của 46.000 quân nhân, 20 tàu chiến và 170 máy bay.
Ngày 22.10, 4 oanh tạc cơ B-1B của được triển khai đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam. Nhiều khả năng các oanh tạc cơ này đến khu vực để tham gia cuộc tập trận Keen Sword quy mô giữa Nhật Bản và Mỹ từ ngày 26.10 đến 5.11.
Theo kế hoạch, 46.000 quân nhân, bao gồm 37.000 lính Nhật và 9.000 lính Mỹ, sẽ tham gia tập trận cùng với 20 tàu chiến và 170 máy bay.
Canada cũng cử một tàu chiến tham gia cuộc tập trận diễn ra ở nhiều khu vực của Nhật Bản, bao gồm quần đảo Okinawa.
Cuộc tập trận quy mô, bao gồm cả nội dung chiếm đảo, diễn ra vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 3.11.
Keen Sword là cuộc tập trận lớn nhất giữa Mỹ và Nhật diễn ra 2 năm một lần và được lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, trong năm nay nó diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Thời gian qua cũng có không ít đồn đoán rằng Trung Quốc có thể tiến hành một hành động gây hấn nào đó với Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm xung quanh ngày bầu cử Mỹ hoặc sau đó.
Cách thời điểm diễn ra cuộc gọi đầu tiên giữa ông Milley và ông Lý Tác Thành, Tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến và bản thân tờ báo này cũng thường nhắc đến một “Bất ngờ tháng 10” của Tổng thống Trump bằng cách tấn công Trung Quốc để thúc đẩy cơ hội thắng cử.
Chẳng hạn, Hồ Tích Tiến từng viết trê Twitter vào cuối tháng 9.2020 rằng:
Dựa trên thông tin tôi biết được, chính quyền Trump có thể mạo hiểm tấn công các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông bằng máy bay không người lái MQ-9 Reaper để hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông.
2. Tổng thống Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung
Tờ Financial Times ngày 15.9 tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản ứng hờ hững với đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung được Tổng thống Biden đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai người vào tuần trước.
Phản ứng này khiến một số quan chức Mỹ kết luận rằng Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục đường lối cứng rắn với Washington.
Tổng thống Mỹ đã đề xuất với ông Tập rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm phá vỡ sự bế tắc trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng nhiều người được báo cáo về cuộc gọi nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không chấp nhận lời đề nghị của ông và thay vào đó nhấn mạnh rằng Washington phải có một giọng điệu bớt cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Trong khi đó, phía Mỹ thông báo hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo của 4 nước thuộc nhóm “Bộ tứ” sẽ được tổ chức tại Nhà Trắng vào ngày 24.9.
Duân