Chào các bạn,
Xin cáo lỗi vì thời gian qua, tôi có chút việc nên không gửi Newsletter thường xuyên được.
Bản tin hôm nay chỉ xin được điểm qua một số diễn biến ở Biển Đông và các hoạt động quân sự đáng chú ý của Trung Quốc. Hy vọng sẽ cập nhật thường xuyên hơn trong những ngày tới!
1. Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 8 hướng phía Biển Đông
Trung tâm điều phối vùng hành hải NAVREA XI ngày 15.12 phát cảnh báo hàng hải về hoạt động phóng tên lửa (rocket launching) ảnh hưởng đến hai khu vực, một trong vùng biển Việt Nam và một trong vùng biển Indonesia trong ngày 20.12 (xem hình).
Tuy chưa có xác nhận chính thức, nhưng nhiều khả năng hai khu vực cảnh báo này phục vụ hoạt động phóng tên lửa Trường Chinh 8-Y1 mới của Trung Quốc từ trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở Hải Nam. Đây là nơi các bộ phận của tên lửa sẽ rơi xuống.
Truyền thông Trung Quốc cho biết tên lửa Trường Chinh 8-Y1 đã được đưa vào bệ phóng vào sáng 16.12.
Trung Quốc chỉ cho biết vụ phóng tên lửa này sẽ được tiến hành vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, theo cảnh báo của NAVREA XI, thì khung thời gian phóng từ 11 giờ đến 14 giờ ngày 20.12 (giờ VN). Dẫu vậy, thời gian này có thể bị thay đổi vào phút chót.
2. Trung Quốc tập trận ở Hải Nam
Trong ngày 14.12, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sẽ tiến hành hai cuộc tập trận ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo hai cảnh báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, vị trí hai cuộc tập trận này ở gần hòn đảo này.
Truyền thông Trung Quốc trước đó cũng tiết lộ một đơn vị trực thăng thuộc chiến khu Nam bộ đã tiến hành tập trận bắn tên lửa chống hạm tại một khu vực ở Biển Đông ngày 11.12.
3. Tàu Sơn Đông
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã kết thúc hơn 3 tuần huấn luyện ở Bột Hải và quay trở về cảng Đại Liên.
Trong lúc tàu Sơn Đông chuẩn bị kỷ niệm 1 năm ngày biên chế (17.12.2019), Trung Quốc cũng công bố clip về hoạt động cất và hạ cánh của chiến đấu cơ J-15 trên tàu này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào tàu này đạt mức độ sẵn sàng chiến đấu.
Tàu Sơn Đông được cho là sẽ trú đóng tại căn cứ Du Lâm ở Hải Nam, nơi nó được biên chế cách đây 1 năm. Trung Quốc dự kiến cũng sẽ triển khai 1 hoặc 2 tàu đổ bộ tấn công Type 075 tại căn cứ ở Hải Nam.
Truyền thông Hồng Kông cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu ngầm hạt nhân đã xuất hiện gần tàu Sơn Đông trong chuyến huấn luyện mới nhất.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân với tàu sân bay Sơn Đông có thể là một tín hiệu cho Hoa Kỳ về sức mạnh hạt nhân của nước này.
“Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 094 của Trung Quốc là cần thiết để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Nếu họ có thể đi đến gần Hawaii, tàu ngầm có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lục địa Hoa Kỳ", ông Lu nói.
“Nhưng các tàu ngầm cần được bảo vệ bởi các nhóm tấn công tàu sân bay.
“Sự xuất hiện lần đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân với tàu sân bay Sơn Đông có thể đồng nghĩa với việc tàu này đạt được kết quả tốt trong cuộc thử nghiệm trên biển mới nhất”.
4. Máy bay không người lái Mỹ tăng cường hoạt động ở Biển Đông
Ngày 15.12, máy bay không người lái MQ-4C Triton của hải quân Mỹ tiếp tục xuất hiện ở khu vực Biển Đông phía tây nam Đài Loan.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 7 ngày qua máy bay trinh sát này xuất hiện ở Biển Đông, sau các ngày 9 và 14.12.
Diễn biến này cho thấy Mỹ đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái cho các hoạt động trinh sát ở khu vực, biến chuyện này thành thường lệ.
Một động thái mới khác của Mỹ ở khu vực là việc điều chiến đấu cơ tàng hình F-22 đến Biển Đông huấn luyện cùng một oanh tạc cơ B-1B trong ngày 10.12, theo thông báo của Không quân Thái Bình Dương.
Tuy Không quân Thái Bình Dương không nói rõ nhưng nhiều khả năng 2 chiếc F-22 bay từ căn cứ Kadena ở Okinawa đến Biển Đông với sự hỗ trợ của máy bay tiếp liệu. Trong khi đó, B-1B bay từ căn cứ Andersen ở Guam.
Trước đó, 2 chiếc F-22 đã được ghi nhận di chuyển từ Guam đến Kadena. Đường bay của oanh tạc cơ B-1B ngày 10.12 cho thấy nó bay qua khu vực Trường Sa.
Có vẻ như đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ tàng hình F-22 thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông và chắc chắn là lần đầu tiên chúng phối hợp huấn luyện với B-1B ở khu vực này.
Trong khi đó, Nhóm Sẵn sàng tác chiến Đổ bộ đường biển (ARG) do tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island dẫn đầu đã rời Biển Đông ra Ấn Độ Dương trong ngày 12.12 sau 6 ngày hoạt động ở khu vực.
Tín hiệu AIS cho thấy ba tàu USS Makin Island, USS Somerset và USS San Diego băng qua eo biển Malacca ngày 12.12. Các nguồn tin của USNI cho hay nhóm tàu nhiều khả năng sẽ đến Trung Đông.
Theo hải quân Mỹ, trong ngày 11.12, tàu USS Somerset đã huấn luyện cùng tàu RSS Endurance của Singapore như một phần cuộc tập trận CARAT giữa hai nước từ 9 đến 14.12 ở Biển Đông và ở căn cứ Changi.
Cuối cùng, xin được kết thúc bản tin bằng bài viết công bố hôm nay của ông Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nam Hải ở Trung Quốc, trong đó ông ta đưa ra một số nhận định về tình hình Biển Đông trong thời gian tới, dĩ nhiên dưới cái nhìn của một học giả Trung Quốc.
Trong những ngày đầu của chính quyền Biden, dự kiến sẽ không có sự điều chỉnh lớn nào đối với chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ. Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đà đối đầu hiện nay ở Biển Đông. Tuy nhiên, với việc nối lại hoặc thiết lập các cơ chế đối thoại và liên lạc giữa hai chính phủ, mối quan hệ “hợp tác” giữa hai nước sẽ xuất hiện, bao gồm các cuộc đối thoại tập trung vào quản lý khủng hoảng; đối đầu, đặc biệt là đấu tranh pháp lý; và cạnh tranh về sức mạnh hàng hải với mục đích mở rộng sự hiện diện quân sự.
Về quan hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia ven biển khác ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ đưa chiến lược an ninh Biển Đông trở lại trong khuôn khổ chiến lược an ninh Châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh liên minh quân sự với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Điều này, ở một mức độ nào đó, sẽ thay đổi thế chiến lược tương đối thuận lợi của Trung Quốc sau khi họ xây dựng và triển khai cơ sở trên các đảo và đá ngầm của họ ở Biển Đông. Chính quyền Biden sẽ buộc Philippines phải chọn bên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bằng cách tận dụng Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) và nêu ra phán quyết trọng tài một lần nữa. Việt Nam sẽ tiến xa hơn về các vấn đề như việc Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của Việt Nam và hợp tác an ninh Việt-Mỹ, phát triển dầu khí ở các khu vực tranh chấp, và đe dọa sẽ nộp đơn kiện Trung Quốc bởi Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chính sách gây áp lực cao đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Với sự hỗ trợ bí mật của Hoa Kỳ, Malaysia sẽ thúc đẩy thảo luận trong Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) về đệ trình của nước này và tăng tốc phát triển dầu khí ở cụm bãi cạn Luconia. Trong các cuộc tham vấn COC, vì nhu cầu chiến lược của mình sau khi quay trở lại chủ nghĩa đa phương, Hoa Kỳ sẽ thiết lập các rào cản mới đối với quá trình xây dựng quy tắc đối với Biển Đông do Trung Quốc dẫn đầu, hoặc tạo ra những rắc rối bởi các “bên ủy nhiệm” của họ trong ASEAN để đẩy quá trình này rơi vào bế tắc.
Thân mến,
Duân
Cám ơn anh nhiều
Cảm ơn anh rất nhiều.