1.7: Giàn khoan Clyde Boudreaux, Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập đảng
Khu vực này được cho là nằm trong cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông nhưng trước đây Trung Quốc chưa từng được ghi nhận phản đối hoạt động khai thác dầu khí của Indonesia ở đây, mặc dù Bắc Kinh khăng khăng họ có quyền và lợi ích biển tại khu vực được họ nói là chồng lấn với Indonesia ở phía bắc Natuna.
I. Biển Đông
1. Tàu Cảnh sát biển 8021
Tàu Cảnh sát biển 8021 đã rời đảo Guam ngày 30.6 và hiện hướng về Biển Đông trên đường đến Việt Nam.
Đây vốn là tàu tuần duyên lớp Hamilton John Midgett (WHEC 726) được Mỹ loại biên và chuyển giao cho Việt Nam.
2. Giàn khoan Noble Clyde Boudreaux
Ngày 1.7, giàn khoan Clyde Boudreaux của hãng Noble xuất hiện ở Biển Đông, phía tây nam bãi Tư Chính. Tuy nhiên, lần này nó được phía Indonesia thuê để khoan thẩm lượng tại lô Tuna.
Đây là lô dầu khí nằm sát ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, nằm giáp phía nam lô 07/03 của Việt Nam.
Khu vực này được cho là nằm trong cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông nhưng trước đây Trung Quốc chưa từng được ghi nhận phản đối hoạt động khai thác dầu khí của Indonesia ở đây, mặc dù Bắc Kinh khăng khăng họ có quyền và lợi ích biển tại khu vực được họ nói là chồng lấn với Indonesia ở phía bắc Natuna.
Vị trí giàn Clyde Boudreaux (“đường lười bò” chỉ có mục đích minh họa).
Giàn khoan Clyde Boudreaux từng có kế hoạch khoan ở lô 6.01 của Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, hợp đồng khoan giữa Noble và công ty Nga Rosneft đã bị hủy.
Trung Quốc từng nhiều lần quấy phá hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia ở khu vực mà họ cho là nằm trong “đường lưỡi bò”.
Hiện chưa rõ Trung Quốc có quấy phá hoạt động của Indonesia hay không. Tuy nhiên, tàu Hải cảnh 5202 vốn hiện diện ở khu vực Tư Chính và thường xuyên quấy phá hoạt động của Việt Nam ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã tắt tín hiệu AIS từ ngày 28.6, thời điểm giàn Clyde Boudreaux được kéo từ đảo Natuna ra lô Tuna.
Một dấu chỉ khác là tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam vốn thường xuyên bám theo tàu Hải cảnh 5202 đã di chuyển xuống gần lô Tuna hai lần trong hai ngày 29.6 và 1.7.
Nếu triển khai tàu hải cảnh đến gần giàn Clyde Boudreaux lần này, Trung Quốc sẽ bổ sung Indonesia vào danh sách các nước bị họ quấy phá hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông.
II. Trung Quốc
1. Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản
Sáng 1.7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài hơn 1 tiếng đồng hồ tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn.
Trong bài phát biểu, ông Tập tuyên bố nhân dân Trung Quốc không bao giờ cho phép “thế lực ngoại lai nào bắt nạt, áp bức hoặc nô dịch chúng ta” và bất kỳ ai làm thế phải đối mặt với “Trường thành Thép được xây dựng bởi máu thịt của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”.
Ông Tập cũng có tuyên bố là “chúng ta chưa bao giờ bắt nạt, áp bức hoặc nô dịch nhân dân của bất kỳ quốc gia nào và sẽ không bao giờ làm thế”.
Các phát biểu đáng chú ý khác:
Chỉ có chủ nghĩa xã hội có thể cứu Trung Quốc, chỉ có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thể phát triển Trung Quốc.
Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu 100 năm đầu tiên là xây dựng xã hội khá giả.
Thời đại dân tộc Trung Quốc bị tàn sát và ức hiếp vĩnh viễn không còn nữa.
Hiện thực hóa cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Quốc là tiến trình lịch sử không thể đảo ngược.
Kiên quyết đập tan mọi âm mưu Đài Loan độc lập.
2. Nhật, Mỹ tập trận chuẩn bị kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan
Thông tin này được tiết lộ trong một bài báo độc quyền của tờ Financial Times ngày 1.7.
Các quan chức quân sự Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu lên kế hoạch nghiêm túc cho một cuộc xung đột tiềm tàng vào năm cuối cùng của chính quyền Trump, theo sáu người yêu cầu giấu tên. Hoạt động này bao gồm các cuộc diễn tập tuyệt mật trên sa bàn và các cuộc tập trận chung ở Biển Đông và Hoa Đông.
…
Khi hai đồng minh bắt đầu tăng cường lập kế hoạch chung, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ chia sẻ kế hoạch chiến tranh Đài Loan, nhưng Lầu Năm Góc từ chối vì muốn tập trung vào việc thúc đẩy lập kế hoạch giữa hai nước theo từng giai đoạn. Một cựu quan chức Mỹ cho biết mục tiêu cuối cùng là để hai đồng minh tạo ra một kế hoạch chiến tranh tích hợp cho Đài Loan.
Hai trong số sáu người cho biết quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông vốn được che đậy như là cuộc huấn luyện cứu trợ thảm họa. Họ cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự hơn xung quanh Senkaku, điều này cũng giúp chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc về Đài Loan, nơi chỉ cách quần đảo này 350 km về phía tây.
3. Trung Quốc lên kế hoạch cuộc gặp Tập - Biden
Dù giới chức ngoại giao Trung Quốc lạnh nhạt với ý tưởng về cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden, nhưng gần đây họ đã thảo luận về việc sắp xếp tổ chức cuộc họp bên lề hội nghị G20 ở Rome vào tháng 10, với hy vọng cuộc họp sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai nước, theo các nguồn tin của tờ The Wall Street Journal.
Trong khi đó, nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện Hoover đã công bố bài tiểu luận của cựu giáo sư trường Đảng trung ương Thái Hà.
Điểm lại lịch sử bang giao Mỹ - Trung, bà Thái Hà kêu gọi Mỹ từ bỏ những hy vọng “ngây thơ” về việc tiếp xúc với Trung Quốc. Nhiều chính khách và chuyên gia về Trung Quốc đã chỉ ra vấn đề này nhưng đây là lần hiếm hoi một người từng ở bên trong hệ thống của Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi.
Suy nghĩ mơ mộng về việc ‘can dự’ phải được thay thế bằng các biện pháp phòng thủ cứng rắn để bảo vệ Mỹ khỏi sự xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc — đồng thời tạo ra những áp lực tấn công đè lên họ, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc mong manh hơn nhiều so với những gì người Mỹ nghĩ.
4. Đọc thêm
Thông điệp của Tập Cận Bình tới Trung Quốc: Tôi là người thừa kế Mao Trạch Đông - The Times
Biden cần một chiến lược cho các tổ chức quốc tế - Foreign Policy
Mỹ sẽ thích một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hơn là các cuộc chiến tranh bất tận - Financial Times
Trung Quốc xây hơn 100 hầm phóng tên lửa hạt nhân ở sa mạc phía tây - The Washington Post
Duân