17.5: Hải cảnh 5901, Mỹ - Trung
Chào các bạn,
Không có nhiều diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông cuối tuần qua, ngoại trừ di chuyển đáng chú ý của tàu hải cảnh khổng lồ 5901.
1. Chuyển động quân sự
Từ ngày 11 đến 17.5, 11 tàu chiến của Nhật, Pháp, Mỹ và Úc tiến hành tập trận ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này bao gồm cả huấn luyện đổ bộ bảo vệ đảo xa và chống ngấm.
Ảnh: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Ngày 16.5, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ quay trở lại quân cảng Yokosuka. Trước đó, tàu này đã tiến hành chạy thử sau đợt bảo dưỡng kéo dài nhiều tháng.
Hải quân Mỹ thông báo hai máy bay không người lái MQ-4C Triton từ Guam tạm thời được triển khai đến căn cứ Misawa. Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái này được triển khai ở Nhật Bản.
Tại khu vực Tư Chính, tàu hải cảnh 5302 của Trung Quốc cuối tuần qua đã đến thay thế vị trí của tàu 5202 để tàu này trở về Tam Á. Tàu kiểm ngư 276 của Việt Nam vẫn bám sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực này.
2. Philippines - Trung Quốc
Sau khi hướng đến bãi cạn Scarborough vào tuần trước, ngày 16.5 tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ mà Philippines chiếm đóng ở khoảng cách chỉ khoảng 2 hải lý. Sau đó tàu này hướng trở về phía bắc.
Đường đi của tàu 5901 cho thấy nó chỉ hướng đến hai khu vực. Một là bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, hai là đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát.
Tàu 5901 là một trong hai tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc, với lượng giãn nước lên đến hơn 10.000 tấn.
Hành trình của 5901 gợi ý Trung Quốc có vẻ như muốn thể hiện sự phản ứng bằng cách phô trương sức mạnh hải cảnh trước những hoạt động cũng như tuyên bố gần đây của Philippines liên quan đến tình hình Biển Đông.
Trước đó, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố ông cương quyết không rút tàu khỏi khu vực Biển Đông trong bài phát biểu với toàn dân ngya2 14.5.
“Tôi sẽ không rút. Ngay cả khi các ngài giết tôi. Tình hữu nghị của chúng ta sẽ kết thúc tại đây”.
Liên quan đến tranh chấp Trung Quốc - Philippines, sự kiện Philippines rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough tiếp tục là tâm điểm.
Cựu Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cáo buộc Trung Quốc lừa dối khi phá vỡ thỏa thuận cùng rút tàu khỏi Scarborough năm 2012 - Manila Standard
Trong khi đó, trong một bài viết trên tờ Manila Times, nhà báo Rigoberto D. Tiglao chỉ trích Mỹ và các cựu quan chức, bao gồm cả ông Cuisia, về sự kiện này - Manila Times
Như tôi nhiều lần nhận định, sự kiện bãi cạn Scarborough năm 2012 sẽ còn được xới lại nhiều trong các cuộc tranh luận trước bầu cử tổng thống Philippines năm 2022.
Đọc lại: SITREP 7.5: Căng thẳng Biển Đông và bầu cử Philippines
3. Mỹ - Trung
Trong bài viết trên tập san Comparative Connections của Pacific Forum, hai chuyên gia Bonnie S. Glaser và Hannah Price tổng kết những diễn biến liên quan đến Trung Quốc sau 100 ngày của Tổng thống Biden.
Cuối bài viết này có một dòng thời gian rất hữu ích về những sự kiện liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian qua.
Sự liên tục là xu thế chủ đạo trong 100 ngày đầu tiên của Biden - Comparative Connections
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tái xuất sau khi có nhiều tin đồn về việc ông sẽ bởi Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa trong vai trò nhà đàm phán về thương mại với Mỹ - Apple Daily
Truyền thông Đài Loan tiết lộ nhiều binh sĩ thuộc Lữ đoàn Hợp tác an ninh lục quân Mỹ hiện có mặt ở Đài Loan tham gia hoạt động huấn luyện - Liên Hợp Báo
Chuyên gia phân tích: Vai trò của Đài Loan trong hoạt động triển khai của Thủy quân lục chiến Mỹ - Taiwan News
Đây là bài viết của chuyên gia Tạ Phái Học trên tập san An ninh quốc phòng của Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng ở Đài Loan.
Ganh đua Mỹ, Trung Quốc trợ cấp 33 tỷ USD để tăng cường lĩnh vực bán dẫn, quốc phòng - Nikkei Asia Review
Duân