Hi,
Chúng ta chỉ vừa trải qua hơn nửa năm 2020 mà đã có quá nhiều sự kiện lớn xảy ra, vì thế bản tin hôm nay sẽ dài hơn thường lệ.
Tôi thực sự không biết nên bắt đầu vấn đề nào trước trong một loạt sự kiện nóng đáng chú ý. Tuy nhiên, hãy bắt đầu bằng vấn đề gắn liền với chúng ta nhất!
I. BIỂN ĐÔNG
1. Trung Quốc tập trận phi pháp ở Hoàng Sa
Ngày 16.6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ngang nhiên thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành huấn luyện quân sự ở quần đảo Hoàng Sa trong ngày 17.6.
Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 17.6 (giờ Việt Nam) tại hai khu vực xung quanh đảo Phú Lâm. Các bạn có thể xem lược đồ dưới đây!
Không rõ có nội dung nào đáng chú ý trong cuộc tập trận này hay không. Tuy nhiên, mọi năm Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận ở những khu vực như thế tại Hoàng Sa.
2. Tàu khảo sát Hải Dương 4
Từ ngày 15.6 đến nay tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 đã đi vào và lượn lờ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Đến 7 giờ 25 sáng nay, tàu này đến vị trí 9,71N/111,83E. Vị trí này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khoảng hơn 30 hải lý.
Nó nằm trong lô dầu khí mà Việt Nam đặt tên là 154 và ngay rìa bên ngoài của lô Riji 03, một trong 9 lô dầu khí mà Trung Quốc ngang nhiên mời thầu năm 2012.
Đường đi của tàu khảo sát lần này khá lạ, có lúc ở vận tốc 4-5 hải lý/giờ, tựa như đang tiến hành khảo sát, có lúc lại xuống dưới 1 hải lý/giờ, như đang thả trôi.
Chúng ta vẫn cần phải theo dõi để biết chính xác ý đồ của Trung Quốc lần này.
3. Indonesia gửi thêm công hàm lên LHQ
Ngày 12.6, Indonesia tiếp tục gửi thêm một công hàm lên Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến công hàm diễn ra mấy tháng nay.
Trong công hàm mới nhất, Indonesia nhấn mạnh lại hai vấn đề đã nêu trong công hàm ngày 26.5 rằng:
- Các thực thể ở quần đảo Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo UNCLOS 1982 và phán quyết của tòa án năm 2016.
- Không có cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia.
Như vậy là không hề có tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Indonesia nên không cần phải đàm phán gì cả.
Đây là câu trả lời của Indonesia cho công hàm ngày 2.6 của Trung Quốc trong đó khẳng định Trung Quốc và Indonesia có chồng lấn biển và kêu gọi đàm phán để giải quyết.
4. Vị trí tàu sân bay USS Ronald Reagan
Ngày 15.6, tàu sân bay USS Ronald Reagan được phát hiện ở vị trí 25,63N/130,36E, cách đảo Okinawa khoảng 140 hải lý về phía đông.
Tôi dự kiến tàu sân bay này sẽ vào Biển Đông trong thời gian tới.
Cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale vừa có bài viết đáng chú ý trên tờ India Express ngày 16.6 trong đó ông nhắc nhiều đến bài viết của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trên tờ Foreign Affairs mới đây.
Ông Gokhale, từng là đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, kêu gọi Ấn Độ can dự sâu hơn nữa vào Biển Đông, cũng như đáp lại lời kêu gọi của các nước ASEAN, suy nghĩ lại quyết định về RCEP, và cần phải chơi một cuộc chơi dài hơi ở Biển Đông.
"Sự lựa chọn thực sự không phải giữa Trung Quốc và Mỹ - mà là giữ cho những tài sản chung của toàn cầu mở cho tất cả hoặc từ bỏ quyền được chọn đối tác của mỗi bên trong một tương lai không xa".
II. ẤN ĐỘ vs TRUNG QUỐC
Đụng độ đã xảy ra giữa hai cường quốc hạt nhân đông dân nhất thế giới. May mắn là họ chỉ mới sử dụng những vũ khí thuở sơ khai như đá và gậy gộc trong đêm 15.6.
Với ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, đây là cuộc đụng độ chết chóc nhất giữa hai bên kể từ năm 1967.
Phía Trung Quốc không công khai con số thương vong. Tuy nhiên, theo hãng ANI, Ấn Độ đã nghe lén được thông tin từ phía Trung Quốc cho thấy con số thương vong của Trung Quốc là 43, gồm người chết và bị thương.
Còn tình báo Mỹ tin rằng có 35 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, gồm cả một sĩ quan cấp cao, theo trang U.S News.
Có thể đọc bài viết chi tiết về diễn biến cuộc đụng độ của tờ India Today Ở ĐÂY.
Tuy tình hình vẫn hết sức căng thẳng, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên muốn hạ nhiệt, bởi vụ đụng độ vừa qua là lời nhắc nhở cho cả hai phía rằng hậu quả sẽ như thế nào một khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thông tin về vụ việc không được truyền thông nhà nước Trung Quốc chú tâm mấy, gợi ý Bắc Kinh chưa muốn đẩy sự việc đi xa bằng cách hô hào, kích động về vụ đụng độ này.
Điều khó khăn với hai bên lúc này là kiểm soát dư luận nội bộ. Khác với Trung Quốc có thể dễ dàng bưng bít thông tin, hoặc sử dụng truyền thông không chính thức để tuyên truyền hạ hỏa theo kiểu "quân địch chết ba, quân ta chết một", Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới, gặp khó khăn hơn trong việc quản lý sức ép dư luận và truyền thông.
Theo tôi, khả năng xảy ra một cuộc giao tranh lớn hơn vẫn khá thấp. Tuy nhiên, vụ đụng độ có thể là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt để Ấn Độ xem xét lại xu hướng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trước sức ép dư luận.
III. MỸ - TRUNG
Một sự kiện đáng theo dõi là cuộc hội đàm kín giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii.
Hiện ông Pompeo và Thứ trưởng thường trực Steve Biegun đã lên đường đến Honolulu.
Chỉ cần nhìn vào địa điểm cũng có thể đoán Trung Quốc là bên chịu xuống nước để có cuộc gặp này. Tuy có thể vớt vát là Hawaii nằm ở giữa nhưng nó vẫn là đất Mỹ.
Một nguồn tin ngoại giao của VOA cho biết Trung Quốc là bên đề nghị tổ chức cuộc gặp và phía Mỹ cũng không hứng thú gì mấy.
Mục tiêu của cuộc gặp có thể là vạch ra đáy mới để ngăn quan hệ tụt xuống sâu hơn nữa, nhưng theo tôi sẽ khó đạt được kết quả đáng kể nào.
Dẫu vậy, các nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam, chắc chắn sẽ theo dõi sát sao cuộc gặp này để rút ra những đánh giá về lựa chọn lợi ích của chính quyền Trump.
Liên quan đến chính quyền Trump, Bloomberg mới đây dẫn lời các quan chức Trung Quốc đương nhiệm và về hưu nói rằng họ muốn ông Trump ở lại thêm 4 năm hơn vì Trump phá hoại quan hệ với các đồng minh.
Đây là luận điểm không có gì mới và tôi chỉ biết mỉm cười thắc mắc không biết từ lúc nào truyền thông phương Tây lại tin sái cổ những gì các quan chức Trung Quốc nói?
IV. BÁO ĐẢO TRIỀU TIÊN
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in dường như không còn giữ được sự kiên nhẫn thường thấy trước những màn khiêu khích, lăng mạ liên tiếp từ phía Triều Tiên.
Sáng nay, Phủ tổng thống Hàn Quốc và Bộ Quốc phòng đều đưa ra phản ứng cứng rắn.
Thanh Ngõa Đài nói họ sẽ không dung thứ trước lời nói và hành động phi lý từ phía Triều Tiên, còn Bộ Quốc phòng nói miền bắc sẽ "trả giá" nếu tiến hành hành động quân sự.
Ở phía bên kia, "bào muội" Kim Yo-jong của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không tiếc lời mạt sát Tổng thống Moon Jae-in cùng lời đề nghị cử đặc phái viên sang miền bắc của ông.
Những màn độc diễn của Kim Yo-jong càng củng cố thêm suy đoán rằng nhân vật này đang muốn lập uy trong quá trình trở thành "người kế nhiệm".
Vì thế, tuy có một số hành động mang tính thể hiện như đánh sập văn phòng liên lạc và triển khai quân trở lại những khu vực ở biên giới, nhưng vẫn khó có khả năng nổ ra xung đột lớn.
Khả năng cao là quan hệ hai miền sẽ quay trở lại mức độ thù địch trước hội nghị thượng đỉnh năm 2018.
Đến đây đã quá dài rồi! Xin hẹn gặp lại các bạn!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn tác giả
Thanks!