Xin chào các bạn,
Như thường lệ, Biển Đông vẫn là ưu tiên số một.
I. BIỂN ĐÔNG
Đầu tiên là một số diễn biến trên thực địa.
1. Hai tàu sân bay Mỹ lại tập trận ở Biển Đông
Hải quân Mỹ sáng nay thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz sẽ tiếp tục tập trận ở Biển Đông từ ngày hôm nay 17.7. (LINK)
Trước đó, sau khi kết thúc cuộc tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 4 đến 7.7, hai nhóm tác chiến này đã lần lượt rời Biển Đông.
Tàu Ronald Reagan xuống Ấn Độ Dương qua Biển Java trong khi tàu Nimitz trở lại Biển Philippines.
Nay hai nhóm tàu đã trở lại Biển Đông để tiếp tục tập trận. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ công bố lập trường mới về Biển Đông.
Tôi đã nhanh chóng xác định được vị trí của tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông vào sáng hôm qua.
Đây là thông tin mà các bạn chỉ có thể đọc được ở Newsletter này, hoặc ít nhất đọc thấy ở đây đầu tiên!
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần, hai tàu sân bay Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông.
Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã quay trở lại Biển Đông trong ngày 16.7. (LINK).
2. Chiến đấu cơ Trung Quốc ở Hoàng Sa
Ảnh vệ tinh mà tôi tiếp cận được cho thấy 4 chiến đấu cơ xuất hiện trên bãi đậu ở Đảo Phú Lâm ngày 15.7.
Ảnh có độ phân giải không cao nhưng vẫn có thể nhìn thấy được 4 chiến đấu cơ đậu theo một hàng ngang.
Đừng lo vì tôi có những cách phối kiểm khác để xác định việc này. Chỉ là với hình ảnh như thế thì không thể nhận diện được chúng là chiến đấu cơ J-10 hay J-11.
Lần gần nhất một loạt 4 chiến đấu cơ cùng được nhìn thấy ở Đảo Phú Lâm là vào ngày 19.6.2019. (LINK)
Ngày 5.7.2018, cũng có 4 chiến đấu cơ được nhìn thấy ở Đảo Phú Lâm.
Như vậy, trong 3 năm liên tiếp, cứ khoảng thời gian giữa năm là có một lần 4 chiến đấu cơ lại xuất hiện trên bãi đổ ở Phú Lâm.
Trung Quốc được cho là triển khai thường trực chiến đấu cơ ở Phú Lâm. Tuy nhiên, việc nhiều chiến đấu cơ cùng xuất hiện như thế có thể gợi ý về hoạt động huấn luyện thường niên.
Sự xuất hiện của chúng được ghi nhận sau khi Mỹ công bố lập trường mới về Biển Đông ngày 14.7.
3. Tàu nghiên cứu Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông
Hiện có hai sự kiện tàu nghiên cứu Trung Quốc đáng chú ý.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 (Haiyang Dizhi 4) hiện đã hướng xuống phía nam Biển Đông.
Ngày hôm qua nó hoạt động hoặc thả trôi xung quanh khu vực có tọa độ 13,20N/113,20E, ngang với thành phố Tuy Hòa. Khu vực này nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nhưng vẫn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Đến sáng nay 17.7, nó tiếp tục di chuyển theo hướng đông nam với tốc độ 12 hải lý/giờ.
Trong khi đó, theo tín hiệu AIS, tàu nghiên cứu Thực Nghiệm 1 (Shi Yan 1) của Trung Quốc hôm qua xuất hiện ở vị trí có tọa độ 16,60N/109,95E. Vị trí của tàu này nằm sát đường trung tuyến giả định ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, thậm chí có phần lẹm vào phía Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó tàu này đã di chuyển ngược trở lại phía Trung Quốc. Hiện chưa rõ ý đồ đằng sau động thái của tàu Thực Nghiệm 1 là gì.
Vào tháng 12.2019, tàu Thực Nghiệm 1 từng bị hải quân Ấn Độ xua đuổi khi xâm nhập vào EEZ của nước này ở biển Andaman. Tàu Thực Nghiệm 1 được cho là có thể sử dụng để thu thập dữ liệu phục vụ mục đích quân sự như vẽ bản đồ đáy biển, thu thập sóng âm từ tàu ngầm.
Thời gian gần đây, tàu nghiên cứu Trung Quốc xuất hiện khá nhiều ở khu vực giữa và nam Biển Đông.
Ngoài tàu Hải Dương Địa Chất 4 và tàu nghiên cứu Thẩm Quát (Shen Kuo) đang neo ở Đá Chữ Thập, còn có các tàu như Hải Dương Địa Chất 12 (Haiyang Dizhi 12, trước là tàu Thám Bảo - Tan Bao Hao) và tàu Thám Tác 1 (Tan Suo Yi Hao).
Trong khi đó, tàu Thám Tác 2 (Tan Suo Er Hao) đêm qua cũng di chuyển tốc độ cao xuống ngang khu vực nam quần đảo Hoàng Sa.
Tại khu vực nam Biển Đông hiện cũng có hai tàu quan trắc biển lớp Victorious của Hải quân Mỹ là USNS Able (T-AGOS-20) và USNS Effective (T-AGOS-21).
Sự xuất hiện dày đặc của những tàu nghiên cứu này khiến tôi phỏng đoán về một cuộc săn lùng và rượt đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ở Biển Đông ngay lúc này.
Tuy nhiên, chúng ta có lẽ sẽ không khi nào có được sự xác nhận về những câu chuyện như thế này!
Một diễn biến đáng chú ý khác là tàu hậu cần Tam Sa 2 (Shan Sha 2) sáng nay xuất hiện gần bãi James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia, với ít nhất một tàu cá Trung Quốc.
Bãi James cũng là khu vực Mỹ đã bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc trong lập trường mới nhất.
Chưa rõ vì sao một tàu hậu cần như Tam Sa 2 lại xuất hiện ở nơi này. Có thể Trung Quốc đang muốn tiến hành một hành động biểu tượng nào đó đối với thực thể mà họ mạo nhận là “lãnh thổ cực nam” này.
4. Mỹ triển khai đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông
Tờ Nikkei Asian Review sáng nay đưa tin Mỹ sẽ triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông.
Cụ thể sẽ có hai đơn vị được triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm 2021. Một trong hai đơn vị sẽ đóng ở xung quanh Biển Đông nhưng chưa rõ sẽ nằm ở đâu. (LINK)
Giới quan sát hoạt động máy bay quân sự Mỹ ngày 15.7 cũng phát hiện máy bay trinh sát không người lái của Hải quân Mỹ MQ-4C Triton đã thực hiện phi vụ ở Biển Đông trong cùng ngày. Máy bay đã bay vào Biển Đông qua eo Ba Sỹ trước khi quay trở ra.
Như vậy, sau RQ-4 Global Hawk của Không quân, phiên bản MQ-4C Triton của Hải quân cũng đã xuất hiện ở Biển Đông.
5. Oanh tạc cơ B-1B lại xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương
Sau một thời gian không thấy xuất hiện, sáng nay hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đã bay đến Biển Nhật Bản trước khi hướng sang Hoa Đông, theo tài khoản chuyên theo dõi hoạt động máy bay quân sự Mỹ Golf9.
6. Tranh cãi ở Malaysia về Biển Đông
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein và người tiền nhiệm Anifah Aman có màn đấu khẩu liên quan đến sự hiện của tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Malaysia.
Cụ thể, ông Hishammuddin nói tàu Trung Quốc không còn hiện diện trong vùng biển Malaysia.
Nhưng ông Anifah cho rằng người kế nhiệm nói sai, đồng thời kêu gọi Malaysia đưa ra phản ứng cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt sau khi Mỹ công bố lập trường.
Giới quan sát chỉ ra rằng ít nhất tàu hải cảnh 5202 vẫn ở gần cụm bãi cạn Luconia những ngày qua. Hishammuddin sau đó phân trần ông chỉ nói về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào tháng 5. (LINK)
Nhìn chung, phía Malaysia vẫn giữ thái độ e dè như trước đây, thể hiện quan tuyên bố mới nhất về lập trường của Mỹ. Và những cuộc tranh cãi trong nước này thể hiện Kuala Lumpur vẫn lúng túng trong việc tìm ra một đối sách với Trung Quốc.
Một quốc gia khác là Ấn Độ hôm qua cũng đưa ra phản ứng. Tuy nhiên, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ không có gì khác mấy với những mẫu câu chung chung trước đây.
II. MỸ - TRUNG
Vì dành nhiều thời gian cho Biển Đông, nên tôi sẽ chỉ liệt kê một số thông tin đáng chú ý khác về đối đầu Mỹ - Trung mà Biển Đông đã chiếm phần quan trọng trong đó.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr có bài phát biểu quan trọng về Trung Quốc. (LINK)
Những chỉ trích Trung Quốc chúng ta nghe đã quen thuộc, nhưng thông điệp của ông Barr còn công kích trực diện những tập đoàn lớn ở Mỹ chịu sự lũng đoạn, khuất phục và tiếp tay cho Bắc Kinh.
Mỹ cân nhắc cấm đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ.
Kế hoạch được cân nhắc còn bao gồm cả việc hủy thị thực của những thân nhân đang sống ở Mỹ của các đảng viên này, theo tờ The New York Times ngày 16.7.
Theo tôi, nếu được triển khai đây là hành động leo thang cực kỳ lớn. Tuy nhiên, nhiều khả năng lúc này nó mới chỉ động thái mang tính đe dọa nhiều hơn và khó áp dụng triệt để.
Tôi nghĩ có một phương án khả thi hơn là chỉ nên áp dụng với các đảng viên hàng đầu, chẳng hạn từ cấp ủy viên trung ương đảng và thân nhân của họ.
Trump chưa quyết định trừng phạt Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hàn Chính
Theo Boomberg, Trump tỏ ý với các phụ tá là chưa muốn đưa Hàn Chính cùng Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào danh sách trừng phạt vì Hồng Kông.
Tuy nhiên, với vị tổng thống khó lường này chúng ta sẽ không biết chắc điều gì xảy ra.
Đến hẹn lại lên, người ta bắt đầu nói đến hội nghị Bắc Đới Hà thường sẽ diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Hội nghị năm nay được dự báo sẽ khó khăn cho Tập Cận Bình, vì cuộc đối đầu Mỹ - Trung và tình hình kinh tế Trung Quốc sau đại dịch.
Không rõ Tập có lấy cớ đại dịch để hủy hội nghị năm nay hay không?
Tôi sẽ kết thúc ở đây để có thể gửi các thông tin về Biển Đông đến cho các bạn kịp thời!
Thân mến,
Duân
"Cụ thể sẽ có hai đơn vị được triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm 2012"
a gõ nhầm năm đúng ko ạ 2012
tập trận từ ngày 17/7 a ơi