18.6: Tin đồn Thứ trưởng An ninh quốc gia Trung Quốc trốn sang Mỹ
Hiện có nhiều tin đồn lan truyền về việc Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Đổng Kinh Vỹ đào thoát sang Mỹ và cung cấp thông tin liên quan đến cuộc điều tra về nguồn gốc vi rút gây đại dịch Covid 19.
Tin đồn này chưa được xác nhận nhưng nếu có thật nó có thể là một trong những câu chuyện lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới. Hiện có 3 nguồn chủ yếu đưa thông tin này:
Truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại: Truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại đưa tin đồn rằng ông Đổng Kinh Vỹ bay từ Mỹ sang Hồng Kông cùng con gái Đổng Dương vào tháng 2 năm nay. (Đổng Dương được cho là Đổng Hoa Hoa, vợ cũ của Tưởng Phàm, chủ tịch Taobao từng dính vào bê bối ngoại tình nổi tiếng vào năm ngoái).
Tin đồn cũng cho biết ông Đổng có liên hệ với cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân, người bị điều tra vào tháng 4 năm ngoái. Trước khi bị điều tra, ông Tôn nằm trong nhóm công tác của trung ương được cử đến Vũ Hán tham gia công tác phòng chống đại dịch.
Truyền thông Hoa ngữ cũng lưu ý trang thông tin về ông Đổng trên trang Baidu đã bị xóa.
Nhà bất đồng chính kiến Hàn Liên Triều: Ông là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đào tẩu, là cố vấn cho một số thượng nghị sĩ Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hudson. Dẫn một nguồn không nêu tên, ông Hàn Liên Triều viết trên Twitter rằng Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã yêu cầu Mỹ trao trả ông Đổng trong cuộc họp tại Alaska vào tháng 3, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khước từ.
Hàn cho biết: “Ông ta (Đổng Kinh Vỹ) từng làm việc với Trương Việt, người thụ án 15 năm tù vì tham nhũng. Trương là người tin cẩn của Mã Kiến, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ An ninh quốc gia, người cũng ngồi tù vì tham nhũng”.
(Trương Việt từng là Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc trong khi Đổng từng là Cục trưởng An ninh quốc gia ở Hà Bắc trước khi được điều về Bắc Kinh).
Trang Redstate: Vào thượng tuần tháng 6, trang này dẫn nguồn tin tiết lộ một quan chức Trung Quốc đào tẩu sang Mỹ đang hợp tác với Cục Tình báo quân đội Mỹ (DIA) để cung cấp thông tin về nguồn gốc vi rút. Khi đó Redstate chỉ mô tả người này là một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng đào tẩu sang Mỹ.
Đến sáng nay 18.6, Redstate dẫn nguồn tin xác nhận nhân vật đào tẩu chính là Đổng Kinh Vỹ.
Các nguồn tin của RedState xác nhận người đào tẩu trên thực tế là Đổng, người phụ trách các nỗ lực phản gián ở Trung Quốc và ông ta đã bay đến Mỹ vào giữa tháng 2, được cho là để thăm con gái của mình tại một trường đại học ở California. Khi Đổng đến California, ông ta đã liên lạc với các quan chức DIA và nói với họ về kế hoạch đào tẩu cũng như thông tin mà ông ta mang theo.
Redstate kể lại một phiên bản khác về cuộc họp ở Alaska.
Các nguồn tin của RedState nói rằng các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ trả lại Đổng, nhưng ông Blinken chính xác không phải là từ chối; mà vào thời điểm đó, ông Blinken không hề biết Đổng đang hợp tác với chính phủ Mỹ và nói với Trung Quốc rằng Mỹ không giữ Đổng.
Theo nguồn tin của RedState, những người bên ngoài DIA chỉ biết về người đào tẩu này trong 3 đến 4 tuần qua. Trước thời điểm đó, DIA tiến hành kiểm tra thông tin được cung cấp và đối chất với các quan chức ở Langley (CIA) về những gì họ đã thu được mà không tiết lộ nguồn.
Những quan chức Trung Quốc cấp cao nhất từng bỏ trốn sang Mỹ là đại tá quân đội Từ Tuấn Bình và cựu Cục trưởng Bắc Mỹ của Bộ An ninh quốc gia Du Cường Thanh (anh trai cựu Chủ tịch Chính hiệp, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh). Thế nên, nếu Đổng quả thực chạy sang Mỹ, ông ta chính là quan chức cấp cao nhất đào thoát sang Mỹ.
Ngoài ra, Redstate còn cho biết Đổng đã cung cấp cho phía Mỹ những thông tin sau:
Các nghiên cứu mầm bệnh ban đầu về khả năng gây bệnh của loại vi rút mà chúng ta hiện nay gọi là SARS-CoV-2.
Mô hình dự đoán COVID-19 lây lan và thiệt hại cho Mỹ và thế giới.
Hồ sơ tài chính nêu chi tiết các tổ chức và chính phủ nào đã tài trợ cho nghiên cứu về SARS-CoV-2 và các nghiên cứu chiến tranh sinh học khác.
Danh tính các công dân Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc.
Danh tính các điệp viên Trung Quốc hoạt động ở Mỹ hoặc theo học các trường đại học ở Mỹ.
Hồ sơ tài chính cho thấy các doanh nhân và công chức Mỹ đã nhận tiền từ chính phủ Trung Quốc.
Thông tin chi tiết về các cuộc gặp (có thể là vô tình) của các quan chức chính phủ Mỹ với các điệp viên Trung Quốc và các thành viên SVR (Cục Tình báo đối ngoại) của Nga.
Làm thế nào chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào hệ thống liên lạc của CIA, dẫn đến cái chết của hàng chục người Trung Quốc hợp tác với CIA.
Hiện chưa rõ mức độ chính xác trong các bài báo của Redstate nhưng thông tin của họ đưa ra khá chi tiết.
Trang Spy Talk, một newsletter về các câu chuyện tình báo trên nền tảng Substack của các phóng viên kỳ cựu trong mảng này, có bài viết tổng hợp về tin đồn hiện nay và các mối liên hệ của Đổng Kinh Vỹ. Bài viết này được đăng lại trên trang The Daily Beast, nhưng nó chưa bao gồm những thông tin mà Redstate mới tiết lộ.
Theo bản tin của Intelligence Online có trụ sở tại Paris, ông Đổng "thân" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Ông ấy trước đây từng đứng đầu Bộ An ninh quốc gia ở vùng Hà Bắc, nơi đã sản sinh ra nhiều thành viên cộm cán trong bộ máy an ninh của ông Tập,” ấn phẩm này viết vào năm 2018. Năm 2010, IO đưa tin rằng Đổng đã thi hành mệnh lệnh của cấp trên ở Bắc Kinh về việc bắt giữ “bốn nhân viên Nhật Bản của Tập đoàn Fujita đang quay phim trong khu quân sự bị cấm". Động thái này vào thời điểm đó được coi là một trò đấu đá của Bộ An ninh quốc gia chống lại chủ tịch khi đó là ông Hồ Cẩm Đào.
Các thông tin đáng chú ý khác:
1. Ông Biden dự định nói chuyện với ông Tập Cận Bình
Ngày 17.6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng đang sắp xếp để Tổng thống Joe Biden nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đánh giá về hiện trạng quan hệ hai nước.
Đó có thể là một cuộc điện đàm, có thể là cuộc họp bên lề hội nghị quốc tế, hoặc có thể là hình thức khác.
Ông Biden và ông Tập dự kiến sẽ tham dự hội nghị G20 ở thủ đô Rome của Ý vào tháng 10, nên đây có thể là cơ hội để gặp mặt trực tiếp.
Việc này được lên kế hoạch sau khi ông Biden kết thúc chuyến công du đầu tiên đến châu Âu khá thành công.
Hãng Bloomberg có bài viết về việc ông Biden chuyển sự chú ý đến ông Tập Cận Bình sau chuyến công du châu Âu và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ German Marshall ở Mỹ, cho biết: “Ưu tiên của chính quyền Biden là tăng cường quan hệ với các nước cùng chí hướng như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm thuyết phục Bắc Kinh hiệu chỉnh và sửa đổi các chính sách của họ".
2. Tàu USS Ronald Reagan rời Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm nay 18.6 đã đến eo biển Malacca, chuẩn bị băng qua Ấn Độ Dương. Nhóm tàu này vào Biển Đông qua eo biển Ba Sỹ ngày 14.6 và đến eo Malacca ngày 18.6.
Như vậy, Hải quân Mỹ vẫn giữ nguyên kế hoạch điều động tàu USS Ronald Reagan đến Trung Đông hỗ trợ kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hạm đội 3 đã đến Hawaii, theo thông báo của Hải quân Mỹ. Trong trường hợp cần thêm lực lượng đến Tây Thái Bình Dương, thì tàu này có thể được điều động.
Duân
Đây là bản tin được gửi đến tất cả những người đã đăng ký nhận bản tin miễn phí! Các bạn có thể đăng ký nhận bản tin có trả một khoản phí nhỏ để nhận được nhiều hơn nữa những bản tin như thế này, bao gồm những tin tức độc quyền và những bài bình luận về các diễn biến ở Biển Đông và khu vực. Sự ủng hộ của các bạn sẽ giúp bản tin được duy trì thường xuyên và lâu dài hơn. Xin trân trọng cảm ơn!