Chào các bạn,
Bản tin hôm nay bao gồm những thông tin và bình luận về việc hải cảnh Trung Quốc thay quân ở Bãi Tư Chính, vụ cảnh sát biển Malaysia bắn chết ngư dân Việt, khả năng tàu chiến Mỹ ghé Đài Loan, đòn chí tử với Huawei, hội nghị Bắc Đới Hà và vị thế Tập Cận Bình…
I. BIỂN ĐÔNG
1. Hải cảnh thay quân ở Bãi Tư Chính
Sáng 18.8, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc đã đến khu vực Bãi Tư Chính và đi thẳng vào lô 6.1 sau khi rời Đá Chữ Thập ngày hôm trước.
Tàu này xuất hiện ở khu vực sau khi rời Tam Á vào khoảng ngày 14.8. Sau khi tàu 5204 đến Tư Chính, tàu 5402 vốn bám trụ ở đây gần hai tháng qua đã hướng về phía bắc với tốc độ cao.
Diễn biến này gợi ý tàu 5204 đã được điều đến để thay thế vị trí của tàu 5402.
Qua đó cho thấy Trung Quốc quyết tâm duy trì sự hiện diện thường trực của tàu hải cảnh ở khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tương tự những gì xảy ra ở khu vực bãi cạn Scarborough hoặc cụm bãi cạn Luconia.
2. Cảnh sát biển Malaysia bắn chết ngư dân Việt
Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra tối ngày 16.8 tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan (Malaysia). Ngoài ngư dân bị bắn chết còn có 18 người khác trên hai tàu cá Việt Nam bị bắt giữ. (LINK)
Phía Malaysia cáo buộc các ngư dân Việt Nam đã chống trả buộc họ phải nổ súng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là cáo buộc một phía từ phía Malaysia.
Ngoài ra, cảnh sát biển Malaysia chưa công bố tọa độ nơi xảy ra vụ việc mà chỉ nói chung chung rằng cách cảng Tok Bali ở bang Kelantan 81 hải lý.
Hiện tại, phía Việt Nam đã "yêu cầu phía Malaysia xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân và tàu cá Việt Nam”. (LINK)
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh hoạt động đánh bắt ở Biển Đông hứa hẹn có nhiều căng thẳng trong những ngày tới bởi hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đang ùa xuống khu vực sau khi kết thúc cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương áp đặt.
Đáng tiếc hơn nữa là nó xảy ra trong lúc có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập một mặt trận thống nhất của các nước cùng chí hướng ở Biển Đông nhằm bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
3. Chuyển động của tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc
Sau khi vào Biển Đông ngày 14.8 để tiến hành tập trận, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã quay trở lại Biển Philippines ngày 16.8, theo hình ảnh do phía Mỹ công bố cũng như hoạt động của các loại máy bay vận tải trên tàu.
Như vậy, tàu sân bay Mỹ chỉ hoạt động ở phía bắc Biển Đông trong khoảng 2 ngày. Không loại trừ khả năng nhóm tàu Mỹ rời Biển Đông để tránh cơn bão số 4 (Higos) đang tiến vào khu vực.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã rời cảng vào ngày 14 hoặc 15.8, theo thông tin mà tôi có được.
Hình ảnh vệ tinh ngày 17.8 cho thấy một tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện ở Bột Hải nhưng chưa thể xác định dứt khoát được đó là tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông.
4. Các thông tin khác
- Financial Times: Lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông của Mỹ bị xói mòn bởi Philippines. (LINK)
- Lynn Kouk: Đông Nam Á hưởng lợi khi Mỹ củng cố lập trường Biển Đông. (LINK)
- Ngư dân Trung Quốc được yêu cầu không đến gần Senkaku giữa lúc Bắc Kinh tìm cách tránh va chạm. (LINK)
II. MỸ - TRUNG
1. Đài Loan
Tờ The New York Times cho biết một số quan chức chính quyền Mỹ đang muốn nâng quan hệ với Đài Loan lên cao hết mức ngoại trừ việc công nhận Đài Loan. (LINK)
Tuy nhiên, một số quan chức chính quyền cho rằng việc bán vũ khí và tăng cường hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vẫn chưa đủ so với những gì Washington cần làm.
Họ nói rằng Washington phải nêu rõ với Bắc Kinh và Đài Bắc rằng họ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Quân Giải phóng Nhân dân cố gắng xâm lược hoặc phong tỏa. Đạo luật Quan hệ Đài Loan không đề cập đến vấn đề đó, và các chính quyền trước đây đã bỏ qua vấn đề này.
…
Rất ít có khả năng chính quyền Mỹ cố gắng đóng quân ở Đài Loan. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết một chuyến thăm cảng (của tàu chiến Mỹ), cũng như chuyến thăm của các sĩ quan quân đội và các chương trình huấn luyện ở Đài Loan là có thể xảy ra.
Chi tiết này khiến tôi không khỏi nhớ đến tuyên bố nổi tiếng của Lý Khắc Tân, cựu công sứ Trung Quốc ở Mỹ, vào cuối năm 2017 rằng: "Ngày một tàu chiến Mỹ cập cảng Cao Hùng cũng là ngày Quân Giải phóng nhân dân thống nhất Đài Loan bằng vũ lực". (LINK)
Trong động thái được xem như là giáng đòn chí tử vào công ty Huawei của Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ ngày 17.8 thông báo các biện pháp mới ngăn chặn công ty bán dẫn nước ngoài bán bộ vi xử lý có sử dụng phần mền hoặc công nghệ Mỹ cho Huawei. (LINK)
Đồng thời, bộ này cũng bổ sung 38 công ty liên kết của Huawei tại 21 quốc gia vào "danh sách đen" về kinh tế.
Theo CNN, lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài đối với mảng điện thoại di động của Huawei. (LINK)
Trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung Quốc dâng cao từng ngày, hành động của Mỹ tuy quyết liệt nhưng không mấy bất ngờ.
Điều đáng chú ý ở đây là phản ứng của Bắc Kinh. Những phản ứng của Trung Quốc trước các đòn tấn công cấp tập của Mỹ thời gian qua có phần kiềm chế.
Thái độ kiềm chế này khiến không ít người đánh giá rằng Bắc Kinh đang cố "chịu đấm ăn xôi" với hy vọng cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 có thể mở ra một lối thoát nào đó.
Tuy nhiên, Trung Nam Hải đứng trước sức ép phải có hành động trả đũa đối với đòn đánh mới nhất của Mỹ.
Phản ứng của trước đòn chí tử vào Huawei có thể giúp đánh giá được những tính toán của Bắc Kinh hiện nay.
3. Hội nghị Bắc Đới Hà
Hội nghị Bắc Đới Hà giữa các quan chức cấp cao đương nhiệm và về hưu ở Trung Quốc nhiều khả năng đã kết thúc vào cuối tuần qua, sau khi hai ủy viên thường vụ Bộ Chính trị là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Vương Hộ Ninh xuất hiện trong ngày 17.8 ở Bắc Kinh, theo truyền thông nhà nước.
Lý chủ trì một cuộc họp của Quốc vụ viện trong khi Vương tham dự hội nghị của Hội liên hiệp thanh niên toàn quốc và Hội liên hiệp sinh viên toàn quốc. Các phiên họp này cũng có sự tham dự của một số ủy viên Bộ Chính trị khác.
Trước đó, nhiều người, kể cả tôi, cho rằng Bắc Đới Hà có thể đã kết thúc sớm sau khi Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Lật Chiến Thư trở về Bắc Kinh chủ trì một cuộc họp của cơ quan này vào ngày 8.8.
Tuy nhiên, đó là lần duy nhất một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị xuất hiện trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 17.8.
Diễn biến sau đó cho thấy nhiều khả năng Lật chỉ trở về tạm thời để giải quyết vấn đề thủ tục liên quan đến việc hoãn bầu cử ở Hồng Kông khi đó trước khi quay trở lại hội nghị Bắc Đới Hà.
Tuy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa xuất hiện nhưng ông cũng đã gửi thư chúc mừng đến Hội liên hiệp thanh niên toàn quốc và Hội liên hiệp sinh viên toàn quốc.
4. Khai trừ giáo sư trường Đảng trung ương
Ngày 17.8, truyền thông Trung Quốc đưa tin cựu giáo sư trường Đảng trung ương Thái Hà (Cai Xia) bị khai trừ đảng và hủy bỏ trợ cấp hưu trí vì những phát biểu có vấn đề chính trị nghiêm trọng và gây tổn hại uy tín quốc gia. (LINK)
Bà Thái từng gây xôn xao sau khi một đoạn ghi âm phát biểu của bà được tung lên mạng vào tháng 6. Trong đoạn ghi âm này, bà Thái đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và đặc biệt chĩa mũi dùi vào ông Tập Cận Bình.
Việc bà này bị xử lý ngay sau khi Bắc Đới Hà kết thúc cũng có thể là dấu hiệu cho thấy vị thế của Tập Cận Bình không mấy suy suyển.
Đáng chú ý là sau khi bị khai trừ ngày 17.8, bà Thái Hà có cuộc trả lời phỏng vấn với RFA. (LINK)
Trong đó bà nói rằng việc thay thế Tập là ý kiến phổ biến trong đảng, đồng thời lên án ông này đã phá hoại "dân chủ trong đảng".
5. Các thông tin khác
- Mỹ bắt cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc (LINK)
- Financial Times: Phân ly Mỹ và Trung Quốc chỉ mới bắt đầu (LINK)
- Lâm Trịnh Nguyệt Nga gặp khó với thẻ tín dụng vì lệnh trừng phạt (LINK)
- Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ: Trung Quốc là mối đe dọa can thiệp bầu cử lớn nhất (LINK)
Thân mến,
Duân
Cảm ơn Anh rất nhiều
Cảm ơn anh