Chào các bạn,
Trong hôm qua và sáng nay có nhiều sự kiện đáng chú ý xảy ra liên quan đến Đài Loan trong quan hệ Mỹ - Trung, với nhiều tín hiệu được tung ra từ phía Mỹ, cũng như diễn biến nóng hổi liên quan đến Bộ tứ kim cương và đối đầu Ấn - Trung.
I. Eo biển Đài Loan
1. Tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan
Lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một tàu khu trục Mỹ băng qua eo biển Đài Loan tiến xuống Biển Đông vào ngày 31.8.
Thực hiện hành trình này là tàu USS Halsey (DDG-97) đóng ở Hawaii. Như vậy, tàu USS Halsey hiện cũng đã xuống Biển Đông, gia nhập cùng tàu USS Mustin đã băng qua eo biển Đài Loan trước đó.
2. Mỹ giải mật cam kết an ninh với Đài Loan
Cùng ngày tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan, Mỹ đã giải mật 2 bức điện tín liên quan đến việc bán vũ khí và 6 cam kết với Đài Loan. (LINK)
- Bức điện ngoại giao thứ nhất được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Lawrence Eagleburger gửi cho Giám đốc Viện Mỹ ở Đài Loan (cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên thực tế) James Lilley ngày 10.7.1082, giải thích cách diễn dịch của Mỹ về Thông cáo 1982 liên quan đến vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan.
- Bức điện thứ hai được Ngoại trưởng George Shultz gửi cho Giám đ6óc Lilley vào ngày 17.8.1982, nêu ra 6 cam kết với Đài Loan.
Đây là 6 cam kết này được chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đưa ra sau khi ký Thông cáo 1982 với Trung Quốc, bao gồm:
Chưa đồng ý ấn định ngày chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan
Chưa đồng ý tham vấn với CHND Trung Hoa về việc bán vũ khí cho Đài Loan
Sẽ không đóng vai trò hòa giải giữa Đài Bắc và Bắc Kinh
Chưa đồng ý sửa đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan
Không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền đối với Đài Loan
Sẽ không gây áp lực để Đài Loan tham gia đàm phán với CHND Trung Hoa
Tuy nội dung chính của chúng đã được tiết lộ từ lâu, việc giải mật các tài liệu này rõ ràng ẩn chứa một thông điệp trấn an Đài Bắc cũng như gửi tín hiệu đến Bắc Kinh giữa lúc Trung Quốc bị tố cáo đẩy mạnh các hành động đe dọa và gây sức ép với Đài Loan.
Dẫu vậy, động thái biểu tượng này chưa xóa bỏ "sự mơ hồ chiến lược" liên quan đến cam kết của Mỹ về việc bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc.
3. Mỹ - Đài Loan mở đối thoại kinh tế song phương
Thông báo này được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell đưa ra tại sự kiện của Quỹ Heritage vào sáng nay. Đây là một động thái nữa thể hiện sự ủng hộ và mong muốn của Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan.
4. Chủ tịch Thượng viện CH Czech thăm Đài Loan
Trung Quốc thể hiện sự giận dữ của mình đối với chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện CH Czech Miloš Vystrčil với tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng ông Miloš Vystrčil sẽ "phải trả giá đắt". (LINK)
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Czech Tomas Petricek cũng đáp trả bằng tuyên bố triệu tập đại sứ Trung Quốc vì lời phát biểu "vượt quá lằn ranh" của ông Vương Nghị.
Như Chủ tịch Thượng viện Vystrčil phát biểu tại Đại học Chính trị quốc gia ở Đài Loan, chuyến thăm của ông có thể sẽ là cơ hội để các nước châu Âu xem xét lại sự dè dặt của họ đối với Đài Loan. (Toàn văn phát biểu của ông Vystrčil).
5. Hoàn Cầu thời báo đe dọa Đài Loan
Liên quan đến thông tin máy bay EP-3E của Mỹ cất cánh từ Đài Loan ngày 30.8, tờ Hoàn Cầu thời báo tối cùng ngày lớn giọng đe dọa tấn công quân sự Đài Loan:
Nếu hòn đảo này đã sắp xếp cho các máy bay quân sự Mỹ cất cánh và hạ cánh, họ đang vượt qua lằn ranh đỏ của đại lục về việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia. Điều này sẽ rất nghiêm trọng. Nếu đại lục có bằng chứng thuyết phục, nó có thể phá hủy sân bay liên quan trên đảo và máy bay quân sự của Mỹ hạ cánh ở đó - một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan do vậy sẽ bắt đầu.
Tuy vậy, thông tin mà tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn từ Sáng kiến Tìm hiểu tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) dường như là thông tin sai và đã bị không quân Đài Loan bác bỏ.
Tôi không có thông tin về chuyến bay của EP-3E nhưng trong ngày 31.8, SCSPI cũng đăng hình ảnh mà họ cho là một chiếc RC-135W bay qua lãnh thổ Đài Loan. Nguồn tin của tôi cho biết đó thực chất là một chiếc F-16 của Đài Loan.
Vì thu thập dữ liệu dựa trên nguồn mở, thời gian qua SCSPI thường xuyên đưa ra những thông tin sai, không được kiểm chứng kỹ lưỡng.
Việc họ đưa thông tin sai là cố ý hoặc do sai sót là vấn đề tôi đang theo dõi và tìm hiểu. Tuy nhiên, nó sẽ nằm trong phạm vi của một bài viết khác.
II. NATO châu Á, Ấn - Trung
1. Mỹ muốn thành lập NATO châu Á?
Tờ South China Morning Post đăng bài viết với tít: "Mỹ theo đuổi một liên minh chính thức giống như NATO với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, quan chức ngoại giao Mỹ phát biểu".
Đây là bài tường thuật về phát biểu của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun tại Diễn đại Đối tác chiến lược Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, đọc kỹ phần phát biểu của ông Biegun thì quan chức này có vẻ dè dặt hơn nhiều. (Toàn văn phát biểu và trả lời của ông Biegun).
Một số ý chính trong phần trả lời của ông Biegun liên quan đến Bộ tứ Kim cương gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn (Quad) và cái gọi là Quad mở rộng, gồm thêm Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand.
- Các nước Quad mở rộng có cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao hằng tuần về vấn đề hợp tác chống đại dịch và cả đối phó chiến dịch tuyên truyền bóp méo của Trung Quốc. Đây là các cuộc họp hết sức hiệu quả giữa các đối tác rất hợp tác. Từ đó, Mỹ muốn hướng đến sự tập hợp tự nhiên của các quốc gia nỗ lực thúc đẩy lợi ích chung ở châu Á - Thái Bình Dương.
- Về việc chính thức hóa Quad mở rộng: Vì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ, không có gân cốt như NATO hoặc EU, và các thiết chế mạnh nhất ở châu Á hiện tại (ASEAN?) không đủ bao hàm, nên chắc chắn sẽ có một đề xuất được đưa ra vào một lúc nào đó trong tương lai. Về phía Mỹ thì chuyện này có phần dễ dàng, nhưng cần phải chờ các nước khác bắt nhịp.
- Về việc Quad hay Quad mở rộng có phải là chiến lược đối trọng Trung Quốc, ông Biegun thừa nhận mục tiêu này là một phần nhưng không phải là tất cả. Tuy nhiên, không nên có quá nhiều tham vọng từ ban đầu và việc bắt đầu bằng khối cốt lõi của 4 nước Quad đáng được cân nhắc trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump hoặc nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống kế tiếp. Điều này cũng chỉ xảy ra nếu các nước khác cũng có cùng cam kết như Mỹ.
- Ông Biegun cho biết các ngoại trưởng của Quad sẽ có cuộc họp tại Delhi vào mùa thu năm nay.
Cuộc họp mà ông Biegun nhắc đến có thể sẽ diễn ra trùng hợp điểm Mỹ và Ấn Độ đối thoại 2+2 vào tháng 10 năm nay. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết ông cũng sẽ có cuộc họp với các đối tác Quad, có thể là ở Hawaii vào tháng 10.
Tóm lại, ý định từ phía Mỹ là có. Điều kiện hiện nay cũng có vẻ thuận lợi khi mà quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ và Úc phát sinh sinh nhiều bất đồng cũng như hình thành thế đối đầu. Tuy nhiên, việc Quad có hình thành một nhóm cố kết có cơ bắp hơn hay không có vẻ sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự chín muồi trong cam kết của các quốc gia, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính sách của người đứng đầu chính phủ Nhật sắp tới...
Tình hình biên giới Ấn - Trung nóng trở lại với một vụ va chạm ở bờ phía nam hồ Pangong Tso vào đêm 29.8. Cả hai phía đều đã cáo buộc lẫn nhau về phía xâm phạm qua ranh giới.
Dựa vào tuyên bố của cả hai phía, tình hình sẽ khó lòng hạ nhiệt được ngay. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tờ Hoàn Cầu thời báo lại đổ thêm dầu vào lửa khi đăng bài viết đe dọa rằng quân đội Ấn Độ sẽ còn gánh chịu những thiệt hại nặng nề hơn cuộc chiến 1962 nếu muốn đối đầu quân sự.
Thân mến,
Duân
Cảm ơn Duan nhiều , ngày mới an vui hén...
Những dấu hiệu, khả năng xảy ra chiến tranh ủy nhiệm mỹ- trung trên đất Đl vào dịp bầu cử mỹ ntn a?