Xin chào các bạn,
Hãy bắt đầu với mối quan hệ có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Ai chưa kịp đọc qua bài quan sát nhanh của tôi về hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Trung ngày hôm qua có thể đọc lại Ở ĐÂY.
I. MỸ - TRUNG
Chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc hội đàm ở Hawaii giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì thông qua buổi họp báo qua điện thoại của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Dave Stilwell.
Tôi lược một số điểm mà tôi thấy đáng chú ý trong phần phát biểu và trả lời của Stilwell:
- Stilwell mô tả quan hệ tổng thể là căng thẳng và Trung Quốc không mấy thẳng thắn.
- Stilwell cho biết cuộc hội đàm đề cập đến một loạt những vấn đề bất đồng như Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, Ấn Độ, Triều Tiên, thương mại, đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí (với Nga), minh bạch về đại dịch và Ấn Độ.
- Cam kết hiếm hoi của Trung Quốc là tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Triều Tiên là một vấn đề hợp tác tiềm năng, hai bên khá thẳng thắn và không có nhiều tranh chấp. (Nghĩa là các vấn đề còn lại không như mong muốn?).
- Stilwell thường xuyên nhấn mạnh rằng cần phải xem xét những hành động chứ không phải lời nói của Trung Quốc. Và điều này có thể được kiểm chứng sau vài tuần nữa.
- Stilwell cho biết ông sẽ không mô tả rằng cuộc họp đạt kết quả đáng kể trong các lĩnh vực lớn.
- Về việc ai là người đề xuất cuộc họp, Stilwell từ chối trả lời nhưng nói rằng Ngoại trưởng Pompeo đã đến Hawaii để "nghe NHỮNG ĐỀ XUẤT CỦA HỌ, và các anh có thể tượng tượng bên nào cảm thấy áp lực nhiều hơn".
Có thể đọc toàn văn (tiếng Anh) phần phát biểu và trả lời của Stilwell Ở ĐÂY.
Có thể đọc lại bài quan sát của tôi ngày hôm qua về kết quả cuộc họp Ở ĐÂY.
Cần lưu ý thêm rằng, ngay sau khi kết thúc cuộc họp, truyền thông Trung Quốc đưa tin dự thảo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông được đưa lên cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc xem xét.
Đây là sự bổ sung phút chót, vì nghị trình được công bố trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bao gồm dự luật này.
Có thể Trung Quốc trước đó giữ lại dự luật này như con bài mặc cả, và quyết định đẩy nhanh sau khi không đạt được tiến triển nào với Mỹ.
Hoặc có thể đó là câu trả lời của Trung Quốc cho Mỹ đối với lĩnh vực bất đồng mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi này.
2. Phản ứng của Mỹ
Về phản ứng của phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo trước đó xác nhận Trung Quốc cam kết thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Tuy nhiên, trong hai tweet sau đó, ông đề cập đến tuyên bố của Nhóm G7 về Hồng Kông (lẽ ra phải tweet trước đó một ngày, nhưng lại chỉ tweet sau hội đàm).
Ngoại trưởng Mỹ cũng gửi lời chia buồn về vụ các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Trung Quốc trước đó.
Cũng có thể nghĩ rằng vì Trung Quốc không công bố số thương vong nên Pompeo không thể chia buồn, nhưng rõ ràng chúng ta có thể nhận ra được Pompeo thể hiện ông đứng về phía ai trong cuộc đối đầu này.
3. Tweet của Donald Trump
Liên quan đến phát biểu của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer rằng phân ly (decoupling) về kinh tế với Trung Quốc không phải là một lựa chọn chính sách hợp lý lúc này, Tổng thống Donald Trump tweet rằng Mỹ duy trì một lựa chọn chính sách về việc "phân ly toàn toàn" với Trung Quốc.
Nhiều khả năng đây là cách đe dọa và gây áp lực với Trung Quốc của Trump trong lúc quan hệ hai nước đang tiến đến thời điểm then chốt. Vài tuần tới sẽ như thế nào nhỉ?
4. Cuộc phỏng vấn ở Phòng bầu dục
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal ở Phòng Bầu dục, Trump tiếp tục công kích Trung Quốc khi nêu khả năng Trung Quốc có thể cố tình lan truyền virus ra toàn cầu để gây bất ổn các nền kinh tế cạnh tranh.
Tuy nhiên, Trump xác nhận ông không có thông tin tình báo mà chỉ là linh tính cá nhân.
Tổng thống Mỹ tái khẳng định điều được ông phát biểu nhiều lần trước đây rằng ông có cách nhìn khác về mối quan hệ với Trung Quốc sau khi đại dịch bùng nổ.
5. Thượng đỉnh Hà Nội
Có quá nhiều bài báo về Trump và Tập trong cuốn sách của cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Tôi nhường cho các bạn tự đánh giá!
Tuy nhiên, không có nhiều sự chú ý dành cho những vấn đề khác, chẳng hạn như về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội.
Tôi chưa có dịp đọc sách nên xin giới thiệu tweet của nhà nghiên cứu Sue Mi Terry về vấn đề này để các bạn tham khảo.
II. BIỂN ĐÔNG
1. Tàu khảo sát Hải Dương 4
Tàu khảo sát Hải Dương 4 vài ngày qua vẫn lượn lờ một cách khó hiểu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Tôi có một bức hình vệ tinh chụp tàu Hải Dương 4 ngày hôm qua.
Trong khi đó, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 cũng xuất hiện ở Đá Chữ Thập.
Ở đây tôi chỉ cố gắng đưa ra một suy đoán cảm tính và chưa có chứng cớ để củng cố.
Tàu Hải Dương 4 là tàu khảo sát lớp 625B. Theo giới thiệu trên trang Global Security, tuy có thể sử dụng thăm dò tài nguyên, nhưng mục đích chủ yếu của nó là quân sự.
Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ đo đạc độ sâu, từ trường, thủy văn, khí tượng...
Đường đi của nó những ngày qua cũng không giống với hoạt động thăm dò dầu khí, mà giống hơn với cách hoạt động của các tàu nghiên cứu hải quân Mỹ thường xuất hiện ở Biển Đông.
Vì thế, tôi có cảm giác tàu Hải Dương 4 được triển khai phục vụ cho hoạt động quân sự, không loại trừ việc phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm.
Khác với hoạt động thăm dò dầu khí, với biểu hiện rõ ràng như thả phao, thu nổ, việc tàu nghiên cứu (trên danh nghĩa) hoạt động khoa học ở trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác không có biểu hiện rõ ràng, hoặc có khuôn khổ pháp lý rành mạch trong Công ước luật Biển.
Theo tôi nhớ, vấn đề này vẫn còn tranh cãi và tùy thuộc quan điểm của mỗi nước.
Có thể tôi nhớ sai, tôi sẽ tìm hiểu hoặc hỏi thêm các chuyên gia pháp lý về vấn đề này nếu quả thực Hải Dương 4 không phải đang tiến hành thăm dò dầu khí.
2. Chiến đấu cơ F/A-18 Mỹ gặp nạn
Họa vô đơn chí, vừa phục hồi sau khi bị Covid-19 tấn công, một chiến đấu cơ F/A-18F của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã bị rơi ở Biển Philippines ngày hôm qua 18.6.
May mắn là phi công và sĩ quan thao tác vũ khí đều an toàn.
III. ẤN - TRUNG
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng về vụ đụng độ ở biên giới với Ấn Độ trên Twitter.
Không may cho bà ta là dân Ấn Độ không phải vượt tường lửa để dùng Twitter. Hơn nữa, một quân đoàn Ngũ Mao đảng vừa bị Twitter trảm cách đây không lâu.
Các bạn có thể theo dõi các diễn biến quân sự trên báo chí. Ở đây tôi chỉ chú ý đến sự chuyển biến thái độ của nhiều giới ở Ấn Độ sau vụ đụng độ đẫm máu.
The Financial Times: Ấn Đô suy nghĩ lại về quan hệ chiến lược sau đụng độ ở biên giới với Trung Quốc
Theo bài báo, Ấn Độ có thể tăng cường quan hệ với Mỹ và giảm phụ thuộc vào thương mại với nước láng giềng.
The New York Times: Giận dữ dâng trào ở Ấn Độ sau vụ ẩu đả chết người ở biên giới với Trung Quốc
Làn sóng biểu tình và tẩy chay Trung Quốc lan rộng ở Ấn Độ.
Bloomberg: Trung Quốc ngu ngốc khi biến Ấn Độ thành kẻ thù
Cựu bí thư đối ngoại Ấn Độ Nirupama Rao: Ấn Độ hãy xích lại gần với Mỹ như là đối tác chiến lược chính và đầu tư hơn nữa vào quan hệ với Nhật, Úc và ASEAN.
IV. ÚC BỊ TẤN CÔNG MẠNG DỮ DỘI
Tôi sẽ kết thúc bản tin bằng một sự kiện không thể không nhắc đến: Thủ tước Úc Scott Morrison họp báo cho biết Úc hứng chịu cuộc tấn công mạng hiểm ác do nhà nước tài trợ nhắm vào mọi cấp chính phủ, tổ chức chính trị, nhà cung cấp dịch vụ quan trọng và nhà vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Ông Morrison không nêu rõ thủ phạm, nhưng chúng ta có quyền suy đoán. Tôi đang nghĩ đến một cái tên, còn các bạn thì sao?
Một góc độ khác để suy nghĩ: Liệu một cuộc tấn công như thế có thể bị xem là hành động chiến tranh hay không?
Tôi muốn biết suy nghĩ của các bạn!
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn Anh luôn cung cấp cho mọi người những tin tức thời sự nóng!
Cảm ơn anh