Chào các bạn,
Newsletter hôm nay sẽ bao gồm nhiều thông tin về hoạt động hợp tác sôi nổi của các nước thuộc Bộ tứ Kim cương, cuộc tập trận ba bên ở Biển Đông, cuộc tập trận của Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ và những diến biến liên quan đến Đài Loan…
1. Quad
Trong một động thái được chờ đợi lâu nay, Ấn Độ ngày 19.10 chính thức mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở Vịnh Bengal và Biển Ả Rập vào cuối năm nay.
Với diễn biến này, khuôn khổ Đối thoại Bộ tứ Kim cương không còn dừng lại ở những cuộc họp mà đã được bổ sung cơ bắp, mặc dù một liên minh quân sự chưa phải là điều mà bốn quốc gia này hướng tới, ít nhất trong tương lai gần.
Bấy lâu nay, Ấn Độ luôn tỏ ra thận trọng với việc mời Úc vì lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, nhưng có lẽ thái độ của New Delhi đã thay đổi sau những căng thẳng gần đây ở biên giới với Trung Quốc.
Năm 2007, Trung Quốc đã phản ứng giận dữ việc Úc tham gia Malabar, thậm chỉ gửi công hàm phản đối. Vì thế, chắc chắn Bắc Kinh cũng sẽ lại phẫn nộ trong lần này. Nhưng điều khác biệt là, trong cục diện hiện nay, không còn nhiều người màng đến việc xoa dịu hay chiều lòng Bắc Kinh.
Theo dự kiến cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay và theo tờ Economic Times, các tàu sân bay và tàu ngầm, tức những lực lượng "hầm hố" nhất của hải quân, sẽ tham gia cuộc tập trận được trông đợi này.
Trong diễn biến khác liên quan đến Quad, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp ở Tokyo với những lời lẽ mạnh mẽ phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông dù không nêu tên trực tiếp.
Các Bộ trưởng tăng cường sự phản đối mạnh mẽ với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không. Họ tái khẳng định mối quan ngại nghiêm trọng về các sự cố gần đây, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể địa lý đang tranh chấp, sử dụng tàu tuần duyên và “lực lượng dân quân biển” một cách nguy hiểm hoặc cưỡng ép và nỗ lực cản phá các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Thông cáo cũng cho biết hai bên sẽ bắt đầu hợp tác để hướng đến thỏa thuận cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia bảo vệ lực lượng Úc trong thời bình.
Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản có một khuôn khổ hợp tác phòng vệ với một quốc gia thứ hai ngoài nước Mỹ.
Đây là một dạng thỏa thuận “vùng xám” vì không áp dụng trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc chiến tranh, nhưng việc bảo vệ lẫn nhau trước hành động quấy phá của tàu tuần duyên hoặc dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông là một kịch bản có thể mường tượng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến New Delhi trong 2 ngày 26 và 27.10 để tham dự Đối thoại 2+2 với những người đồng cấp Ấn Độ.
Theo dự kiến, hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác không gian địa lý (geospatial) cho phép sử dụng thông tin của nhau để tăng cường độ chính xác của các hệ thống vũ khí như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...
Cuối cùng, Hải quân Ấn Độ hôm qua công bố clip tàu khu trục INS Chennai bắn thử thành công tên lửa Brahmos từ Biển Ả Rập trong ngày 18.10.
2. Mỹ, Nhật, Úc tập trận ở Biển Đông
Hải quân Mỹ hôm nay thông báo cho biết tàu khu trục USS John S. McCain (DDG 56) cùng tàu JS Kirisame (DD 104) của Nhật Bản và tàu HMAS Arunta (FFH 151) của Úc đã tiến hành tập trận ở Biển Đông trong ngày 19.10.
Đây là lần thứ 5, hải quân ba nước tiến hành tập trận chung trong khu vực phụ trách của Hạm đội 7 trong năm 2020, theo phía Mỹ.
Tàu USS John S. McCain nằm trong nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động tại Biển Đông những ngày qua.
Thật thú vị khi cuộc tập trận ở Biển Đông này diễn ra cùng ngày với thông báo của Ấn Độ và Úc về cuộc tập trận Malabar của Bộ tứ Kim cương.
Trong khi đó, hoạt động của máy bay vận tải trên tàu sân bay ngày 19.10 gợi ý tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã di chuyển ra Biển Philippines sau khi tiến vào Biển Đông từ ngày 12.10 để tiến hành các cuộc tập trận.
Nhiều khả năng tàu Ronald Reagan đã trở ra Biển Philippines trong ngày 18.10. Trang tin USNI cũng tiết lộ tàu sân bay Mỹ đã trở lại Biển Philippines.
3. Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam mới đây liên tiếp đưa ra hai thông báo cho biết Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 18 đến ngày 21.10.
Thông báo ngày 17.10 cho biết cuộc tập trận được tiến hành ở khu vực phía tây Hải Nam (xem hình) từ 18 đến 19.10 trong khi thông báo ngày 19.10 cho biết cuộc tập trận sẽ tiếp tục diễn ra ở cùng khu vực trong ngày 20 và 21.10.
Các cuộc tập trận này diễn ra trùng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.
4. Đài Loan
Khả năng Trung Quốc tận dụng thời cơ hỗn loạn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để tiến hành hành động quân sự với Đài Loan vẫn tiếp tục là chủ đề bàn tán và lan sang cả những tờ báo chính thống.
Ngày 19.10, bình luận viên đối ngoại của tờ The Financial Times Gideon Rachman cũng đề cập đến khả năng Bắc Kinh tiến hành hành động quân sự quy mô nhỏ, chẳng hạn như phong tỏa quần đảo Pratas, trong tháng 11 hoặc 12.
Những đồn đoán ngày càng rộ lên trước những thông tin mới như việc tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc triển khai tên lửa hiện đại DF-17 đến các căn cứ tên lửa ở tỉnh duyên hải đối diện Đài Loan như Phúc Kiến và Chiết Giang hoặc thành phố Thâm Quyến kêu gọi cư dân tích trữ vật dụng và hàng hóa thiết yếu đề phòng xảy ra thảm họa.
Thông báo của Thâm Quyến gây xôn xao vì nó được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành chuyến "nam du" nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Trong chuyến đi này ông Tập đã đến thăm căn cứ lính thủy đánh bộ ở Quảng Đông và kêu gọi sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh.
Tuy vậy, cũng không ít chuyên gia cho rằng các động thái của Trung Quốc có thể nhằm phục vụ mục đích đe dọa hơn là chuẩn bị cho một cuộc chiến thực sự, theo tờ South China Morning Post.
***
Cuối cùng, không thể không nhắc đến là thỏa thuận nguyên tắc giữa Việt Nam và Nhật Bản cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, được ký kết nhân chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Suga Yoshihide. Tuy nhiên, vẫn chưa có những chi tiết về thỏa thuận xuất khẩu và chuyển giao cụ thể giữa hai nước.
Tôi không đề cập nhiều đến chuyến thăm này vì nó đã được truyền thông đưa tin rầm rộ và hiện tại tôi không có gì khác để bổ sung. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu được chuyện gì mới mẻ, tôi sẽ gửi đến các bạn sau!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn
Cám ơn