20.8: Trung Quốc can thiệp vào hoạt động dầu khí của Indonesia ở Biển Đông
Trong một bài viết ngày 20.8, trang Energy Voice cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch khoan do giàn khoan Clyde Boudreaux tiến hành ở lô Tuna, đúng như thông tin Newsletter này đã viết nhiều lần trong thời gian qua.
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
1. Hoạt động của Trung Quốc
Hình ảnh vệ tinh ngày 19.8 cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã rời căn cứ ở Thanh Đảo và xuất hiện tại vị trí không xa căn cứ này.
Dựa vào các hình ảnh trước đó, tàu Liêu Ninh nhiều khả năng rời căn cứ trong khoảng thời gian từ 17 đến 18.8.
Tàu sân bay Trung Quốc rời cảng giữa lúc tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng trở lại sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở xung quanh hòn đảo này.
Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc cũng liên tục đưa tin về các cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân ở khu vực.
Cụ thể, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 19.8 đưa tin tàu đổ bộ tấn công, tàu hộ vệ và các tàu chiến khác của Trung Quốc vừa mới tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải cách đây vài ngày.
Trong khi đó, oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan trong hai ngày 17 và 19.8.
2. Trung Quốc quấy phá hoạt động của giàn Clyde Boudreaux
Trong một bài viết ngày 20.8, trang Energy Voice cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch khoan do giàn khoan Clyde Boudreaux tiến hành ở lô Tuna, đúng như thông tin Newsletter này đã viết nhiều lần trong thời gian qua.
Bài báo cũng nêu lên tình trạng Trung Quốc ngày càng đe dọa lợi ích năng lượng của Nga ở Biển Đông.
Một tàu Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch khoan đang diễn ra của Harbour Energy tại lô Tuna của họ ở Biển Natuna ngoài khơi Indonesia. Đáng chú ý, việc khoan thẩm định được tài trợ bởi công ty quốc doanh Nga Zarubezhneft và vụ việc nhấn mạnh thực tế rằng lợi ích năng lượng của Moscow ở Biển Đông đang ngày càng bị Trung Quốc đe dọa.
Energy Voice dẫn một báo cáo mới của tập đoàn tư vấn năng lượng Westwood Global Energy cho hay tàu Hải cảnh 5202 đã đến gần khu vực hoạt động của giàn khoan ở lô Tuna không lâu sau khi chiến dịch được tiến hành.
Bất chấp sự cố xảy ra, các nguồn tin trong ngành nói với Energy Voice rằng các hoạt động khoan vẫn theo lịch trình và đang diễn ra theo kế hoạch. Cho đến nay, không có sự gián đoạn nào đối với các hoạt động thượng nguồn ở lô Tuna.
Tuy nhiên, bài báo này vẫn chưa cập nhật diễn biến mới được Newsletter này cung cấp vào ngày 19.8 là tàu Hải cảnh 5305 đã được triển khai thay thế tàu Hải cảnh 5202 trong những ngày gần đây.
II. Mỹ - Trung
Giữa lúc truyền trông Trung Quốc ra sức tận dụng tình hình ở Afghanistan để gieo rắc hoang mang về cam kết của Mỹ với Đài Loan, Tổng thống Joe Biden đã gây ra một cơn bão nhỏ khi đưa ra phát biểu dường như đặt Đài Loan ngang hàng với các đồng minh NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC.
Chúng tôi đã thực hiện - giữ mọi cam kết. Chúng tôi có cam kết thiêng liêng về Điều 5 rằng nếu trên thực tế có bất kỳ ai xâm lược hoặc có hành động chống lại các đồng minh NATO của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả. Tương tự với Nhật Bản, tương tự với Hàn Quốc, tương tự với - Đài Loan.
Phát biểu của ông Biden gây chú ý bởi nó tạo ra ấn tượng Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này, qua đó chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay với Đài Loan.
Tuy nhiên, hãng Reuters sau đó dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói rằng “chính sách liên quan đến Đài Loan không thay đổi”.
Giới quan sát cũng cho rằng Tổng thống Biden đã mắc lỗi diễn đạt khi trả lời về vấn đề này. Dẫu vậy, diễn biến này một lần nữa xới lại cuộc tranh luận liên quan đến câu hỏi liệu Mỹ có nên chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan hay không.
III. Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Kamala Harris
Truyền thông Mỹ ngày 20.8 dẫn lời các quan chức tiết lộ một số hoạt động cụ thể của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Singapore và Việt Nam những ngày tới.
Cụ thể, theo tờ The Straits Times:
Bà Harris sẽ rời Mỹ ngày thứ Sáu và đến Singapore ngày Chủ nhật (22.8, giờ địa phương).
Ngày 23.8, bà Harris sẽ gặp Tổng thống Halimah Yacob và hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long trước khi tiến hành cuộc họp báo chung.
Chiều cùng ngày, bà sẽ thăm căn cứ hải quân Changi và phát biểu với các thủy thủ Mỹ trên tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa đang thăm Singapore.
Sáng 24.8, bà sẽ có bài phát biểu về quan hệ đối tác của Mỹ với khu vực và thảo luận về tầm nhìn của chính quyền Biden về can dự khu vực.
“Bà ấy sẽ nói rõ rằng Mỹ có cam kết lâu dài đối với khu vực và bà ấy sẽ vạch ra các lĩnh vực chính trong quan hệ đối tác của chúng tôi và cách chúng tôi dự định củng cố các lĩnh vực đó”, quan chức này nói thêm.
Phó tổng thống sau đó sẽ tham gia một phiên họp bàn tròn với các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng, các quan chức chính phủ và đại diện khu vực tư nhân, nơi bà sẽ thảo luận các vấn đề về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Bà Harris sẽ gặp gỡ các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Singapore, trước khi lên đường đến Việt Nam, nơi bà sẽ đến Hà Nội vào buổi tối.
Trong khi đó, theo Reuters:
Tại Hà Nội, bà Harris sẽ gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong ngày 25.8.
Sau đó, bà sẽ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Hà Nội.
Ngày 26.8, bà sẽ gặp các đại diện xã hội dân sự và nhân viên Tòa đại sứ Mỹ trong lễ ký kết về việc thuê đất xây dựng trụ sở mới của Tòa đại sứ.
Trên hành trình về nước, Phó tổng thống Mỹ sẽ ghé lại Honolulu, Haiwa và gặp gỡ các binh sĩ Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng.
Tin liên quan:
Giữa khủng hoảng Afghanistan, Phó tổng thống Mỹ Harris thăm Việt Nam - AFP
Kamala Harris hướng đến sân sau của Trung Quốc trong cuộc tái khởi động ngoại giao - Bloomberg
Những gì được trông đợi trong chuyến thăm Đông Nam Á của Phó tổng thống Harris - CNBC
Duân