2.10: Đặc phái viên Billingslea, P-8 trang bị vũ khí ở Biển Đông, máy bay Trung Quốc ở Trường Sa
Chào các bạn,
Lúc này, tôi không có nhiều thời gian và đang tìm cách điều chỉnh hình thức newsletter. Nên trong số hôm nay sẽ khác thường lệ và tôi chỉ điểm vài thông tin mà tôi thấy đáng chú ý. Những bản tin hoàn chỉnh sẽ sớm trở lại trong thời gian tới.
1. Chuyến thăm của Đặc phái viên Billingslea
Chiều 1.10, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cùng Phó chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược, trung tướng Thomas A. Bussiere đã có cuộc họp báo qua điện thoại từ Hà Nội, trong đó mối đe dọa từ Trung Quốc là chủ đề xuyên suốt và nổi cộm nhất.
Ông Billingslea không nói chi tiết về mục đích chuyến thăm ngoài việc tham vấn ý kiến của các quan chức Việt Nam nhiều kinh nghiệm về kiểm soát vũ khí nhưng cho biết chuyến thăm hết sức thành công.
Dưới đây là câu trả lời của Đại sứ Billingslea với phóng viên Dư Nhật Đăng ở báo Tuổi Trẻ.
Hỏi: Xin chào, Đại sứ Billingslea và Phó tư lệnh Bussiere. Tôi là Dư Nhật Đăng ở báo Tuổi Trẻ. Tôi có một câu hỏi dành cho Đại sứ Billingslea. Như ngài đã nói, Trung Quốc đã và đang nỗ lực xây dựng các lực lượng hạt nhân và tên lửa đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Vì vậy, tôi tự hỏi liệu Hoa Kỳ và Việt Nam có đang đối phó hoạt động của Trung Quốc hay không. Có gì trong chương trình nghị sự? Tôi đang nói về các kế hoạch mà Việt Nam và Hoa Kỳ đang thực hiện khi Washington đang suy nghĩ cách bảo vệ các đồng minh và đối tác của mình. Các ngài sẽ bàn về tên lửa, hệ thống phòng thủ, radar hay gì đó khác?
Đại sứ Billingslea: Xin cảm ơn. Câu hỏi hay. Rõ ràng, trước hết và quan trọng nhất, chúng tôi đang tập trung nỗ lực vào ngoại giao và kiểm soát vũ khí. Và đó là điều xảy ra ở Việt Nam, nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam có sự nghiệp lâu dài và xuất sắc trong các lĩnh vực không phổ biến, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Và chúng tôi đã tìm kiếm lời khuyên của họ về cách sử dụng các cơ chế đa phương bởi vì khi nói về những gì Trung Quốc đang làm, đây không chỉ đơn giản là về cạnh tranh nước lớn. Đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá bỏ các chuẩn mực quốc tế và phá bỏ sự đồng thuận quốc tế đã tồn tại cho đến nay.
Sự đồng thuận đó đã cho phép Hoa Kỳ và Liên Xô - và sau đó là Hoa Kỳ và Nga - cắt giảm sâu các lực lượng hạt nhân của chúng tôi. Và thật không may, sự tăng cường của Trung Quốc hiện đặt ra câu hỏi về toàn bộ sự đồng thuận xung quanh quá trình kiểm soát vũ khí. Và chúng tôi đánh giá rất cao những lời khuyên mà chúng tôi nhận được ngày hôm nay và những khuyến nghị được đưa ra. Nhưng tất nhiên, tất cả các hoạt động ngoại giao của chúng tôi sẽ được hỗ trợ bởi sức mạnh.
Hoa Kỳ đang trong quá trình hiện đại hóa năng lực của mình, nhưng chúng tôi đang làm điều đó với cả quyết tâm và sự kiềm chế. Chúng tôi cũng đã nêu bật cho tất cả các đồng minh của mình những khả năng bổ sung mà giờ đây đã trở thành bắt buộc, dựa trên những gì Trung Quốc đang làm. Và tôi muốn nói đến các loại khả năng mà hiện nay chúng tôi phải theo đuổi trong lĩnh vực tên lửa hành trình và khả năng siêu thanh, và như bạn đã chỉ ra, những cải tiến mạnh mẽ cho khả năng phòng thủ tên lửa của chúng tôi, cả trên biển và trên đất liền.
Chúng tôi sẽ không cho phép Trung Quốc đe dọa Hoa Kỳ, hải quân của chúng tôi hoặc các lực lượng trên bộ của chúng tôi, cũng như chúng tôi sẽ không cho phép họ đe dọa bạn bè và đồng minh của chúng tôi bằng số lượng lớn tên lửa mà họ đang chế tạo. Câu hỏi tuyệt vời, cảm ơn bạn rất nhiều vì điều đó.
Ngoài ra, ông Billingslea cũng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Bộ tư lệnh Chiến lược của Mỹ có đại diện trong các cuộc thảo luận với chính phủ Việt Nam, cụ thể là Trung tướng Bussiere, nhân vật số hai trong lực lượng hạt nhân của Mỹ.
2. Máy bay P-8 Mỹ trang bị tên lửa chống hạm ở Biển Đông
Trong ngày 30.9, một chiếc máy bay tuần tra P-8 của Mỹ đã mang theo tên lửa chống hạm Harpoon khi cất cánh từ căn cứ Kadena để thực hiện chuyến bay tuần tra ở Biển Đông.
Đây dường như là lần đầu tiên loại máy bay trinh sát săn ngầm này trang bị tên lửa chống hạm khi thực hiện các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông. Những chuyến bay trước đây của P-8 không mang theo vũ khí này.
Có thể xem đây là một động thái đánh tín hiệu nữa của Hải quân Mỹ giữa lúc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang ở Biển Đông.
Đây là một bức hình được chụp ngày 30.9, nhưng vì một số lý do tôi không thể tiết lộ nguồn cung cấp.
3. Máy bay Trung Quốc xuất hiện nhiều ở Trường Sa
Ngày 1.10, ảnh vệ tinh của Planet cho thấy hai chiếc máy bay màu trắng đậu tại bãi đổ ở Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Đó có thể là máy bay trinh sát hoặc vận tải dù độ phân giải của ảnh không cho phép xác định dứt khoát.
Trước đây, các máy bay vận tải, trinh sát được nhìn thấy nhiều lần ở Đá Chữ Thập, nhưng hiếm khi xuất hiện ở Đá Xu Bi hoặc Đá Vành Khăn.
Trong những ngày qua, rải rác có một số lượt máy bay cũng được nhìn thấy tại Đá Chữ Thập.
Những diễn biến này gợi ý về xu hướng tăng cường hoạt động triển khai các loại máy bay Trung Quốc ở khu vực Trường Sa.
Chúng phù hợp với thông tin mà tôi có được về sự gia tăng các chuyến bay vận tải đến Chữ Thập, có thể nhằm đẩy mạnh triển khai vũ khí.
Thân mến,
Duân