Chào các bạn,
Hôm nay tôi không có nhiều thời gian, nên chỉ xin tập trung vào tình hình Biển Đông cùng một số chuyển động quân sự đáng chú ý ở khu vực!
1. Một diễn biến kỳ lạ
Nếu bạn nhìn vào hình ảnh dữ liệu AIS của trang Vessel Finder ở dưới này, bạn sẽ thấy tàu khảo sát Hải Dương Thạch Du 760 (Hai Yang Shi You 760) dường như đang tiến xuống khu vực Tư Chính ngay lúc này.
Tàu Hải Dương 760 nổi tiếng vì trong năm 2017 tàu này cùng hàng chục tàu Trung Quốc khác đã kéo xuống vùng biển Việt Nam gây sức ép trong sự kiện mà sau này được gọi là vụ HD 760.
Dữ liệu của Vessel Finder thể hiện một con tàu phát tín hiệu Hải Dương Thạch Du 760 đang tiến xuống nam Biển Đông vào sáng 21.8.
Các thông tin tiết lộ cho biết Trung Quốc đã gây sức ép buộc Việt Nam phải dừng dự án hợp tác với Repsol ở lô 136-03.
Thế nên sự xuất hiện của Hải Dương 760 lúc này chắc chắn rất đáng chú ý. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra và đối chiếu, tôi xác định đây là tín hiệu AIS bị làm giả.
Đầu tiên, tín hiệu AIS của con tàu này cho thấy nó xuất hiện từ cảng Moji ở Nhật Bản. Đây là điều rất không hợp lý.
Nhưng để loại trừ mọi khả năng, dựa theo tín hiệu AIS tôi đã thu thập hình ảnh của tàu này thông qua vệ tinh.
Ảnh vệ tinh chụp con tàu phát tín hiệu là tàu Hải Dương Thạch Du 760
Bằng cách đo đạc và dựa vào hình dáng, tôi xác định chắn chắn con tàu này không phải là tàu khảo sát Hải Dương 760, vốn dài 88 mét.
Trong khi đó, con tàu phát tín hiệu Hải Dương Thạch Du 760 lại giống như một chiếc xà lan với chiều dài xấp xỉ 200 mét.
Cuối cùng, tín hiệu AIS của Vessel Finder hoặc của Marine Traffic ghi nhận tàu Hải Dương Thạch Du 760 (thực) lúc này đang đậu ở Trạm Giang, chứ không xuống Biển Đông.
Con tàu Hải Dương Thạch Du 760 thật đang nằm ở Trạm Giang vào sáng 21.8.
Như vậy, con tàu phát tín hiệu Hải Dương 760 dứt khoát là giả. Vấn đề còn lại là ai làm giả, giả để làm gì và tại sao chọn giả đúng tàu Hải Dương 760, vốn gợi nhắc về hành động gây sức ép của Trung Quốc với Việt Nam trong vụ Repsol cách đây 3 năm, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng hiện nay?
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên từ một ai đó muốn giấu danh tính thật của chiếc tàu, hoặc là trục trặc về kỹ thuật của Vessel Finder trong việc nhận diện và gán tín hiệu.
Tuy nhiên, nếu không phải như thế, không loại trừ khả năng đây là động thái có ý đồ gửi tín hiệu, hoặc đánh lạc hướng chuyện gì đó. Tín hiệu của tàu Hải Dương 760 sẽ chẳng có ai để ý ngoài phía Việt Nam.
Chính vì những đánh giá đó mà tôi nghĩ diễn biến này cũng đáng được gửi đến các bạn! Tôi sẽ tiếp tục theo dõi hành trình của con tàu giả mạo này để thử tìm hiểu xem khả năng nào xảy ra.
Ngoài ra, theo quan sát của tôi những ngày qua ở khu vực Trường Sa xuất hiện khá nhiều tàu quân sự Trung Quốc so với bình thường.
2. Tàu ngầm Trung Quốc
Nhà báo Drake Long của RFA mới đây có phát hiện thú vị về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở căn cứ Du Lâm thuộc đảo Hải Nam. (LINK)
Theo RFA, ảnh vệ tinh của Planet chụp ngày 18.8 cho thấy một tàu ngầm Trung Quốc giống tàu ngầm Type 093 (lớp Thương) xuất hiện tại lối ra vào của căn cứ ngầm tại Du Lâm.
Đây là lần rất hiếm hoi người ta ghi nhận được cảnh chiếc tàu này ra vào căn cứ ngầm. Một bức ảnh chụp ngày 19.8 gợi ý chiếc tàu ngầm ngày hôm trước đang tiến ra khỏi căn cứ ngầm với sự trợ giúp của hai tàu kéo, chứ không phải đang đi vào.
Ảnh vệ tinh cũng cho thấy các tàu ngầm của Trung Quốc thường neo ở cầu cảng gần đó đã đi đâu mất.
Cũng liên quan đến tàu ngầm Trung Quốc, truyền thông nước này đêm 20.8 đưa tin một tàu ngầm Type 093A vừa mới tiến hành diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển không xác định trong tháng 8 và vừa mới trở về Thanh Đảo. (LINK)
3. Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua cho biết họ vừa gửi công hàm phản đối hải cảnh Trung Quốc tịch thu thiết bị thu gom, tập hợp cá (chà - Fish Aggregating Devices) của ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough. (LINK)
Điều khó hiểu là vụ việc này diễn ra từ tháng 5, nhưng đến nay phía Philippines mới gửi công hàm phản đối.
4. Tên lửa phòng không được chuyển hàng loạt đến Phúc Kiến?
Ngày 19.8, một đoạn clip quay cảnh một đoàn tàu chuyên chở số lượng lớn bệ phóng tên lửa phòng không đã xuất hiện trên mạng.
Đi kèm đoạn clip này chú thích viết rằng đoàn tàu chở tên lửa này đang chạy đến tỉnh Phúc Kiến ở eo biển Đài Loan.
Cũng có ý kiến rằng nó được quay ở phía tây Trung Quốc, gần biên giới với Ấn Độ chứ không phải ở phía đông. Tuy nhiên, chưa ai có thể xác thực đoạn clip này.
Bản thân tôi không loại trừ đoạn clip không rõ ngày giờ và địa điểm này có thể chỉ là một phần trong trò tâm lý chiến, tung hỏa mù và gây sức ép với Đài Loan của phía Trung Quốc.
5. Nhật - Trung đối đầu ở Senkaku?
Ngày 19.8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono đã yêu cầu phía Trung Quốc kiềm chế các hoạt động ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo kiểm soát ở Hoa Đông. (LINK)
Yêu cầu được đưa ra trong cuộc gặp dài 40 phút giữa ông Kono và Đại sứ Trung Quốc ở trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Truyền thông nước này cho hay cuộc gặp do phía Trung Quốc chủ động đề nghị.
Thời gian qua, tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập gần như hằng ngày vào lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vì thế, cuộc gặp giữa ông Kono và đại sứ Trung Quốc gợi ý căng thẳng dường như đã leo thang trong thời gian gần đây.
Một bức hình vệ tinh chụp ngày 14.8 ở gần Senkaku có thể giúp cung cấp thêm manh mối cho giả thiết này. Trong hình, có ít nhất 9 tàu, nhiều khả năng là tàu hải cảnh Trung Quốc và Nhật Bản (không loại trừ có cả tàu quân sự), đang tham gia vào một cuộc rượt đuổi nào đó ở gần quần đảo tranh chấp.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!
Thân mến,
Duân
Nhà báo vất vả quá!
Cám ơn anh, xem ra trong tuần tới có thể biển Đông sẽ động.