21.9: Trung Quốc lại tập trận lớn ở Biển Đông, tàu khảo sát đáng ngờ
Một tàu nghiên cứu hiện đại có độ choán nước 4.600 tấn có khả năng thăm dò tài nguyên ở vùng biển sâu đã được Trung Quốc triển khai xuống Đá Chữ Thập.
1. Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự tại khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa từ ngày 23 đến 26.9. Khu vực tập trận này có phạm vi khá rộng.
Trước đó, tàu sân bay Sơn Đông đã rời khỏi cảng Tam Á vào ngày 16.9. Vì thế, nhiều khả năng nó sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh ngày 19.9 cho thấy một nhóm 6 tàu chiến Trung Quốc đang diễn tập ở phía nam đảo Hải Nam, bao gồm cả tàu khu trục Type 055.
2. Tàu sân bay Mỹ
Hình ảnh vệ tinh xác nhận tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã rời Biển Đông. Ảnh vệ tinh cho thấy nó hoạt động ở gần Okinawa vào ngày 18.9.
Ngày 20.9, hải quân Mỹ cũng đăng tải hình ảnh cho biết tàu này xuất hiện ở Biển Bohol ngày 14.9.
Như vậy, nó đã không di chuyển trở ra Biển Philipppines qua eo biển Ba Sỹ mà băng qua Biển Sulu và Biển Bohol trước khi ra Biển Philippines qua eo Surigao. Tàu Mỹ rời Biển Đông khoảng ngày 13.9. Đây cũng là khoảng thời gian nhóm 5 tàu hải cảnh được Trung Quốc tăng cường xuống Trường Sa trở về Hải Nam.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể sẽ sớm vào Biển Đông trên đường trở về Nhật Bản từ Ấn Độ Dương.
3. Trung Quốc đưa máy bay vận tải Y-20 đến Trường Sa
Cuối tuần qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin máy bay vận tải hạng nặng Y-20 đã được đưa đến Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn để chở các binh sĩ đồn trú tại đây trở về đại lục.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận việc máy bay Y-20 xuất hiện ở Trường Sa, mặc dù hình ảnh vệ tinh cho thấy nó đã hạ cánh ở đây hồi tháng 12.2020.
Việc máy bay vận tải Y-20 hạ cánh ở cả ba thực thể này cho thấy đường băng ở đây vẫn hoạt động bình thường. Nó là lời nhắc nhở rằng việc Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ ra khu vực này vẫn là nguy cơ thường trực.
4. Tàu khảo sát, nghiên cứu của Trung Quốc
Cho đến hôm nay tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực thềm lục địa của Indonesia.
Tuy nhiên, tàu Hải cảnh 4303 hộ tống nó đã trở về Hải Nam. Theo nguồn tin của tôi, tàu Hải cảnh 5102 đã xuống thay thế vị trí của 4303.
Tàu Hải cảnh 5303 đã di chuyển từ Đá Chữ Thập xuống khu vực phía nam Bãi Tư Chính.
Tàu Hướng Dương Hồng 10 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam và trở về phía bắc. Tuy nhiên, tàu Hướng Dương Hồng 14 đã được triển khai xuống Đá Gạc Ma.
Một diễn biến đáng chú ý khác là tàu khảo sá/nghiên cứu Đại Dương (Da Yang Hao) đã xuất hiện ở Đá Chữ Thập, theo tín hiệu AIS. Tàu này dài 98 mét và có độ choán nước 4.600 tấn.
Đây là tàu hiện đại mới được Trung Quốc biên chế vào năm 2019. Khi đó, truyền thông Trung Quốc khoe khoang rằng nó có thể thăm dò tài nguyên ở vùng biển sâu của bất kỳ đại dương nào trên thế giới.
5. Chuyển động khác
Tàu tuần duyên Mỹ USCGC Munro diễn tập với tàu tuần tra KN. Dana Island–323 của Indonesia ở eo biển Singapore. Sau khi kết thúc diễn tập, tàu Munro đã thẳng tiến đến vùng biển Natuna. Diễn biến này xảy ra giữa lúc tàu Hải Dương Địa Chất 10 hoạt động trong vùng thềm lục địa Indonesia.
Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Úc gồm tàu đổ bộ HMAS Canberra, tàu hộ vệ tên lửa HMAS Anzac và tàu tiếp dầu HMAS Sirius đã ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 20.9, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày. - Báo Thế giới và Việt Nam
Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia đề xuất thành lập nhóm ngư dân thực hiện nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin ở vùng biển Natuna. Kế hoạch ban đầu là 4 tàu cá bao gồm 100 ngư dân. Đây có thể là nỗ lực đầu tiên của Indonesia nhằm thiết lập lực lượng dân quân biển. - CNN Indonesia
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo kêu gọi châu Âu lên tiếng trước sự hung hăng của Trung Quốc. - The Guardian
Duân