22.11: Chuyển động quân sự, Biển Đông
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc
Sau khi băng qua eo biển Đài Loan ngày 9.11, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã ghé vào quân cảng ở Thanh Đảo khoảng 1 tuần trước khi di chuyển vào Bột Hải ngày 9.11.
Là tàu được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, có khả năng tàu Sơn Đông được trưng dụng để huấn luyện kíp thủy thủ đoàn phục vụ trên tàu sân bay khi tàu Liêu Ninh vẫn đang trải qua quá trình bảo dưỡng ở Đại Liên. Vì thế, nó mới quay trở lại Bột Hải.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến có những dịch chuyển nhỏ ở xưởng đóng tàu, gợi ý Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho việc tiến hành thử nghiệm tàu này trong tương lai gần.
Trung Quốc hiện cũng tiến hành vài cuộc tập trận ở các vùng biển gần đảo Hải Nam từ ngày 21 đến 23.11, theo các thông báo của Cục Hải sự Hải Nam.
Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã quay trở lại quân cảng Yokosuka sau chuyến tuần tra cuối cùng ở khu vực, chuẩn bị cho việc quay trở về Mỹ, kết thúc đợt triển khai tiền phương kéo dài khoảng 10 năm ở Nhật Bản. Thay thế tàu này trong năm 2024 là tàu USS George Washington.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ghé vào cảng Busan ở Hàn Quốc vào ngày 21.11, theo thông báo của Hải quân Mỹ, sau khi kết thúc cuộc tập trận ANNUALEX với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Hàn Quốc sau các chuyến thăm của tàu USS Nimitz và USS Ronald Reagan.
2. Biển Đông
Philippines
Philippines vẫn là tâm điểm chú ý trong các diễn biến liên quan đến Biển Đông những ngày qua.
Ngày 21.11, đích thân Tổng thống Philippines Bongbong Marcos thông báo Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông. Khu vực tuần tra chung nằm ở gần nhóm đảo Batanes ở biển Ba Sỹ, cách Đài Loan khoảng 100 km về phía nam.
Đáng chú ý, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong ngày 21.11, Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay trinh sát điện tử Y-8 đến khu vực đông nam và nam của Đài Loan. Không loại trừ khả năng Trung Quốc triển khai các máy bay này để theo dõi cuộc tuần tra chung của Mỹ và Philippines.
Trong một diễn biến hết sức đáng chú ý khác, tờ Nikkei Asia ngày 21.11 đưa tin các quan chức Mỹ và Philippines đã bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức về phương án gia cố tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Theo đánh giá của giới chức Philippines, con tàu mà phía Philippines sử dụng như một tiền đồn ở bãi Cỏ Mây có nguy cơ bị chìm nếu không được sửa chữa hoặc gia cố trong thời gian tới.
Quan chức Philippines này cho biết Mỹ có thể cung cấp sự hỗ trợ, chẳng hạn như vận chuyển vật liệu và bảo vệ an ninh, trong khi công việc sửa chữa diễn ra. Quan chức này cho biết thêm, hai bên vẫn chưa thảo luận những chi tiết như thế.
Trong khi từ chối bình luận về hỗ trợ cụ thể cho Philippines, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hoàn toàn ủng hộ phương án sửa chữa con tàu cũ của Manila và cho biết Mỹ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ theo yêu cầu của Manila.
Việc Philippines tiến hành gia cố tàu BRP Sierra Madre, nếu diễn ra, có thể khiến căng thẳng leo thang thêm nữa, bởi Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh. Trong thời gian qua, Trung Quốc luôn viện cớ Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng đến bãi Cỏ Mây để ngăn cản các hoạt động tiếp tế của Philippines ở đây.
Phía Trung Quốc tỏ rõ thái độ sẽ không chấp nhận việc Philippines gia cố chiếc tàu cũ này. Vì thế, chắc chắn họ sẽ cản trở hoạt động tiềm tàng của Philippines. Sự can dự của Mỹ trong việc vận chuyển vật liệu hoặc bảo vệ an ninh có thể khiến tàu Trung Quốc và tàu Mỹ lâm vào tình trạng đối đầu với nhau ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Trong thời gian trung tuần tháng 11, kể từ chuyến tiếp tế của Philippines vào ngày 10.11, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu hải cảnh và dân binh Trung Quốc nhiều lần được nhìn thấy xuất hiện ở khu vực phía tây của bãi Cỏ Mây, tức gần phía tàu BRP Sierra Madre. Đây là lần hiếm hoi tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu này ở khoảng cách gần, có lúc chỉ khoảng 1,5 hải lý.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 20.11 đăng cái gọi là “bài điều tra” cáo buộc Philippines sử dụng thủ thuật tuyên truyền để kích động tình hình bãi Cỏ Mây. Không loại trừ đây có thể là động thái dọn đường dư luận để tiến hành các động thái leo thang trong thời gian tới.
Trong chuyến tiếp tế ngày 10.11, Trung Quốc đã triển khai đến 35 tàu các loại để cản phá hoạt động của Philippines, tăng vọt so với con số 15 tàu vào ngày 22.10. Đặc biệt, Trung Quốc còn triển khai cả một tàu bệnh viện đến địa điểm này.
Theo suy đoán của tôi, các đơn vị hải quân, hải cảnh của Trung Quốc đã chuẩn bị tình huống leo thang với Philippines, kể cả kịch bản có thương vong xảy ra. Tình huống nguy hiểm đã không xảy ra trong ngày hôm đó, có thể vì giới lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã chỉ thị cho các lực lượng này không leo thang, để không phá hỏng cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden diễn ra ngay sau đó.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các lực lượng Trung Quốc sẽ không có hành động gây hấn cao hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung. Theo tôi, việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn tàu ở Cỏ Mây, tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu BRP Sierra Madre và việc tờ Hoàn Cầu thời báo có động tác dọn đường dư luận là những tín hiệu gợi ý tình hình có thể sẽ xấu đi trong thời gian tới.
2. Đài Loan
Những tranh cãi trong nội bộ Đài Loan về chuyến tuần tra tự do hàng hải của tàu khu trục Mỹ USS Dewey ở Ba Bình ngày 3.11 vẫn chưa chấm dứt khi tàu Tuần duyên và Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp những chi tiết mâu thuẫn về khoảng cách của tàu này với Ba Bình.
Trả lời chất vấn ở Viện lập pháp ngày 20.11, Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính thừa nhận tàu USS Dewey đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Ba Bình, trái với khẳng định trước đó của Tuần duyên Đài Loan.
Trên thực tế, hình ảnh vệ tinh ngày 3.11 cho thấy tàu Dewey xuất hiện ở vị trí cách Ba Bình 10 hải lý. Ngay cả Hạm đội 7 cũng xác nhận Dewey đã tiến hành qua lại vô hại ở Ba Bình. Nhưng điều khó hiểu là Tuần duyên Đài Loan vẫn một mực khẳng định điều ngược lại.
Duân,