Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ khá dài với nhiều diễn biến đáng chú ý liên quan đến Biển Đông, tình hình Đài Loan, quan hệ Mỹ - Trung, cũng như các thông tin mới về Tân Cương, Tây Tạng…
I. Biển Đông
1. Về cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ngày 21.9 thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ trong 2 ngày 23 và 24.9 (ảnh).
Tuy nhiên, trong một thông báo ngày 22.9, cục này cho biết cuộc tập trận đã bị hủy bỏ.
Trong khi đó, Cục Hải sự tỉnh Quảng Tây cũng thông báo về một cuộc tập trận bắn đạn thật khác ở phía nam Khâm Châu trong ngày 24.9.
2. Tổng thống Philippines khẳng định phán quyết Biển Đông trước Liên Hiệp Quốc
Trong một động thái được tờ Rappler mô tả là “tạo nên lịch sử”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khẳng định phán quyết của Tòa trọng tại về tranh chấp Biển Đông năm 2016 trong bài phát biểu (qua video) trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22.9. (LINK)
Chúng ta phải lưu tâm đến các nghĩa vụ và cam kết của mình đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và được khuếch đại bởi Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Philippines khẳng định cam kết đó ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết Trọng tài năm 2016.
Phán quyết này hiện là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài khả năng khuấy loãng, giảm nhẹ hoặc từ bỏ của các chính phủ nhất thời.
Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại nó.
Chúng tôi hoan nghênh số lượng ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và những gì nó đại diện - là chiến thắng của lý trí trước sự bừa bãi, của luật pháp trước sự rối loạn, của tình hữu nghị trước tham vọng. Việc này - như lẽ ra phải thế - là sự uy nghiêm của luật pháp.
Đây là diễn biến rất đáng chú ý, có thể mang tính bước ngoặt đối với lập trường của chính quyền Duterte liên quan đến phán quyết Biển Đông, dù nhiều người vẫn còn e ngại với cách hành xử “sáng nắng chiều mưa” của vị tổng thống này.
Sau vài năm thờ ơ, việc ông Duterte khẳng định phán quyết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là một dấu chỉ nữa cho thấy phán quyết này đã được hồi sinh và đặt trở lại đúng vị trí của nó, sau hàng loạt công hàm của các bên liên quan gửi đến Liên Hiệp Quốc kể từ cuối năm 2019, mà mới nhất là công hàm chung của Anh, Pháp và Đức.
Một tập hợp các quốc gia cùng chí hướng trong việc bảo vệ và thực thi phán quyết có vẻ như đã ló dạng. Và có thể điều này đã tăng thêm sức mạnh cho chính quyền Duterte. Với tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc, ông Duterte khó lòng có thể quay trở lại với màn đi dây như trước liên quan đến phán quyết này.
3. Facebook triệt phá mạng lưới tài khoản giả mạo của Trung Quốc về Biển Đông
Facebook sáng nay thông báo triệt phá một mạng lưới các tài khoản giả mạo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mạng lưới này tập trung vào an ninh biển và Biển Đông, với các nội dung về Philippines, Đài Loan và Hồng Kông. Ngoài ra còn có một số lượng nhỏ quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ.
Thông báo của đối tác Graphika
4. Hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc ở “Tam Sa”
Trong một báo cáo công bố trên website của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), nhà nghiên cứu về Trung Quốc Zachary Haver hé lộ chi tiết về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Trung Quốc tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Theo báo cáo, tính đến tháng 6.2019, có 446 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở “Tam Sa”. 2/3 trong số đó tuy đăng ký ở đây nhưng lại duy trì địa chỉ ở nơi khác. Phương thức hoạt động của họ là “đăng ký ở Tam Sa, trả thuế cho Tam Sa, xây dựng thương hiệu Tam Sa, nhưng hoạt động ở nơi khác”.
Cách làm này giúp cái gọi là “chính quyền Tam Sa” có được nguồn thu thuế cần thiết. Quan trọng hơn, dù hoạt động ở đâu, các công ty này cũng hợp tác với chính quyền sở tại để cung cấp các dịch vụ quan trọng như xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, hệ thống thông tin liên lạc tàu biển và rải cáp ngầm…
Một số doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn như công ty Phát triển nghề cá Tam Sa được thành lập để hỗ trợ những nỗ lực áp đặt yêu sách và đe dọa các nước khác thông qua việc tổ chức các đơn vị dân quân biển và quản lý các đội tàu sắt. (LINK)
II. Đài Loan
Tình hình Đài Loan vẫn tiếp tục căng thẳng với vụ xâm nhập Vùng nhận diện phòng không Đài Loan lần thứ 5 trong 6 ngày của máy bay Trung Quốc vào hôm qua. (LINK)
Đáp lại, Đài Loan hôm qua cũng tổ chức cuộc tập trận tác chiến phòng không liên hợp mô phỏng việc đáp trả của cuộc tấn công bằng đường không của kẻ thù. (LINK)
Toàn bộ các căn cứ không quân Đài Loan cũng như các đơn vị hải quân và tên lửa đất đối không đã tham gia cuộc tập trận này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Đức Phát đã giám sát cuộc tập trận tại Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp.
Cùng ngày, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thân chinh đến Bành Hồ úy lạo một phi đội chiến đấu cơ đồn trú tại đây. (LINK)
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh NPR, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Josehp Wu) cho hay Đài Loan không tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Mỹ trong lúc này. (LINK)
Nhưng chắc chắn còn nhiều không gian để chúng tôi khám phá cách tăng cường quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ và chúng tôi đã chủ trương rằng Đài Loan và Hoa Kỳ nên tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, chính trị và thậm chí cả an ninh.
Liên quan đến vấn đề hợp tác, trong một bài viết trên số tháng 9-10 của tập san Military Review của Lục quân Mỹ, Đại úy thủy quân lục chiến Walker D. Mills kêu gọi Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc tấn công hòn đảo này và tạo ra tình thế “sự đã rồi”. (LINK)
III. Mỹ - Trung
1. Khẩu chiến ở Liên Hiệp Quốc
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75, Tổng thống Donald Trump không tiếc lời chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì để “vi rút Trung Quốc” lây lan ra toàn thế giới. (LINK)
Trong bài phát biểu dài chỉ khoảng 1.000 chữ, Tổng thống Mỹ đã 12 lần nhắc đến Trung Quốc.
Khi chúng ta theo đuổi tương lai tươi sáng này, chúng ta phải quy trách nhiệm cho quốc gia đã gây ra bệnh dịch cho thế giới: Trung Quốc.
Trong những ngày đầu tiên của vi rút, Trung Quốc đã cấm đi lại trong nước trong khi cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và lây nhiễm ra thế giới. Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của tôi đối với đất nước của họ, ngay cả khi họ hủy các chuyến bay nội địa và nhốt công dân ở trong nhà.
Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới - tổ chức hầu như do Trung Quốc kiểm soát - đã tuyên bố sai rằng không có bằng chứng về sự lây lan từ người sang người. Sau đó, họ nói sai rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh.
Liên Hiệp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của họ.
Trong bài phát biểu sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kín đáo chỉ trích Mỹ với tuyên bố:
Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác hoặc giữ lợi thế phát triển cho riêng mình.
Tuy nhiên, phát biểu của ông rằng Trung Quốc là “người bảo vệ trật tự quốc tế” đã bị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus bật lại trên Twitter:
Đây là thực tế: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phớt lờ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, gửi các đội tàu đánh cá đến vùng biển của các quốc gia khác và không giữ lời hứa, chẳng hạn như bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông.
2. Tây Tạng, Tân Cương
Sáng 23.9, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ với tỷ lệ áp đảo. (LINK)
Theo dự luật này, hàng hóa xuất xứ từ Tân Cương bị mặc định là do lao động cưỡng bức sản xuất và theo đó bị cấm nhập khẩu. Những nhà nhập khẩu có trách nhiệm phải chứng minh hàng hóa từ Tân Cương không do lao động cưỡng bức tạo ra.
Tổng thống Mỹ theo định kỳ cũng sẽ phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các tổ chức và cá nhân nước ngoài cố ý tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức ở Tân Cương và nỗ lực làm trái luật của Mỹ liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Những đối tượng nằm trong danh sách này sẽ bị trừng phạt phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực.
Trong khi đó, tổ chức Jamestown Foundation và Reuters ngày 22.9 cùng xuất bản các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang dồn nông dân ở Tây Tạng vào các khu huấn luyện nghề theo kiểu quân đội, nơi họ được đào tạo trở thành công nhân nhà máy, tương tự chương trình ở Tân Cương vốn bị các tổ chức nhân quyền cáo buộc là lao động cưỡng bức. (LINK)
Theo sau tờ Hoàn Cầu thời báo, tờ China Daily ngày 23.9 đăng bài bình luận lên án thỏa thuận giữa Tiktok với Ocrale và Walmart. Bài báo viết rằng:
Trung Quốc không có lý do để bật đèn xanh cho một thỏa thuận bẩn thỉu, bất công dựa trên sự bắt nạt và tống tiền như thế.
Nếu như dòng tweet của Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến đêm 21.9 và bài báo sau đó của Hoàn Cầu thời báo có thể bị xem là một phút ngẫu hứng, thì bài báo mới nhất của China Daily đã xua tan nghi ngờ này.
Nhiều khả năng các tờ báo đã nhận được chỉ thị từ cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc về việc đăng tải ý kiến như thế. Động thái này có thể nhằm dọn đường dư luận cho việc hủy bỏ, với lý do dư luận Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận như thế.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng đang có mâu thuẫn trong giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh liên quan đến thái độ ứng xử với thỏa thuận Tiktok và một bên chống đối đã viện đến dư luận để hậu thuẫn cho lập trường của họ.
Cộng với những tuyên bố bất nhất về nội dung của thỏa thuận cùng các phát biểu của Tổng thống Trump, có vẻ như thỏa thuận Tiktok sẽ khó lòng qua khỏi con trăng.
IV. Đọc thêm
Úc và Ấn Độ tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương (Tàu JS Kaga của Nhật cũng đang ở Ấn Độ Dương)
The New York Times: Ở Biden, Trung Quốc tìm thấy cố nhân và đối thủ tiềm tàng
The Wall Street Journal: Lập trường của Trump và Biden về Trung Quốc như thế nào?
China Media Project: Ý tưởng cải cách cũ từ lý thuyết gia thời đại mới của Tập (Vương Hộ Ninh)
Tập Cận Bình muốn doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chiến đấu cùng Đảng Cộng sản
Thân mến,
Duân
Toàn tin sốt dẻo, cám ơn anh.
Không liên quan nhưng sao tôi không (được phép?)bình luận trên Fb của nhà báo được?
Cảm ơn tác giả rất nhiều về những thông tin hữu ích