24.2: Hải cảnh Trung Quốc vươn vòi khắp Biển Đông
Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ được mở để những người đăng ký theo dõi bình thường trước đây có thể theo dõi. Dù đã bắt đầu chuyển qua hình thức trả phí, những bản tin mở như vậy thỉnh thoảng vẫn sẽ được gửi đến các bạn!
Nếu các bạn muốn nhận nhiều hơn, thường xuyên hơn và nhanh chóng hơn những bản tin như thế này, các bạn có thể đăng ký tại đây!
I. BIỂN ĐÔNG:
1. Hải cảnh 5304
Sáng nay 24.2, tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc một lần nữa áp sát giàn xử lý Hải Thạch thuộc lô 5-02 của Việt Nam, theo tín hiệu AIS.
Ngày 22.2, tàu này đã một lần áp sát giàn Hải Thạch sau khi từ Đá Xu Bi di chuyển đến khu vực. Sau đợt quấy rối ngày 22.2, tàu này di chuyển đến phía nam Bãi Tư Chính và lượn lờ ở đó trước khi quay lại mỏ Hải Thạch vào sáng nay.
Một bức ảnh vệ tinh chụp ngày 23.2 cho phép xác nhận chiếc tàu này quả thật là tàu Hải cảnh 5304, dựa vào kích cỡ của nó.
2. Hải cảnh 4203
Cho đến sáng nay, tàu Hải cảnh 4203 và tàu được định danh Benhai 08629 (nhiều khả năng là một tàu kiểm ngư Việt Nam) dường như vẫn đang vờn nhau ở cách nhau chỉ vài hải lý ở phía tây nam đảo Tri Tôn. Tàu Hải cảnh 4201 đã di chuyển về quần đảo Hoàng Sa trước đó.
3. Hải cảnh Trung Quốc bám theo tàu USNS Impeccable
Sau khi tàu nghiên cứu của Hải quân Mỹ USNS Impeccable tiến vào Biển Đông ngày 23.2, tàu Hải cảnh 3304 của Trung Quốc đang ở bãi cạn Scarborough đã hướng lên phía eo biển Ba Sỹ và bám theo chiếc tàu của Mỹ từ chiều tối qua. Đến sáng nay, tàu 3304 vẫn đang bám theo khi tàu USNS Impeccable di chuyển xuống hướng tây nam.
USNS Impeccable là cái tên gây chú ý bởi vào tháng 3.2009, chưa đầy 2 tháng sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, chiếc tàu thuộc Bộ tư lệnh Hải vận của Mỹ đã bị tàu hải quân, ngư chính, hải giám và tàu cá Trung Quốc bao vây khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế gần đảo Hải Nam.
Vụ việc được biết đến với cái tên sự cố tàu USNS Impeccable và được nhiều người đánh giá là đòn nắn gân của Trung Quốc đối với chính quyền mới ở Mỹ lúc bấy giờ.
Các tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ vẫn thường xuyên hoạt động ở Biển Đông, nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi tàu hải cảnh Trung Quốc được quan sát thấy bám theo tàu nghiên cứu Mỹ từ khi nó mới tiến vào Biển Đông. Sự việc này càng đáng theo dõi bởi Trung Quốc vừa mới ban hành luật hải cảnh trao cho lực lượng này nhiều quyền hạn.
4. Đọc thêm
Trong cuộc họp báo ngày 23.2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby đã bình luận về hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc tại quần đảo Senkaku ở Hoa Đông.
Phóng viên: Xin cảm ơn. Tôi có hai câu hỏi, đầu tiên là ở châu Á. Cuối tuần qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào trong lãnh hải Nhật Bản. Và theo Nhật Bản, họ đã bám theo một tàu cá Nhật Bản. Họ (Nhật Bản) cho rằng đây là sự leo thang của tình hình xung quanh quần đảo Senkaku. Ông có lo ngại về chuyện này và ông đã thảo luận gì với người Nhật về vấn đề này?
Phát ngôn viên John Kirby: Tôi không có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với người Nhật để tuyên bố về sự việc cụ thể đó. Tôi chỉ nói rằng chúng tôi tin rằng tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, cần được bảo đảm về chủ quyền của mình, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực đã được chấp nhận.
Bộ Quốc phòng cam kết bảo vệ trật tự quốc tế tự do và mở dựa trên quy tắc, một trật tự mà từ đó Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi và thậm chí cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được hưởng lợi lớn, nhưng là điều mà Bắc Kinh, thông qua các hành động của mình, đang phá hoại vì lợi ích riêng.
Một lần nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước để giải quyết những thách thức chiến lược do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra khi chúng tôi thực hiện Chiến lược Quốc phòng, bao gồm hiện đại hóa lực lượng, tăng cường liên minh và quan hệ đối tác cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh liên kết nhằm thúc đẩy lợi ích của chúng tôi .
Phóng viên: Bộ Quốc phòng có coi hành động của các tàu Trung Quốc là khiêu khích không?
Kirby: Trung Quốc một lần nữa tiếp tục coi thường quy tắc quốc tế và chúng tôi đã thể hiện rõ mối quan ngại của mình về hoạt động này và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để củng cố trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nói rõ rằng vùng biển quốc tế là vùng biển quốc tế.
Chuyên gia Ryan Martinson thuộc trường Hải chiến Mỹ có bài viết “Đánh giá rủi ro thực sự từ luật hải cảnh mới của Trung Quốc”.
Khi cho phép lực lượng hải cảnh của mình sử dụng vũ lực chết người để duy trì các yêu sách biển, Bắc Kinh đã vượt qua lắn ranh. Các nhà ngoại giao nước ngoài nên nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng sự mơ hồ dưới bất kỳ hình thức nào đơn giản là không còn có thể chấp nhận.
Ngư dân Philippines kêu gọi Liên Hiệp Quốc vô hiệu hóa luật hải cảnh Trung Quốc
Đây là lời kêu gọi của hội nghề cá Pamalakaya. Và trong sáng nay, những thành viên của hội này đã tổ chức biểu tình để phản đối luật hải cảnh Trung Quốc.
Telegraph: Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đối mặt nguy cơ cao xảy ra 'sự cố' trên Biển Đông
Lowy Institute: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói gì về Biển Đông?
Nhưng phân tích của tôi cho thấy Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện các thỏa hiệp cần thiết đối với các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của họ ở những vùng biển này để tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao khả thi. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc hy vọng sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự sẽ thuyết phục các quốc gia khác thích nghi với lập trường của Trung Quốc mà không cần đánh nhau. Và nếu các bên tranh chấp khác nhượng bộ Bắc Kinh, Hoa Kỳ hoặc Úc sẽ khó đẩy lùi lập trường của Trung Quốc.
II. Trung Quốc - phương Tây
1. The Wall Street Journal viết về Tập Cận Bình
Dựa vào những gì họ ghi nhận ở Trung Quốc trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên theo dõi lĩnh vực, tờ The Wall Street Journal đưa ra một số đánh giá về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài viết “Tập Cận Bình đang định hình lại Trung Quốc như thế nào và ý nghĩa của nó đối với phương Tây”. Bài viết đưa ra 5 đánh giá về Tập.
Phương Tây đã sai về Tập Cận Bình
Trước khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ nghĩ rằng ông sẽ ủng hộ việc hội nhập chặt chẽ hơn với trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tuy nhiên, xuất thân của ông cho thấy một thế giới quan sô vanh hơn, những tham vọng phục hưng Trung Quốc lớn hơn và sự liều lĩnh hơn.
Một số người ủng hộ lo lắng tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa của ông Tập thiếu các biện pháp bảo vệ
Tư tưởng chỉ đạo của ông Tập, bao gồm các quan điểm của ông về các khía cạnh quản trị khác nhau dưới nhãn hiệu chung là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, là sự tổng hợp của các tư tưởng phản tự do được thiết kế chủ yếu để hợp pháp hóa việc tiếp tục cai trị và công cuộc đổi mới đất nước của ông.
Đích thân ông Tập đã can thiệp để chặn một vụ IPO lớn nhất thế giới (tập đoàn ANT)
Trọng tâm trong tầm nhìn của ông Tập là vai trò lớn hơn của nhà nước trong việc định hướng nền kinh tế, bao gồm cả việc khẳng định quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Chính quyền của ông Tập đang khơi dậy chủ nghĩa siêu dân tộc và bịt miệng những người chỉ trích
Chính quyền của ông Tập đã thúc đẩy chủ nghĩa siêu dân tộc thông qua một chiến dịch giáo dục lòng yêu nước bao gồm những thay đổi đối với sách giáo khoa và các video bóng bẩy ủng hộ Trung Quốc nhắm vào giới trẻ thông qua mạng xã hội.
Trung Quốc đang nỗ lực tác động đến các nhóm quốc tế để bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự giám sát kỹ lưỡng, nhưng đang vấp phải phản ứng tiềm tàng
2. Nghị sĩ Mỹ ráo riết nhắm vào Trung Quốc
Thủ lĩnh đa số Thượng viên chỉ đạo soạn luật đối phó Trung Quốc
WASHINGTON (Reuters) - Lãnh đạo đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer hôm thứ Ba cho biết ông đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo một gói biện pháp để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, tận dụng thái độ cứng rắn của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh tại Quốc hội để củng cố lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ và chống lại các hành vi không công bằng.
Các thượng nghị sĩ Mỹ chống lại sự kiểm duyệt của Trung Quốc
WASHINGTON (Reuters) - Một nhóm lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ hồi sinh dự luật chống lại sự kiểm duyệt của Trung Quốc ở Hoa Kỳ trong thứ Tư, một nỗ lực mới của Quốc hội nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì những nỗ lực ngày càng gia tăng nhằm kiềm chế những lời chỉ trích ở ngoài biên giới của họ, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nói với Reuters.
3. Mỹ và đồng minh xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ 'không có Trung Quốc'
WASHINGTON / TAIPEI - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ ký một lệnh hành pháp trong tháng này để đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng cho chip và các sản phẩm quan trọng về mặt chiến lược khác ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, bằng cách hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Văn bản sẽ yêu cầ phát triển một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia và dự kiến sẽ kêu gọi ưu tiên các mạng lưới cung ứng ít bị ảnh hưởng bởi các sự gián đoạn như thảm họa và các lệnh trừng phạt của các quốc gia không thân thiện. Các biện pháp này sẽ tập trung vào chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm và các sản phẩm y tế, theo dự thảo mà Nikkei có được.
4. Mỹ lên tiếng về tình trạng sông Mekong
Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 23.2
Hoa Kỳ ủng hộ sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới. Trong nhiều thập niên, những giá trị này đã định hướng cho công việc của chúng tôi nhằm thúc đẩy sức khỏe và tính bền vững của sông Mekong và gần 70 triệu người có sinh kế phụ thuộc vào nó. Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của các chính phủ khu vực Mekong và Ủy hội sông Mekong về những biến động nhanh chóng gần đây và sự sụt giảm đáng lo ngại của mực nước sông Mekong.
Chúng tôi tham gia cùng với họ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu nguồn nước kịp thời và thiết yếu, bao gồm thông tin về các hoạt động của đập ở thượng nguồn. Điều cần thiết là CHND Trung Hoa phải tuân thủ các cam kết của mình và tham khảo ý kiến của các nước hạ nguồn.
Hoa Kỳ, thông qua Quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ và cộng đồng địa phương trong khu vực Mekong. Sáng kiến Dữ liệu Nước Mekong, tổ chức Giám sát Đập Mekong và các công cụ khác cung cấp dữ liệu thực đến những người cần nó nhất.
5. Đọc thêm
Nghị viện Canada tuyên bố Trung Quốc ‘diệt chủng’ ở Tân Cương
Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với bông Tân Cương làm đứt gãy chuỗi cung ứng ngành thời trang
Thân mến,
Duân