2.6: Máy bay quân sự Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông
Dựa vào bản đồ do phía Malaysia cung cấp, các máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc dường như đã né tránh Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh khi bay đến gần Malaysia ngày 31.5.
1. 16 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận Malaysia
Chiều ngày 1.6, Không quân Malaysia ra thông báo về việc 16 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc áp sát không phận nước này trong ngày 31.5.
Các máy bay này bao gồm hai loại máy bay vận tải quân sự Y-20 và IL-76. Thông tin này phù hợp với những gì được tôi viết trong bản tin độc quyền sáng 1.6.
>>> Độc quyền: Số lượng lớn máy bay quân sự Trung Quốc bay xuống Trường Sa
Theo thông cáo của phía Malaysia, các máy bay này bay theo “đội hình chiến thuật” và không trả lời khi được đài kiểm soát không lưu của Malaysia liên hệ. Vì thế, không quân Malaysia đã điều máy bay chiến đấu Hawk 208 cất cánh để nhận diện.
Phía Malaysia khẳng định đây là một “vụ việc nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia và an toàn hàng không”.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đưa ra tuyên bố cho biết ông sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc và triệu tập đại sứ của nước này.
Theo Defense News, không rõ liệu các máy bay của không quân Trung Quốc có liên lạc với các kiểm soát viên không lưu Singapore khi họ bay qua không phận quốc tế do quốc gia đó quản lý hay không, mặc dù các website theo dõi chuyến bay cho thấy một máy bay cảnh báo sớm trên không Gulfstream G550 thuộc Không quân Singapore bay về phía đông Biển Đông ngay sau khi các máy bay không quân Trung Quốc lần đầu tiên được phát hiện trên ra đa của Malaysia.
Dựa vào bản đồ do phía Malaysia cung cấp, các máy bay Trung Quốc dường như đã né tránh Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Từ Chiến khu Nam bộ, các máy bay này nhiều khả năng bay qua FIR Tam Á hoặc FIR Hồng Kông rồi qua FIR Manila trước khi vào FIR Singapore và FIR Kota Kinabalu.
Trên đường về, chúng dường như cũng bay từ FIR Singapore vào lại FIR Manila chứ không vào FIR Hồ Chí Minh.
Đường bay của nhóm máy bay cũng cho thấy chúng dường như đã bay qua gầm cụm Sinh Tồn xuống phía nam vòng qua hai cụm bãi cạn Luconia Bắc và Luconia Nam, đến gần bãi James trước khi vòng lên phía bắc.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc bay xuống khu vực gần Malaysia. Vào năm ngoái, một máy bay ném bom H-6 từng bay gần một giàn khoan Malaysia hoạt động ở khu vực này, theo một số hình ảnh được đăng trên mạng xã hội. Khi đó, Malaysia không đưa ra phản đối.
Tuy nhiên, đây có vẻ như là lần có số lượng máy bay lớn nhất, lên đến 16 chiếc. Vì thế, phía Malaysia đã chọn công khai vụ việc.
2. Máy bay tuần tra P-8 Mỹ bay qua eo biển Đài Loan
Sáng 2.6, một máy bay tuần tra P-8 của Mỹ cất cánh từ căn cứ Kadena đã bay xuyên qua eo biển Đài Loan từ phía bắc.
Đường bay của nó cho thấy nó bay dọc theo đường trung tuyến ở eo biển này. Sau khi băng qua eo biển, máy bay đã vòng lại qua eo Ba Sĩ trở về căn cứ.
Đây là lần hiếm hoi máy bay P-8 được nhìn thấy bay qua eo biển Đài Loan. Diễn biến này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi nhóm máy bay 16 chiếc của Trung Quốc bay xuống gần Malaysia.
3. Trung Quốc huấn luyện ở nam Hải Nam
Hình ảnh vệ tinh ngày 1.6 cho thấy một nhóm 7 tàu chiến Trung Quốc di chuyển theo đội hình ở phía nam đảo Hải Nam.
Kích thước của các tàu này cho thấy chúng nhiều khả năng là tàu hộ tống Type 056. Việc di chuyển theo đội hình gợi ý chúng đang tiến hành huận luyện.
4. Về giàn khai thác Deep Sea 1 của Trung Quốc
Vài ngày qua, dư luận Việt Nam chú ý đến giàn khai thác Thâm Hải 1 (Deep Sea 1) của Trung Quốc chuẩn bị đi vào sản xuất ở Biển Đông vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, đây thực chất không phải là thông tin mới. Giàn khai thác 100.000 tấn này đã được Trung Quốc kéo đến khu mỏ Lăng Thủy 17-2 ở Biển Đông vào tháng 1 năm nay chứ không phải mới đây.
Mỏ Lăng Thủy 17-2 nằm cách Hải Nam khoảng 150 km về phía nam. Khu vực này nằm bên phía Trung Quốc, cách khá xa so với đường trung tuyến giả định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Giàn khai thác được lắp đặt tại vị trí có tọa độ 17.4143N/110.6028E. Nếu xét đến cả vấn đề quần đảo Hoàng Sa, với giả định quần đảo đang bị Trung Quốc kiểm soát này được xác định có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thì vị trí của giàn khai thác cũng nằm bên phía Hải Nam so với đường trung tuyến giả định giữa EEZ Hải Nam và EEZ Hoàng Sa.
Có một cơ sở khác là khả năng có sự hiện diện của các mỏ nằm vắt ngang qua các đường phân định giả định. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề rất phức tạp.
Trên thực tế Việt Nam lâu nay không thấy phản đối những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực nằm bên kia của đường trung tuyến giả định. Vì thế, tôi dự đoán Hà Nội sẽ không lên tiếng phản đối động thái này, cho dù những giàn khoan hoặc giàn khai thác của Trung Quốc ở Biển Đông luôn được dư luận người Việt quan tâm.
Duân