26.8: Tàu sân bay Mỹ, Anh hội quân ở Biển Philippines
Khu vực đông và đông nam đảo Okinawa những ngày qua chứng kiến sự tập trung của lực lượng hải quân hùng hậu đến từ Mỹ, Anh, Nhật và Hà Lan.
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
1. Hải Dương Địa Chất 8
Ngày 25.4, tàu Hải Dương Địa Chất 8 di chuyển với tốc độ từ 4-5 hải lý/giờ ở theo các đường thẳng ở khu vực đông nam bãi Macclesfield. Diễn biến này gợi ý nó đã bắt đầu tiến hành hoạt động khảo sát ở khu vực.
Đây là khu vực nằm giữa thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuy nhiên, cho đến lúc này Hải Dương Địa Chất 8 mới chỉ tiến hành 2 đường khảo sát nên chưa rõ nó có đi vào một trong hai khu vực nói trên trong những ngày tới hay không.
Trong khi đó, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
2. Chuyển động quân sự
Khu vực đông và đông nam đảo Okinawa những ngày qua chứng kiến sự tập trung của lực lượng hải quân hùng hậu đến từ Mỹ, Anh, Nhật và Hà Lan.
Ngày 24.8, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng nhóm đổ bộ tấn công USS America cùng hai tàu chiến Nhật Bản JS Ise và JS Asahi ở khu vực đông nam Okinawa. Đây là một phần Cuộc tập trận quy mô lớn toàn cầu 2021 do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi đó, di chuyển của máy bay MV-22 Osprey ngày 25.8 gợi ý nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng đã tới khu vực đông và đông nam Okinawa trong ngày 25.8. Nếu ba tàu này tiến hành tập trận, đây sẽ là đợt tập trung hùng hậu của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngày 24.8, một nhóm ba tàu chiến Trung Quốc gồm tàu khu trục 052D Trí Bạc, tàu khu trục 052C Trịnh Châu và tàu hộ vệ 054A Ích Dương đã băng qua eo biển Miyako ra Biển Philippines.
Nghĩa là nhóm tàu này hướng tới gần vị trí tập trung lực lượng của Mỹ, Nhật Anh và Hà Lan.
Trong ngày 25.8, Trung Quốc cũng triển khai máy bay tuần tra Y-9 và máy bay không người lái băng khu vực eo biển Miyako, nhiều khả năng để trinh sát cuộc tập trận đa quốc gia.
Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Từ ngày 26.-29.8, cuộc tập trận Malabar giữa 4 nước Quad là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc diễn ra ở đảo Guam. Tàu chiến lớn nhất tham gia cuộc tập trận này là tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật.
II. Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris
Ngày 25.8, Nhà Trắng đã công bố Fact Sheet về Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt nhân chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Mỹ và Việt Nam khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo như Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm của các tàu Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay.
Đáng chú ý Fact Sheet cho biết bà Harris đã thảo luận về mối quan hệ giữa tuần duyên Mỹ và Việt Nam, bao gồm việc cung cấp tàu tuần dương thứ ba, tùy thuộc vào sự chuẩn thuận của Quốc hội Mỹ.
Khi hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Harris cũng nói chính quyền Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển giao tàu tuần dương thứ ba cho Việt Nam.
Nhiều khả năng chiếc tàu này là tàu Douglas Munro đã được loại biên hồi tháng 4 năm nay. Khi đó, tôi đã viết trong Newsletter ngày 3.4 rằng:
Một nguồn tin theo dõi quan hệ Việt - Mỹ xác nhận với tôi rằng đã có quyết định về việc tàu Douglas Munro sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.
Đây sẽ là tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ ba mà Mỹ chuyển giao cho Việt Nam sau các tàu Morgenthau và John Midgett.
Nguồn tin này cũng nhận định với tôi rằng trong vòng 6 tháng tới nhiều khả năng sẽ có một đại diện cấp cao của Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ sang thăm Việt Nam.
Không loại trừ khả năng việc chuyển giao tàu tuần duyên thứ ba sẽ được công bố trong chuyến thăm này.
Một số nội dung nổi bật khác:
Mỹ khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á ở Hà Nội.
Ký kết thỏa thuận thuê đất xây dựng đại sứ quán mới của Mỹ ở Hà Nội. Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ dự kiến xây dựng tại Hà Nội có tổng ngân sách 1,2 tỉ USD, quy mô 39.000m2 trên khu đất có tổng diện tích 3,2 hecta.
Thông báo ra mắt Đoàn Hòa bình ở Việt Nam (Peace Corps Vietnam).
Mỹ cung cấp thêm 1 triệu liều vắc xin cho Việt Nam.
Phát biểu đáng chú ý (khi hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc):
"Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để họ phải tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách biển quá mức của họ".
Duân