27.6: Tàu sân bay Mỹ, âm mưu của Trung Quốc về "nội thủy" ở Biển Đông
Theo thông tin tôi mới nhận được, tàu sân bay Mỹ dự kiến sẽ ghé Việt Nam vào nửa cuối tháng 7 có thể không phải là tàu USS Abraham Lincoln như đã đưa trong bản tin trước. Thay vào đó, có thể là một tàu sân bay khác.
Hiện Mỹ có tàu USS Ronald Reagan ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, tàu USS Abraham Lincoln đã di chuyển sang Đông Thái Bình Dương, thuộc khu vực phụ trách của Hạm đội 3.
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc thông báo tập trận quân sự ở khu vực phía tây nam Tam Á từ 27 đến 30.6.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln tập trận với tàu JS Izumo của Nhật Bản và các tàu chiến Úc ở Thái Bình Dương từ 19 đến 24.6. Các nhóm tàu Nhật Bản và Úc đang trên đường đến Hawaii tham dự cuộc tập trận RIMPAC 22 bắt đầu từ 29.6.
Tàu khu trục Mỹ USS Benfold di chuyển vào Biển Đông thông qua eo biển Verde Island ngày 25.6. Đây là tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan. Trong chuyến tuần tra lần này, Ronald Reagan chỉ được hộ tống bởi 2 tàu là tàu tuần dương USS Antietam và tàu Benfold.
Vì thế, nhiều khả năng tàu Benfold sẽ không di chuyển quá xa tàu sân bay. Việc nó tiến vào Biển Đông có thể báo hiệu rằng tàu Ronald Reagan cũng sắp sửa tiến vào khu vực sau khi kết thúc chuyến thăm Guam.
Một máy bay tuần tra P-8A của Mỹ bay qua eo biển Đài Loan ngày 24.6. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay tuần tra Mỹ bay qua eo biển này trong thời gian gần đây. Điều khác biệt là lần này Lầu Năm Góc đã đưa ra thông báo về chuyến bay. Diễn biến này xảy ra giữa lúc eo biển Đài Loan trở nên nóng lên với cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ về quy chế pháp lý của eo biển.
2. Philippines – Trung Quốc
Có khá nhiều diễn biến liên quan đến Philippines và Trung Quốc trước thời điểm Tổng thống tân cử Bongbong Marcos nhậm chức vào ngày 30.6.
Đầu tiên là việc Philippines thông báo hủy bỏ các cuộc đàm phán về khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Inquirer có bài tường thuật về sự hiện diện của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây nhằm ngăn cản hoạt động tiếp tế của Philippines ở đây.
Ngoài ra, có một diễn biến đáng chú ý là tối 26.6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động trục một tàu mắc cạn ở gần đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng.
Hoạt động này sẽ được tiến hành trong bán kính 1 hải lý quanh địa điểm có tọa độ 11-01.91N/114-10.42E kể từ rạng sáng 27.6.
Thông báo không nói rõ tàu bị mắc cạn là tàu gì. Tuy nhiên, địa điểm mắc cạn nằm tại Sandy Cay. Đây là các dải cát nổi nằm gần Thị Tứ mà Trung Quốc dòm ngó lâu nay. Có khá nhiều tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc hiện diện tại khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh ngày 25.6 cho thấy có một tàu không rõ chủng loại hiện diện ở khu vực này.
Có vài điểm đáng chú ý trong hoạt động này:
Đầu tiên, thông báo được đưa ra chỉ vài giờ trước khi hoạt động được tiến hành vào rạng sang 27.6. Ngoài ra không có bất kỳ chi tiết nào về tàu mắc cạn, chẳng hạn vào thời gian nào.
Liệu chỉ là một tàu cá mắc cạn thì Trung Quốc liệu có mất công sức và thời gian để tiến hành trục nó hay không?
Việc thông báo và tiến hành trục tàu thể hiện Trung Quốc xem như họ đang kiểm soát Sandy Cay trên thực tế.
Thời điểm của hoạt động bất thường này cũng đáng nghi ngờ. Nó diễn ra chỉ 3 ngày trước khi tân tổng thống Philippines nhậm chức và vài ngày sau khi Manila tuyên bố chấm dứt đàm phán dầu khí với Trung Quốc.
Cá nhân tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc đang âm mưu chiếm đóng và xây dựng công trình, hoặc cắm mốc trên Sandy Cay và hoạt động trục tàu chỉ là vỏ bọc. Đó có thể là một phép thử dành cho tân tổng thống Marcos.
3. Về âm mưu của Trung Quốc biến Biển Đông thành “nội thủy”
Thông tin này xuất phát từ một bài báo của tờ Sankei Shimbun ngày 18.6, tiết lộ rằng Trung Quốc đang có âm mưu biến “Biển Đông” thành “nội thủy”. Bản thân người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng về vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ có chút khó hiểu trong cách diễn dịch của tờ Sankei liên quan đến vấn đề “nội thủy”, gây ra bối rối, nên xin được diễn giải một chút.
Ở đây, “nội thủy” mà bài báo nhắc đến không phải là toàn bộ khu vực Biển Đông hay khu vực trong cái gọi là “đường lưỡi bò”.
Thực chất, Sankei chỉ nhắc đến cuộc chiến công hàm ở Biển Đông, bắt nguồn từ việc Malaysia đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CSLS) cuối năm 2019.
Việc Nhật Bản lên tiếng cũng không phải là điều mới bởi họ đã gửi công hàm bày tỏ quan điểm vào tháng 1.2021.
Tranh cãi về “nội thủy” thực chất là tranh cãi về “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố ở quần đảo Hoàng Sa lâu nay và dường như đang có mưu đồ tuyên bố ở Trường Sa. Khu vực bên trong đường cơ sở chính là “nội thủy”.
Trung Quốc vốn là một quốc gia lục địa nên không có quyền thiết lập “đường cơ sở thẳng” theo UNCLOS. Tuy nhiên, nước này đã bất chấp UNCLOS mà vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa, viện đến cái gọi là “luật pháp quốc tế thông thường”.
Trung Quốc đưa ra lập luận ngang ngược này trong công hàm ngày 18.9.2020. Phía Nhật Bản phản bác trong công hàm ngày 19.1.2021.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nhắc gì đến “đường cơ sở thẳng” ở quần đảo Trường Sa hay tỏ dấu hiệu nào về âm mưu này.
Tuy nhiên, vì quần đảo Trường Sa trải dài trên một khu vực rộng lớn nên nếu Trung Quốc vẽ “đường cơ sở thẳng” ở quần đảo Trường Sa thì đồng nghĩa với việc Bắc Kinh ngang nhiên xem một khu vực rộng lớn ở phía nam Biển Đông là “nội thủy”, chưa kể đến cái gọi là “nội thủy” mà nước này đã tuyên bố ở Hoàng Sa.
Tất nhiên, sẽ không ai chấp nhận những mưu đồ và hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Duân