28.7: Trung Quốc và tàu sân bay Anh ở Biển Đông
Cụ thể, Trung Quốc có thể muốn muốn đánh tín hiệu rằng họ sẽ áp dụng lại phản ứng của Nga trước vụ tàu khu trục HMS Defender tiến gần đến vùng biển Crimea vào tháng 6. Khi đó, Nga thông báo họ điều máy bay cường kích Su-24 thả bom trước tàu HMS Defender để răn đe tàu này đổi hướng.
Bằng cách tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật của không quân, Trung Quốc có thể muốn cảnh báo rằng đó cũng sẽ là phản ứng của họ nếu tàu chiến Anh tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa.
1. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth
Sau khi vào Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tiến hành tập trận với hải quân Singapore trong ngày 26.7, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng công bố hình ảnh chiến đấu cơ F-35 trên tàu sân bay này tiến hành hoạt động bay ở Biển Đông trong ngày 27.7.
Ảnh: Hải quân Mỹ
2. Phản ứng của Trung Quốc
Trong ngày 27.7, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam tiếp tục thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam trong ngày 29.7.
Trước đó, Trung Quốc cũng thông báo một số cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông vào cuối tháng 7 này, sau khi tàu sân bay Anh tiến vào khu vực.
Cuộc tập trận mới nhất (màu xanh lá cây) diễn ra tại trường bắn biển, nơi không quân (và không quân hải quân) Trung Quốc thường tiến hành bắn đạn thật và chỉ diễn ra trong 3 tiếng rưỡi. Thế nên, nhiều khả năng đây sẽ cuộc tập trận bắn đạn thật của các chiến đấu cơ.
Theo nhận định của tôi, cuộc tập trận này đáng chú ý vì khác với 3 cuộc tập trận còn lại có thể không liên quan, đây có thể là một trong những động thái phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với việc tàu sân bay Anh vào Biển Đông.
Cụ thể, Trung Quốc có thể muốn muốn đánh tín hiệu rằng họ sẽ áp dụng lại phản ứng của Nga trước vụ tàu khu trục HMS Defender tiến gần đến vùng biển Crimea vào tháng 6. Khi đó, Nga thông báo họ điều máy bay cường kích Su-24 thả bom trước tàu HMS Defender để răn đe tàu này đổi hướng.
Bằng cách tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật của không quân, Trung Quốc muốn cảnh báo đó cũng sẽ là phản ứng của họ nếu tàu chiến Anh tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, tờ Telegrahp dẫn nguồn tin quốc phòng nhận định Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao chuyển động của nhóm tàu Anh.
Một nguồn tin quốc phòng cho biết họ dự báo Trung Quốc sẽ quan sát các chuyển động của nhóm tàu từ trên không cũng như dưới nước.
…
Tuy nhiên, nguồn tin cũng nói họ hy vọng việc đi qua Biển Đông sẽ suôn sẻ hơn so với khi Nga phản ứng với HMS Defender, một tàu khu trục Type 45 của Anh, khi nó đi qua Biển Đen vào tháng 6.
Các cuộc tập trận Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông cũng được tờ Hoàn Cầu thời báo lưu ý trong một bài viết ngày 27.7, nhưng chưa bao gồm cuộc tập trận mới được thông báo ở Hải Nam.
Mặc dù các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc có khả năng không liên quan trực tiếp đến các tàu chiến của Anh, nhưng chúng cho thấy PLA đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, vị chuyên gia nhận định, đồng thời lưu ý rằng cũng giống như tàu chiến Mỹ xâm phạm các đảo và đá ngầm của Trung Quốc trong khu vực, nếu tàu Anh làm tương tự, họ cũng sẽ bị PLA trục xuất.
PLA sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu chiến Anh, sẵn sàng đối phó với mọi hành vi không phù hợp, đồng thời coi đây là cơ hội để thực hành và nghiên cứu cận cảnh các tàu chiến mới nhất của Anh, một chuyên gia quân sự Trung Quốc khác yêu cầu giấu tên nói với Hoàn Cầu thời báo.
Tân Hoa xã cũng đăng lại một bài viết khác của Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia giấu tên lớn giọng rằng Trung Quốc phải sẵn sàng sử dụng “gậy đánh chó” (đả cẩu bổng) với nhóm tác chiến tàu sân bay Anh.
Đọc thêm:
Nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông - Bill Hayton
3. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Ngày 27.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có bài phát biểu được trông đợi tại sự kiện Fullerton Lecture do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức ở Singapore.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong bài phát biểu của ông Austin là tầm nhìn được ông gọi là “sự răn đe tích hợp”.
Giờ đây, răn đe tích hợp có nghĩa là sử dụng mọi công cụ quân sự và phi quân sự trong hộp công cụ của chúng tôi, một cách khít khao với các đồng minh và đối tác. Răn đe tích hợp là sử dụng các khả năng hiện có và xây dựng những khả năng mới, đồng thời triển khai tất cả chúng theo những cách mới và được kết nối… tất cả đều phù hợp với bối cảnh an ninh của khu vực và trong mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển với bạn bè của chúng ta.
Và vì vậy, cùng nhau, chúng tôi đang hướng tới việc phối hợp tốt hơn, kết nối chặt chẽ hơn và đổi mới nhanh hơn. Và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có khả năng, năng lực và thông tin mà họ cần.
…
Răn đe tích hợp cũng có nghĩa là làm việc với các đối tác để ngăn chặn sự ép buộc và gây hấn trong nhiều cuộc xung đột… bao gồm cả trong cái gọi là “vùng xám” nơi các quyền và sinh kế của người dân Đông Nam Á đang gánh chịu áp lực. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực để tăng cường năng lực địa phương và nâng cao nhận thức khu vực trên biển, để các quốc gia có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình… cũng như quyền đánh bắt và các nguồn năng lượng mà luật pháp quốc tế dành cho họ.
Trong bài phát biểu, ông Austin cũng chỉ trích những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những hành vi gây bất ổn khác.
Yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự khẳng định đó giẫm đạp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế. Và chúng tôi vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ hiệp ước mà chúng tôi có đối với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku và với Philippines ở Biển Đông.
Thật không may, việc Bắc Kinh không sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng sự thượng tôn pháp luật không chỉ diễn ra trên biển. Chúng tôi cũng đã chứng kiến sự gây hấn với Ấn Độ… hoạt động quân sự gây bất ổn và các hình thức cưỡng ép khác đối với người dân Đài Loan… và tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Giờ đây, những khác biệt và tranh chấp này là có thật. Nhưng cách bạn quản lý chúng có ý nghĩa quan trọng.
Chúng tôi sẽ không nao núng khi lợi ích của chúng tôi bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu.
Vì vậy, hãy để tôi nói rõ: Với tư cách là Bộ trưởng, tôi cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc… bao gồm cả việc liên lạc xử lý khủng hoảng mạnh mẽ hơn với Quân Giải phóng Nhân dân. Các cường quốc cần mô hình hóa sự minh bạch và liên lạc. Và chúng tôi hy vọng có thể cùng Bắc Kinh giải quyết những thách thức chung, đặc biệt là mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm Việt Nam
Sau chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Austin lên đường đến Việt Nam vào đầu giờ chiều ngày 28.7. Trong một bài viết về chuyến thăm này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) cho biết hai bên dự kiến sẽ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Theo đó, phía Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ đăng ngày 28.7, Đại tá Thomas Stevenson, Tùy viên Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết ông Austin dự kiến sẽ đưa ra “tín hiệu tôn trọng dành cho hệ thống chính trị Việt Nam”.
4. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có kế hoạch thăm Việt Nam, Singapore
Ngày 27.7, tờ Politico và hãng Reuters dẫn nguồn tin cho biết Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hiện lên kế hoạch thăm Việt Nam và Singapore trong tháng 8.
Thông tin này phù hợp với những gì tôi viết trong bản tin ngày 19.7.
Xin mở đầu bản tin bằng một diễn biến đáng chú ý trong quan hệ Việt - Mỹ. Đó là tin đồn về một chuyến thăm tiềm tàng của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam trong thời gian tới.
Theo những gì tôi nghe được, chuyến thăm có thể diễn ra vào trung tuần tháng 8. Tuy nhiên, từ nay đến đó vẫn còn khoảng một tháng nữa nên vẫn chưa có gì chắc chắn, đặc biệt khi Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Nó cũng giống với những gì mà một nguồn tin nhận định với tôi từ gần hơn 4 tháng trước, trong bản tin ngày 19.3.
Nguồn tin này cũng nhận định với tôi rằng trong vòng 6 tháng tới nhiều khả năng sẽ có một đại diện cấp cao của Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ sang thăm Việt Nam.
Duân