Chào các bạn,
Xin gửi đến các bạn một số tin tức cập nhật về tình hình Biển Đông!
1. Trung Quốc tập trận ở Trường Sa
Trả lời câu hỏi về các cuộc tập trận của Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 27.8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Vũ Khiêm cho biết:
Theo kế hoạch huấn luyện thường niên, quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong vùng biển và vùng trời đông nam Thanh Đảo, phía tây cảng Lữ Thuận, vùng biển và vùng trời xung quanh các đảo ở Nam Sa (quần đảo Trường Sa), và trong vùng biển và vùng trời của quần đảo Tây Sa đến phía bắc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa).
Đây là xác nhận đầu tiên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về đợt tập trận đang diễn ra ở bốn vùng biển xung quanh Trung Quốc: Bộ Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.
Trước đó, ngoài đợt tập trận ở đông nam Thanh Đảo đến Liên Vân Cảng từ ngày 22-26.8 được quân đội Trung Quốc thông báo trước, các cuộc tập trận còn lại chỉ được biết đến nhờ vào cảnh báo hàng hải của các cục hải sự cấp tỉnh ở Trung Quốc.
Đáng chú ý là ông Vũ Khiêm nói rằng Trung Quốc tiến hành tập trận cả ở quần đảo Trường Sa. Khu vực tập trận này không được nhắc đến trước đó.
Theo Đài RFA, hình ảnh vệ tinh của hãng Planet Labs ngày 27.8 ghi nhận một đoàn xe 22 chiếc đang di chuyển dọc theo đường băng ở Đá Xu Bi. Chuyển động này có thể là một phần quá trình chuẩn bị cho cuộc tập trận ở đây. (LINK)
Ảnh: Planet Labs/RFA
Những thông tin trên cũng khá phù hợp với quan sát của tôi trong vài ngày qua, vốn cho thấy tàu chiến Trung Quốc xuất hiện khá nhiều ở quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, sau khi kết thúc đợt tập trận ở đông nam Thanh Đảo từ 22-26.8, Cục Hải sự Liên Vân Cảng tiếp tục đưa ra hai thông báo mới về cuộc tập trận ở hai khu vực có phạm vi nhỏ hơn ở Hoàng Hải từ ngày 29-8-3.9.
Một cuộc tập trận khác từ ngày 27-30.8 ở biển Hoa Đông cũng được Cục Hải sự tỉnh Chiết Giang thông báo (xem hình).
2. Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông
Như đã đưa trong bản tin ngày 26.8, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D và tầm trung xa DF-26 từ đất liền ra Biển Đông trong cùng ngày.
Các nguồn thông tin được tiết lộ đến nay đều khá phù hợp.
- Tờ South China Morning Post tối ngày 26.8 dẫn nguồn tin có quan hệ với quân đội Trung Quốc cho biết tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải và tên lửa DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang. (LINK)
Điều này khớp với phân tích của tôi trước đó cho rằng DF-26 có thể được phóng từ khu vực triển khai tên lửa Đại Sài Đán - Đức Linh Cáp (Da Qaidam - Delingha) ở tỉnh Thanh Hải và DF-21D được phóng từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang.
- Một quan chức quân sự Mỹ được Reuters và Bloomberg dẫn lời cho hay Trung Quốc phóng 4 "tên lửa tầm trung" ra Biển Đông. (Điều này có thể xuất phát từ cách phân loại tên lửa hoặc nhầm lẫn. Chẳng hạn, tờ The New York Times viết rằng tên lửa DF-26 và DF-21 đều là tên lửa tầm trung - LINK).
- Tờ Financial Times sau đó dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ khác cho biết vụ phóng bao gồm một tên lửa DF-21D và vài tên lửa DF-26B. (LINK)
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã xác nhận vụ phóng tên lửa này trong một tuyên bố chỉ trích hành động gây bất ổn tình hình ở Biển Đông. (LINK)
Chỉ một ngày sau vụ phóng, khu trục hạm USS Mustin của Mỹ đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải thách thức đường cơ sở thẳng và Bắc Kinh vạch ra quanh quần đảo Hoàng Sa. (LINK)
Một bức hình được quân đội Mỹ đăng tải cho thấy một tàu cá dường như là của Việt Nam xuất hiện gần tàu USS Mustin khi tàu này tiến gần quần đảo Hoàng Sa ngày 27.8.
3. Lệnh trừng phạt của Mỹ
Trong một động thái gây xôn xao, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng thông báo áp lệnh trừng phạt với 24 công ty Trung Quốc cùng các cá nhân tham gia vào hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa phi pháp các thực thể ở Biển Đông.
Một thông báo của Cục An ninh và công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ trên trang Federal Register tiết lộ cụ thể hơn về các lệnh trừng phạt này. Cụ thể, các công ty Trung Quốc bị xác định "tham gia vào các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ". (LINK)
Đối với trường hợp 5 công ty con của Tập đoàn xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC)
China Communications Construction Company Dredging Group Co. Ltd.
China Communications Construction Company Guangzhou Waterway Bureau;
China Communications Construction Company Second Navigation Engineering Bureau;
China Communications Construction Company Shanghai Waterway Bureau;
China Communications Construction Company Tianjin Waterway Bureau
Bộ Thương mại Mỹ xác định cụ thể:
ERC quyết định bổ sung China Communications Construction Company Dredging Group Co. Ltd.; China Communications Construction Company Guangzhou Waterway Bureau; China Communications Construction Company Second Navigation Engineering Bureau; China Communications Construction Company Shanghai Waterway Bureau; và China Communications Construction Company Tianjin Waterway Bureau vào Danh sách thực thể trong mục Trung Quốc vì tham gia vào các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Cụ thể, ERC đã xem xét các bằng chứng cho thấy các thực thể này giúp Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông.
Đặc biệt, các thực thể này đã tham gia vào việc bồi đắp đất tại Đá Vành Khăn, mà theo phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa Trọng tài được triệu tập theo Công ước luật Biển năm 1982, được xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Xin có một vài nhận xét về động thái của Mỹ:
- Đầu tiên, Bộ Thương mại Mỹ xác định các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc "trái với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ". Bộ Thương mại áp dụng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 để xác định các hành vi phi pháp của Trung Quốc. Từ đó, chúng ta có thể thấy các hành động của Mỹ có sự tuần tự và đồng bộ, kể từ khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lập trường về yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 7.
- Sự thiếu vắng của các công ty dầu khí Trung Quốc, hay đơn vị chủ quản của các tàu khảo sát Trung Quốc tham gia vào các hành động ép buộc để ngăn cản các nước Đông Nam Á khai thác tài nguyên ngoài khơi của họ. (Chỉ có một số cá nhân dạng này bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực).
Lấy trường hợp các lô dầu khí của Việt Nam ở gần bãi Tư Chính, một khu vực mà Mỹ đã xác định "bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là phi pháp". Hiện Mỹ chưa "hồi tố", chẳng hạn đối với các hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể phục vụ như một sự cảnh báo và răn đe đối với các công ty Trung Quốc tham gia vào những hoạt động phi pháp như thế trong tương lai.
- Mỹ chỉ mới áp dụng các biện pháp trừng phạt của Bộ Thương mại (danh sách đen) và Bộ Ngoại giao (từ chối cấp thị thực), chứ chưa sử dụng biện pháp đưa vào danh sách đặc biệt của Bộ Tài chính (Specially Designated Nationals) như từng áp dụng với vấn đề Hồng Kông và Tân Cương.
Những biện pháp của Bộ Tài chính Mỹ nếu được áp dụng sẽ có tác động nặng nề và sâu rộng hơn rất nhiều và không loại trừ khả năng chúng sẽ được áp dụng trong tương lai. Hiện có một con đường pháp lý để Mỹ áp dụng các biện pháp này là Dự luật Trừng phạt về Biển Đông và Hoa Đông mà Thượng nghị sĩ Marco Rubio giới thiệu vào năm ngoái.
- Chỉ mới sử dụng "danh sách đen" của Bộ Thương mại thì nó cũng có thể gây ra tác động ở châu Á, đặc biệt với cái tên khét tiếng là Tập đoàn xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). Theo tờ South China Morning Post, CCCC tham gia 923 dự án ở 127 quốc gia. Tuy chưa rõ ràng nhưng giới phân tích dự đoán các công ty Mỹ có thể phải cân nhắc xin cấp phép nếu muốn cung cấp sản phẩm cho các dự án liên quan đến CCCC. (LINK)
- Một hệ quả khác là tác động đến nhận thức của các quốc gia khác về việc hợp tác với các công ty Trung Quốc bị "điểm mặt chỉ tên". Chẳng hạn, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin tuyên bố sẽ khuyến nghị chấm dứt các hợp đồng với các công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Theo CNN Philippines, CCCC hiện có dự án nâng cấp sân bay Sangley ở gần Manila. (LINK)
Thân mến,
Duân
Cám ơn anh. CCCC có liên quan gi đến Cát Linh Hà Đông k anh?...