30.3: Chuyển động quân sự, Đài Loan - Trung Quốc
Tàu Đài Loan và tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đang vờn nhau ở khu vực phía tây đảo Luzon kể từ ngày 25.3, khi Trung Quốc triển khai Hải cảnh 5203 bám theo tàu nghiên cứu Legend đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
1. Chuyển động quân sự
Ngày 29.3, tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã rời Manila trở ra Biển Đông, kết thúc chuyến thăm 4 ngày.
Ngày 28.3, Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung Balikatan lớn nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không Patriot đến phía bắc đảo Luzon như một phần cuộc tập trận. Các tên lửa này được tàu đổ bộ USS Ashland vận chuyển từ Okinawa đến thành phố Aparri nằm ngay eo biển Ba Sỹ.
Căn cứ viễn chinh di động USS Miguel Keith cũng xuất hiện ở khu vực này ngày 28.3.
Tàu Liêu Ninh đã trở về căn cứ ở Thanh Đảo vào ngày 29.3, sau khi hoàn tất cuộc huấn luyện ở Bột Hải.
Thông thường, vào tháng 4 hằng năm tàu này sẽ tiến hành chuyến huấn luyện biển xa ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Biển Đông.
2. Đài Loan - Trung Quốc
Tàu Đài Loan và tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đang vờn nhau ở khu vực phía tây đảo Luzon kể từ ngày 25.3, khi Trung Quốc triển khai Hải cảnh 5203 bám theo tàu nghiên cứu Legend đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Đài Loan triển khai một trong những tàu tuần duyên lớn nhất của họ là tàu lớp Chiayi, CG 5001 hộ tống tàu Legend. CG 5001 có lượng giãn nước hơn 5.000 tấn.
Trong ngày 26.3, một tàu tuần duyên khác là tàu CG 117 gấp rút được triển khai đến vị trí. Đến ngày 30.3, thêm một tàu tuần duyên cỡ lớn nữa là tàu CG 129 có lượng giãn nước gần 4.000 tấn cũng đến khu vực.
Trong khi đó, một tàu nghiên cứu khác của Đài Loan là tàu New Ocean Researcher 1 cũng được ghi nhận xuất hiện ở khu vực quần đảo Trường Sa trước khi trở về phía bắc ngày 28.3.
3. Philippines - Trung Quốc
Philippines đã chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát nguy hiểm tàu tuần duyên của họ ở gần bãi cạn Scarborough vào đầu tháng 3, theo Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon.
Liên quan đến sự việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 28.3 tuyên bố bãi cạn Scarborough là “lãnh thổ cố hữu” của Trung Quốc.
Chúng tôi hy vọng rằng các tàu của Philippines sẽ nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và các quyền và lợi ích của Trung Quốc, tuân thủ luật pháp trong nước của Trung Quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời tránh can thiệp vào hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật của Hải cảnh Trung Quốc tại các vùng biển nói trên.
Đáp lại, quyền phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, ông Martin Andanar đưa ra tuyên bố:
Quan điểm của Philippines là chúng tôi tiếp tục thực thi chủ quyền đầy đủ đối với Bajo de Masinloc (tên gọi của Philippines đối với bãi cạn Scarborough) và lãnh hải của nó, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với [vùng đặc quyền kinh tế] và thềm lục địa xung quanh”.
Duân