30.9: Chuyển động quân sự, Biển Đông
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã quay trở lại phía bắc sau vài ngày neo ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
1. Chuyển động quân sự
Hai tàu đổ bộ tấn công Type 075 và tàu sân bay Sơn Đông lần lượt rời khỏi cảng ở Trạm Giang và Tam Á, theo các bức ảnh vệ tinh ngày 28 và 29.9. Không loại trừ khả năng chúng sẽ tham gia vào một hoạt động kỷ niệm ngày quốc khánh 1.10 của Trung Quốc trên biển.
Phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa ngày 29.9 cho biết chiến đấu cơ tàng hình J-20 của nước này đã được sử dụng ở khắp 5 chiến khu. Theo đó, nó đã triển khai hoạt động ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan.
Cùng ngày, Trung Quốc công bố clip máy bay tiếp liệu YU-20 đang thực hiện quá trình tiếp liệu cho hai chiến đấu cơ J-20.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng công bố đoạn clip hiếm hoi về cuộc tập trận đối kháng của tàu ngầm ở Biển Đông trong loạt sự kiện tuyên truyền chuẩn bị kỷ niệm ngày quốc khánh 1.10.
Thủy quân lục chiến Mỹ thông báo lực lượng này sẽ tiến hành hai cuộc tập trận song phương lớn ở Tây Thái Bình Dương trong tháng 10, bao gồm cuộc tập trận Resolute Dragon 22 với Nhật Bản từ 1 đến 14.10 và cuộc tập trận KAMANDAG 6 với Philippines từ 3 đến 14.10.
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli, hiện neo ở cảng Manila cũng sẽ tham gia cuộc tập trận KAMANDAG 6.
Ngày 29.9, tàu hộ vệ HMCS Winnipeg tiến hành hoạt động tiếp tế trên biển với tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật Bản ở Biển Đông.
2. Biển Đông, ASEAN
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã quay trở lại phía bắc sau vài ngày neo ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Như vậy, nhiều khả năng tàu này chỉ xuống Trường Sa để tránh cơn bão Noru.
Liên quan đến hoạt động dầu khí ở Biển Đông, Bộ Năng lượng Philippines trong tuần này cho biết họ đang chuẩn bị các hợp đồng dịch vụ để nối lại hoạt động thăm dò ở khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank).
Vào tháng 4 năm nay, chính quyền của Tổng thống Duterte đã ra lệnh tạm ngưng hoạt động thăm dò ở hai lô SC 75 và SC 72 (Bãi Cỏ Rong) trước sức ép từ Trung Quốc.
Việc Philippines nối lại hoạt động thăm dò ở Bãi Cỏ Rong có thể sẽ biến khu vực này thành một điểm nóng trong thời gian tới.
Trong khi đó, nghị sĩ Malaysia Rozman Isli mới đây đã lên tiếng kêu gọi chính phủ và quân đội nước này hãy ngăn chặn những sự xâm nhập của tàu Trung Quốc trong vùng biển nước này. Ông Rozman cho rằng các hoạt động của tàu quân sự và tàu chấp pháp của Trung Quốc đã cản trở hoạt động nghề cá và dầu khí của Malaysia.
Lâu nay quân đội Malaysia bị cho là chỉ giữ vai trò quan sát thụ động trước các vụ xâm nhập của tàu khảo sát, tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực bãi can Luconia và các địa điểm thăm dò, khai thác dầu khí của Malaysia.
Duân