Chào các bạn,
Hãy bắt đầu bằng một tin tức đáng chú ý liên quan đến Việt Nam!
Ngày 27.7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật fact sheet về hợp tác an ninh với Việt Nam, điểm lại một số hoạt động hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước, cũng như liệt kê các thông tin về mua bán, viện trợ an ninh, quốc phòng. (LINK)
I. BIỂN ĐÔNG
1. Oanh tạc cơ Trung Quốc tập trận uy hiếp Đài Loan
Ngày 30.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo lực lượng không quân của hải quân nước này vừa tổ chức cho oanh tạc cơ H-6G và H-6J cùng các chiến đấu cơ mới khác tiến hành huấn luyện cường độ cao ở Biển Đông. (LINK)
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết nội dung huấn luyện bao gồm cất cánh/hạ cánh ban đêm, tấn công tầm xa và tấn công mục tiêu trên biển.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức giới thiệu loại oanh tạc cơ mới của nước này là H-6J, vốn có bán kính tác chiến xa hơn và mang theo nhiều tên lửa hơn các loại oanh tạc cơ H-6 trước đó, đặc biệt là tên lửa chống hạm siêu thanh Ưng Kích 12 (YJ-12).
Trung Quốc không tiết lộ địa điểm huấn luyện nhưng bằng cách sử dụng phân tích tình báo nguồn mở, có vẻ như tôi có thể xác định được địa điểm và hàm ý của nó, đặc biệt là đối với oanh tạc cơ.
- Khu vực mục tiêu:
Các oanh tạc cơ tiến hành huấn luyện nội dung tấn công mục tiêu trên biển và theo hình ảnh được công bố, chúng có vẻ như có thả bom đạn thật hoặc giả.
Với nội dung này, Trung Quốc có thể phải đưa ra cảnh báo hàng hải đối với tàu bè tại khu vực mục tiêu.
Trong khi đó, thời gian qua ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc chỉ phát cảnh báo hàng hải về hoạt động bắn đạt thật ở khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu trong vịnh Bắc Bộ, từ ngày 25.7 đến 2.8.
Nội dung huấn luyện cũng phù hợp với cảnh báo của quân đội Trung Quốc về các loại đạn dược uy lực mạnh đối với khu vực bị phong tỏa này.
Vì vậy, khả năng cao là khu vực mục tiêu chính là khu vực Trung Quốc đã khoanh vùng để tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu.
- Khu vực cất cánh:
Trung Quốc hiện có một số căn cứ của oanh tạc cơ H-6 ở khu vực miền nam như Thiệu Đông (Shaodong), Lỗi Dương (Leiyang) và Quế Bình (Guiping).
Trong đó, Quế Bình là căn cứ của lực lượng không quân hải quân và H-6J từng được nhìn thấy ở đây vào cuối năm 2018. (Sân bay Quế Bình được xây dựng trong thập niên 1970 để triển khai oanh tạc cơ với mục đích dành cho việc khống chế Biển Đông).
Tuy nhiên, với vị trí cách khu vực mục tiêu chỉ 300 km, Quế Bình không phù hợp với huấn luyện tấn công "viễn trình" như trong thông báo của quân đội Trung Quốc.
Quan sát ảnh vệ tinh những ngày qua giúp tôi phát hiện các hoạt động đáng ngờ tại căn cứ Lỗi Dương ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam.
Cụ thể, ngày 29.7 có một số lượng khá lớn oanh tạc cơ H-6 đã biến mất khỏi các vị trí đỗ thường lệ của chúng và có hoạt động bay trên đường băng.
Oanh tạc cơ ở sân bay Lỗi Dương ngày 26.7
Các oanh tạc cơ này vẫn được nhìn thấy vào ngày 26 và 28.7. Điều này cho phép tôi dè dặt kết luận căn cứ Lỗi Dương là nơi các oanh tạc cơ H-6 đã cất cánh để tiến hành phi vụ huấn luyện ở vịnh Bắc Bộ.
Một số oanh tạc cơ biến mất vào sáng 29.7
Thời gian diễn ra có thể là đêm 28 và ngày 29.7. Lưu ý ở đây tôi chỉ đề cập đến oanh tạc cơ, còn các loại chiến đấu cơ khác có thể cất cánh từ các căn cứ khác.
- Hàm ý:
Hoạt động cất cánh của oanh tạc cơ H-6 tại căn cứ Lỗi Dương và khu vực mục tiêu ở phía tây bán đảo Lỗi Châu cho phép tôi rút ra kết luận quan trọng: Trung Quốc đã huấn luyện oanh tạc để tấn công quần đảo Pratas (Đông Sa) hoặc Đài Loan hoặc cả hai.
Lý do là khoảng cách từ Lỗi Dương đến khu vực tập trận xấp xỉ khoảng cách từ Lỗi Dương đến Pratas (780 km) và đến Đài Bắc (khoảng 850 km). (Xem hình minh họa).
Lưu ý, trong khu vực tập trận của Trung Quốc có một khu vực hình tròn bán kính 8 km, khá phù hợp với hình dạng của Pratas. Khu vực màu vàng có thể biểu thị cho Đài Loan.
Minh họa về hoạt động huấn luyện mô phỏng tấn công Pratas hoặc Đài Loan
Việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện tấn công Pratas hoặc Đài Loan phù hợp với những tiết lộ trước đây về việc Trung Quốc mô phỏng cuộc tập trận tấn công Pratas trong tháng 8, cũng như tình hình căng thẳng xuyên eo biển.
2. Cuộc chiến công hàm
- Malaysia vs Trung Quốc
Ngày 29.7, Malaysia và Trung Quốc cùng có những động thái mới liên quan đến cuộc chiến công hàm ở Biển Đông.
Cụ thể, Malaysia đã gửi một công hàm mới lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ công hàm được Trung Quốc gửi ngày 12.12.2019. (Toàn văn công hàm của Malaysia)
Công hàm của Malaysia hết sức đáng chú ý bởi sự mơ hồ của nó ở trong đoạn thứ bốn và thứ năm dẫn đến những cách diễn giải khác nhau.
"Liên quan đến khẳng định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở đoạn thứ hai và thứ ba trong Công hàm (ngày 12.12.2019), Chính phủ Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, liên quan đến các khu vực biển của Biển Đông được bao gồm bởi phần có liên quan của "đường chín đoạn" vì chúng trái với Công ước (LHQ về luật Biển) và không có hiệu lực pháp lý trong phạm vi rằng chúng vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của quyền lợi biển của Trung Quốc theo Công ước.
Về khía cạnh này, Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các thực thể địa lý biển ở Biển Đông không có cơ sở theo luật quốc tế. Do đó, Chính phủ Malaysia bác bỏ toàn bộ nội dung Công hàm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Cụ thể, Malaysia cho rằng "yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các thực thể địa lý biển ở Biển Đông không có cơ sở theo luật quốc tế".
Vấn đề gây tranh cãi ở đây là "thực thể địa lý biển" (maritime features) được định nghĩa như thế nào, nó có bao gồm đảo và đá (có thể yêu sách lãnh thổ) hay chỉ đề cập đến các thực thể không thể yêu sách lãnh thổ như bãi ngầm hoặc bãi nửa nổi nửa chìm (LTE).
Nếu bao gồm các đảo và đá, nghĩa là Malaysia cho rằng cả các yêu sách (lãnh thổ) của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều không có cơ sở pháp lý.
Cần nhắc lại là trong đoạn thứ hai của công hàm Trung Quốc mà Malaysia nhắc đến, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với cái gọi là Tứ Sa (Nam Hải chuỗi đảo), gồm cả nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp, và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên "Nam Hải chuỗi đảo", và quyền lịch sử ở Biển Đông.
Là một quốc gia tranh chấp Trường Sa, dễ hiểu nếu Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với Trường Sa. Nhưng việc bác bỏ yêu sách với Hoàng Sa là vấn đề hết sức đáng chú ý, bởi đây là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Hiểu theo cách này, thì Malaysia đã ra mặt ủng hộ Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa, là điều mà chưa có quốc gia nào làm trước đây.
Cách hiểu thứ hai là Malaysia chỉ đề cập đến các thực thể địa lý biển không thể yêu sách lãnh thổ như bãi ngầm hoặc bãi nửa nổi nửa chìm. Cách hiểu này thì không mấy khác lạ dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và Công ước luật Biển.
Tuy nhiên, việc Malaysia tuyên bố bác bỏ "toàn bộ nội dung Công hàm (ngày 12.12.2019) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" cũng có thể được diễn dịch là gián tiếp bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa.
Một cách lý giải thứ ba cho rằng Malaysia cố tình tạo ra sự mơ hồ trong công hàm của mình như một cách bày tỏ sự phản đối đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề yêu sách lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Chúng ta hãy chờ xem phân tích của các chuyên gia luật cũng như liệu phía Malaysia có làm rõ công hàm của mình trong thời gian tới hay không!
Tuy nhiên, những ai quan tâm sâu hơn có thể tham khảo những trao đổi trên Twitter của các chuyên gia Đỗ Thanh Hải (Việt Nam) và Shahriman Lockman (Malaysia) cũng như ý kiến của Peter Dutton, Greg Poling và Bill Hayton.
Bản thân tôi, trái tim tôi thiên về cách lý giải đầu tiên, nhưng lý trí lại có phần cho rằng Malaysia sẽ không đi xa đến mức ấy.
- Úc vs Trung Quốc
Cũng trong ngày 29.7, Trung Quốc gửi một công hàm mới phản đối công hàm về Biển Đông của Úc với những lời lẽ hết sức gay gắt. (Bản dịch tiếng Anh công hàm của Trung Quốc).
Cụ thể, Bắc Kinh lên án Canberra "vi phạm luật pháp quốc tế và những nguyên tắc căn bản của quan hệ quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Đây là những lời lẽ không thấy Trung Quốc sử dụng với các quốc gia tham gia cuộc chiến công hàm lâu nay như Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
3. Oanh tạc cơ Mỹ vào Biển Đông?
Thông tin của tôi cho biết hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Andersen ở đảo Guam vào sáng nay và có vẻ như đang hướng vào Biển Đông.
Lúc bản tin này được gửi đến các bạn, chúng vẫn đang thực hiện phi vụ của mình. Nếu quả đúng chúng vào Biển Đông thì phi vụ này được tiến hành chỉ một ngày sau khi Trung Quốc thông báo về hoạt động huấn luyện của oanh tạc cơ H-6 ở khu vực.
Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được phát hiện đã di chuyển từ Biển Philippines sang Biển Hoa Đông ít nhất từ ngày 28.7.
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ronald Reagan hoạt động ở phía tây nam Nhật Bản trong ngày này.
4. Giàn khoan Noble Clyde Boudreaux rời Vũng Tàu
Tín hiệu AIS ghi nhận giàn khoan Noble Clyde Boudreaux được chú ý nhiều trong thời gian qua đã được kéo đi khỏi Vũng Tàu từ tối 29.7.
Thông tin đăng tải trên website của Cảng vụ Vũng Tàu trước đó cũng cho biết giàn khoan Noble Clyde Boudreaux sẽ rời khỏi Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đích đến của giàn khoan này.
II. MỸ - TRUNG
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tối qua đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, với chủ đề chính vẫn là Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần, ông Pompeo tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc là "mối đe dọa trung tâm trong thời đại của chúng ta" và nói rằng "thủy triều đang đổi hướng" trong việc đối phó Trung Quốc. (LINK)
Ngoại trưởng Mỹ cũng liệt kê một loạt những chuyển biến trong thời gian qua liên quan đến thái độ của quốc tế đối với Trung Quốc trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn của mình. (LINK)
Ông Pompeo cũng cảnh báo Mỹ chuẩn bị các biện pháp khác để trừng phạt Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương nhưng từ chối tiết lộ chi tiết, theo tờ The Wall Street Journal. (LINK)
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải có bài viết với thái độ khá mềm mỏng trên tờ Politico về quan hệ với Mỹ. Những thể hiện của Thôi Thiên Khải thời gian gần đây cho thấy ông không mấy tán đồng với kiểu ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc. (LINK)
Liên quan đến việc cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy vừa qua đời tối qua, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã gửi lời chia buồn đăng trên website của Bộ Ngoại giao. (LINK)
Việc Mỹ cử quan chức cấp nào đến tham gia tang lễ của nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi dân chủ ở Đài Loan cũng là vấn đề đáng chú ý trong thời gian tới.
III. TRUNG QUỐC
Tờ The Washington Times ngày 29.7 đăng bài viết nói rằng "những gì các cơ quan tình báo gọi là "những dấu chỉ và cảnh báo" - các tín hiệu về hành động quân sự thù địch tiềm tàng hoặc hành động khác chống lại Mỹ - đang được phát hiện từ bên trong Trung Quốc". (LINK)
Tuy nhiên, tác giả Bill Gertz không nêu nguồn tin của mình cho vấn đề này. Bài viết của ông chủ yếu chỉ là những thông tin tập hợp trên mạng, chẳng hạn hoạt động của máy bay Trung Quốc thu được qua sóng radio và tin đồn (dai dẳng) về cuộc đấu đá phe phái giữa Tập Cận Bình và cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, với những nhận xét của một doanh nhân giấu tên.
Cá nhân tôi cho rằng độ khả tín trong bài viết của Bill Gertz không cao.
Trong khi đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp ngày 29.7 và quyết định sẽ triệu tập Hội nghị trung ương 5 vào tháng 10 tới. (LINK)
Đây là cuộc họp trung ương đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát và được triệu tập ngay trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11.
Thân mến,
Duân
Cảm ơn anh !
Cám ơn Duân Đặng. Chúc Duân một weekend vui vẽ.