Hi,
Hãy bắt đầu bằng hai sự kiện nóng hổi liên quan đến Biển Đông ngày 2.6: Phái đoàn thường trực của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc gửi kháng thư bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và Philippines thông báo trì hoãn việc hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ thêm ít nhất 6 tháng.
Tình cờ hai thông tin này lần lượt được ngoại trưởng hai nước đồng minh Teodoro Locsin và Mike Pompeo tiết lộ trong cùng một ngày.
(Lưu ý: Cái nào có gạch chân là có kèm link nhé!)
I. BIỂN ĐÔNG
1. Mỹ chính thức phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông lên LHQ
- Về hình thức:
Dường như phía Mỹ đã gửi một "kháng thư" (letter of protest), tức tính chính thức của nó cao hơn "công hàm" (note verbale), là thứ được các bên liên quan gửi qua gửi lại trong “cuộc chiến công hàm” mấy tháng nay. (Hãy chỉnh tôi nếu tôi sai!)
Tôi chưa dám khẳng định đây có phải là lần đầu tiên Mỹ chính thức gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một kháng thư phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và đề nghị lưu hành hay không. Nhưng có vẻ là như thế.
Trong thư này, Mỹ nhắc đến và kèm theo một "note verbale" ngày 28.12.2016, tức sau khi có phán quyết của phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7.2016.
Tuy nhiên, đối tượng của "note verbale" thể hiện quan điểm của Mỹ này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Thư của Mỹ đề ngày 1.6 nhưng chỉ được công chúng biết đến sau tweet của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đêm 2.6 (giờ Việt Nam).
Việc Ngoại trưởng Mỹ tuyên truyền cho một động thái này bản thân cũng cho thấy Washington muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. (Chúng ta hiếm thấy ngoại trưởng các nước khác giới thiệu về những công hàm của nước họ bữa giờ đúng không?)
- Về nội dung:
Phân tích về pháp lý thì khá dài và mất thời gian nên tôi sẽ lướt qua, chỉ nêu ý chung.
Mỹ phản đối "các yêu sách biển" của Trung Quốc. Ngoại trừ việc thiếu câu "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam" thì tinh thần của kháng thư này khá giống với đại đa số các nước Đông Nam Á, tức đều chiếu theo Công ước LHQ về luật Biển 1982 và phán quyết của phiên tòa năm 2016.
Đối tượng bác bỏ là những luận điệu pháp lý mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho "đường lưỡi bò" hay sau này là "Tứ Sa".
- Phản đối cái gọi là "quyền lịch sử".
- Phản đối đường cơ sở thẳng.
- Phản đối yêu sách chủ quyền và các yêu sách biển phát sinh từ đó đối với các thực thể chìm hoàn toàn như bãi Macclesfield (Trung Sa) và bãi James, hay các thực thể lúc nổi lúc chìm như Vành Khăn hay Cỏ Mây...
…
Nói chung là phản đối tất, khá giống với Việt Nam. Ngoài ra còn khuyến mãi thêm việc Trung Quốc hạn chế quyền và tự do ở Biển Đông, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hành động khiêu khích.
Cần lưu ý Mỹ chỉ phản đối "yêu sách biển", chứ không phản đối "yêu sách chủ quyền" đối với những thực thể đủ điều kiện có yêu sách này.
Tức không nhắc đến tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, chẳng hạn ai có chủ quyền trên từng thực thể đủ điều kiện yêu sách chủ quyền, và vẫn đứng ngoài việc này.
Không/chưa có chuyện “Mỹ công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa”" đâu, làm ơn!
Tuy nhiên, có điểm cũng đáng lưu tâm là trong thư mới nhất Mỹ không nhấn mạnh "lập trường trung lập về tranh chấp lãnh thổ" như thường thấy trước đây.
Về ý nghĩa:
Như đã nói, đây có thể là lần đầu tiên Mỹ chính thức gửi lên Liên Hiệp Quốc một kháng thư phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây cũng là lần đầu tiên một nước ngoài khu vực gia nhập vào cuộc chiến công hàm giữa các nước giáp Biển Đông bấy lâu nay.
Chúng ta hãy chờ xem các nước khác, đặc biệt là các nước còn lại trong "Bộ tứ kim cương" như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có nối bước hay không?
Trước đây thì có thể họ còn dè dặt nhưng trong tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước đó cũng đang leo thang thì cũng không loại trừ.
Việc Mỹ nhảy vào có thể càng củng cố thêm một khả năng rằng dường như có một sự phối hợp nào đó giữa các nước Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam, Phillippines và Indonesia trong thời gian qua để khơi dậy trở lại ý nghĩa của phán quyết năm 2016.
Ngoài ý nghĩa về pháp lý, những chuyển biến này còn có ý nghĩa về mặt dư luận. Nghĩa là có thể giúp bẻ gãy hai mũi nhọn trong cái gọi là "tam chủng chiến pháp" của Trung Quốc về Biển Đông.
Cái còn lại: “chiến tranh tâm lý” thì dĩ nhiên chúng ta phải tự sốc tinh thần để không bao giờ nao núng.
Ngoài ra, dĩ nhiên nó cũng có thể là một phần trong cuộc đối đầu chiến lược ngày càng leo thang trên nhiều mặt trận giữa Mỹ và Trung Quốc.
2. Philippines thông báo trì hoãn việc hủy bỏ thỏa VFA với Mỹ thêm ít nhất 6 tháng.
Dù chỉ là tạm thời, đây là một cú bẻ cua khá bất ngờ của chính quyền Duterte và dĩ nhiên là một đòn khá đau cho Trung Quốc, nước luôn tỏ ra vui mừng khi chứng kiến sự suy yếu quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh hay đối tác.
Còn quá sớm để nói rằng nó là một “cú đảo chính ngoại giao” (diplomatic coup) nhưng nó đánh dấu rằng quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines chí ít vẫn còn ý nghĩa nào đó.
Chắc chắn đã có những vận động diễn ra ở hậu trường, bởi gần như ngay sau đó, Đại sứ quán Mỹ đã ra tuyên bố hoan nghênh.
Chúng ta chưa biết cụ thể chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, công thư của phía Philippines có lưu ý đến “trước những diễn biến chính trị và những diễn biến khác trong khu vực”.
Có vẻ như những diễn biến gần đây đã khiến Manila suy xét lại lợi và hại của việc tin cậy vào Trung Quốc và xa rời Mỹ.
Phía Philippines không nói rõ nhưng chúng ta có thể kể đến đợt sóng mới của những hành động hung hăng và leo thang từ phía Trung Quốc gần đây ở Biển Đông, như lập “quận” Tây Sa và Nam Sa…
Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm vào chuyện đển các bạn trong những thư sau!
Nhưng hai diễn biến trên đương nhiên rất đáng hoan nghênh! Mọi thứ dường như đang quay trở lại trật tự, hehe, theo đúng luật pháp quốc tế.
3. Trung Quốc thông báo đạt được đột phá trong khai thác khí ở vùng biển sâu
Đài CCTV hôm 2.6 đăng tải clip cho biết Trung Quốc đạt được đột phá trong khai thác khí ở vùng biển sâu bằng việc rải ống dưới đáy biển ở độ sâu 1.500 mét.
Khu vực này là mỏ Lăng Thủy 17-2 này nằm ở Biển Đông, nhưng ở bên phía Trung Quốc so với đường trung tuyến giả định ngoài vịnh Bắc Bộ và Trung Quốc đã khai thác ở đây lâu nay.
Tuy nhiên, dẫu sao những đột phá này của Trung Quốc cũng đáng lưu ý. Vì không loại trừ một ngày nào đó, chúng sẽ được triển khai ở nơi xa hơn.
II. ĐỌC NHANH
Ok, tôi mất khá nhiều thời gian, số chữ và độ kiên nhẫn của các bạn để nói về các diễn biến liên quan đến Biển Đông, nên phần này sẽ chỉ thêm vài thông tin tôi thấy đáng chú ý.
1 . Modi và Trump điện đàm 40 phút
Trump mời Modi dự hội nghị G7 mở rộng, bàn về tranh chấp biên giới Ấn - Trung và cải tổ WHO.
“Quan hệ Ấn - Mỹ đang ở đỉnh cao lịch sử”, một quan chức Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times.
2 . Úc - Ấn chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh trực tuyến
Cũng liên quan đến Quad, Úc và Ấn Độ sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bàn về tăng cường an ninh và quốc phòng ngày 4.6.
Tâm điểm của hội nghị sẽ là ký Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần (LSA) giữa hai nước.
Trả lời báo chí trước hội nghị, Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O’Farrell cũng nêu lo ngại về tình hình Biển Đông.
"Mọi yêu sách phải được đưa ra và giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế mà cả Ấn Độ và Úc đều tin vào. Tàu và máy bay Úc sẽ thực thi quyền tự do hàng hải và ủng hộ các nước khác làm thế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Theo bài báo của tờ South China Morning Post ngày 2.6, Trung Quốc vẫn đánh giá khả năng của sự kiện này là thấp. Tuy nhiên, nó được nhắc đến cho thấy nó không còn là “không tưởng” nữa.
Trong một bài viết trên Facebook cá nhân vào tháng 8.2019 tôi từng nhắc đến kịch bản này như sau:
"Giải pháp hạt nhân" hay "tuyên bố chiến tranh" là những thứ mà người ta sẽ dùng để mô tả thứ vũ khí ấy – đề xuất loại Trung Quốc ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT).
…
Liệu Donald Trump có thể thuyết phục những người đồng cấp ở G7 gật đầu với giải pháp hạt nhân của mình hay không?
Điều này rõ ràng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nó vẫn cần phải được nêu ra như sự răn đe cơn ngông cuồng Đại Hán không chỉ trong thương mại mà còn cả ở Hồng Kông, Đài Loan và Biển Đông... Đó mới là đòn trả đũa tối hậu của Donald Trump.
Một câu hỏi quan trọng nữa là liệu chiến tranh có nổ ra hay không nếu Donald Trump viện đến SWIFT giữa lúc sự đối đầu giữa hai cường quốc này leo thang gần như ở mọi phương diện?
Chúng ta không biết được nhưng cắt đứt quan hệ ngoại giao dường như là lựa chọn không thể tránh khỏi trong những tình huống như thế này.”
anh Duan có thể chia sẻ về cơ hội Mr Trump tái cử không ạ, vì biden đỗ thì coi như mọi mưu kế đều bỏ đi, mà giờ Trump gặp nhiều chuyện, cám ơn a
Cám ơn Duân!