3.6: Chuyển động quân sự, Biển Đông, Mỹ - Trung
Ngày 3.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016 và luật quốc pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.
I. Chuyển động quân sự, Biển Đông
1. Chuyển động quân sự
Mỹ
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli rời Yokosuka ở Nhật Bản vào sáng 3.6 sau chuyến thăm quân cảng này. Ngoài USS Tripoli, vốn được xem là tàu sân bay cỡ nhỏ, Mỹ hiện có 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Abraham Lincoln ở Biển Philippines.
Ngày 2.6, hai oanh tạc cơ B-1B được triển khai đến căn cứ Andersen. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, oanh tạc cơ này được triển khai đến Guam.
Nhật Bản
Ngày 31.5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo hoạt động triển khai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2022, với sự tham gia của tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo. Trong chuyến triển khai kéo dài từ 13.6 đến 28.10, tàu này sẽ thăm 12 nước, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Trung Quốc
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều loại máy bay không người lái xuất hiện trên tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Tàu này hiện trải qua quá trình bảo dưỡng sau khi rời Biển Đông trở về xưởng đóng tàu ở Đại Liên vào tháng 4.
Hình ảnh vệ tinh và phân tích từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho thấy tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đã sẵn sàng hạ thủy. Thông tin trước đó cho rằng tàu này sẽ được hạ thủy vào ngày 3.6, nhưng có vẻ như kế hoạch này đã bị hoãn lại.
Ngày 2.6, quân đội Canada cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu máy bay tuần tra CP-140 Aurora của nước này khi nó đang tham gia sứ mệnh tuần tra chống hoạt động lẩn tránh các lệnh trừng phạt Triều Tiên do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.
Theo phía Canada, chiến đấu cơ Trung Quốc không tuân thủ các thông lệ an toàn hàng không quốc tế và gây nguy hiểm cho máy bay tuần tra của họ. Trong một số trường hợp, máy bay Canada đã phải đổi hướng để tránh nguy cơ va chạm.
Các khu vực cấm bay ở Trung Quốc cho thấy phi thuyền Thần Châu 14 chở theo 3 phi hành gia sẽ được phóng tên Trạm vũ trụ Thiên Cung vào ngày 5.6.
2. Biển Đông
Ngày 3.6, tàu hải cảnh 5303 của Trung Quốc xuất hiện ở phía nam Tư Chính, nhiều khả năng thay thế vị trí của tàu hải cảnh 2204 ở khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh ngày 2.6 cho thấy có khá nhiều tàu cá Trung Quốc, bao gồm cả tàu dân quân biển xuất hiện ở khu vực cụm Sinh Tồn. Chúng tập trung ở hai khu vực Đá Huy Gơ và Đá Ba Đầu.
Ngày 3.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016 và luật quốc pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.
Dòng tweet trên Twitter của ông Price còn đính kèm tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines phản đối lệnh cấm, thể hiện sự hậu thuẫn với phía Philippines. Đây dường như là lần đầu tiên phía Mỹ lên tiếng về lệnh cấm đánh bắt phi pháp này.
Ngày 2.6, Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên đến thăm trụ sở lực lượng Tuần duyên của Philippines để bàn về sự hợp tác tiềm tàng giữa lực lượng này và Hải cảnh Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đáng chú ý bởi Tuần duyên Philippines là lực lượng tuyến đầu trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông. Lực lượng này cũng thường xuyên có các cuộc đối đầu với hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough cũng như các thực thể ở Trường Sa.
Ngày 2.6, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến thăm một căn cứ thủy quân lục chiến ở Đào Nguyên. Hình ảnh bà vác tên lửa vác vai Kestrel do Đài Loan sản xuất nhận được nhiều sự chú ý. Tờ Taipei Times dẫn thông tin từ quân đội Đài Loan cho biết có 292 tên lửa vác vai Kestrel đã được triển khai ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và quần đảo Pratas hiện do Đài Bắc kiểm soát.
II. Mỹ - Trung
Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục cập nhật Fact Sheet về quan hệ với Đài Loan. Bản cập nhật mới nhất này được chèn vào câu: “Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Trước đó, câu này đã bị gỡ bỏ trong một bản cập nhật vào đầu tháng 5, châm ngòi cho sự phản đối từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 2.6 lên tiếng yêu cầu Mỹ chấm dứt đàm phán thương mại với Đài Loan sau khi có thông tin hai phía đã khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại.
Liên quan đến Đài Loan, tờ Nikkei ngày 3.6 có bài viết nhận định phát biểu của Tổng thống Mỹ Biden về việc bảo vệ Đài Loan trong chuyến công du châu Á mới đây là cố ý và là một thông điệp cảnh báo gửi đến Trung Quốc.
Tân Cương
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2.6 phản ứng giận dữ trước thông tin từ phía Mỹ cho biết nước này sẵn sàng thực thi Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Tân Cương khi nó có hiệu lực vào ngày 21.6.
Theo đạo luật này, các hàng hóa có xuất xứ từ Tân Cương sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ vì bị xem là sản phẩm từ lao động cưỡng bức.
Thương mại
Trả lời phỏng vấn Reuters, Phó đại diện thương mại Mỹ Sarah Bianchi cho biết chính quyền Biden đang xem xét mọi phương án khi tiến hành rà soát những thay đổi tiềm tàng về thuế của Mỹ đối với hang hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm giảm thuế và mở các cuộc điều tra thương mại mới.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông đang cân nhắc giảm một số loại thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được áp đặt từ thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tờ The Washington Post ngày 2.6 dẫn lời các quan chức Mỹ và Trung Quốc tiết lộ giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra các giới hạn trong mức độ hỗ trợ đối với Nga. Theo đó, Bắc Kinh muốn mở rộng hỗ trợ cho Nga nhưng không bị dính líu đến các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đây là một bản tin được gửi đến tất cả mọi người. Bản tin hôm nay được thực hiện với sự tài trợ của anh Mai Vu Thao! Anh Mai Vu Thao là người chuyên hỗ trợ, tư vấn định cư tại Mỹ diện Lao động EB3.
Bản thân là người có thẻ xanh từ chương trình này, anh Thao sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình tại Facebook https://www.facebook.com/vuthaomai
Hoặc qua zalo / viber/ facetime + 1 404 7890230
Một lần nữa xin được cảm ơn anh Mai Vu Thao!