Vịnh Bắc Bộ
Cục Hải sự Quảng Tây ngày 3.7 tiếp tục thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận tại hai khu vực rộng lớn ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 4 đến 10.7.
Đây là cuộc tập trận khá dài ngày, diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận từ ngày 26 đến 30.6.
Song song đó, Trung tâm kiểm soát đường dài Tam Á cũng thông báo thiết lập khu vực cấm bay ở một khu vực trong vịnh Bắc Bộ vào sáng 5.7. Đây là khu vực cấm bay được thiết lập để phục vụ cho vụ phóng tên lửa vũ trụ từ Trung tâm phóng tên lửa Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây vào ngày 5.7.
Nhiều khả năng hai sự kiện này không liên quan vì cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ diễn ra trong 1 tuần, trong khi vùng cấm bay chỉ được thiết lập khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Hoa Đông
Trong ngày 2.7, Cục Hải sự Chiết Giang cũng thông báo thiết lập khu vực phong tỏa ở Biển Hoa Đông phục vụ cho cuộc tập trận kéo dài từ ngày 3 đến 5.7.
Khu vực này rất rộng lớn và nằm cách Đài Loan chưa đầy 100 hải lý về phía bắc. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tập trận tại một khu vực rộng lớn như thế ở Hoa Đông.
Đài Loan
Ngày 3.7, Tuần duyên Đài Loan thông báo Hải cảnh Trung Quốc đã lên boong và bắt giữ một tàu cá Đài Loan ở gần Kim Môn trong đêm trước đó.
Cụ thể, tàu Tachinman 88 bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc chặn lại tại khu vực chỉ cách đại lục 12 hải lý song vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Loan.
Tuần duyên Đài Loan điều 3 tàu đến khu vực để giải cứu song bị tàu Trung Quốc ngăn chặn và yêu cầu không can thiệp. Lực lượng Đài Loan đã hủy cuộc truy đuổi để tránh leo thang sau khi phát hiện 4 tàu khác của Trung Quốc đang kéo đến.
Hiện phía Đài Loan đang kêu gọi Trung Quốc trao trả tàu. Động thái leo thang mới nhất của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi quy định cho phép Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ tàu cá nước ngoài có hiệu lực vào tháng trước.
Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động khiêu khích ở khu vực quần đảo Kim Môn, chẳng hạn như triển khai tàu hải cảnh đi vào khu vực biển do Đài Loan kiểm soát.
Biển Đông
Ngày 2.7, nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc có cuộc diễn tập với tàu đổ bộ trực thăng Type 075 ở khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, theo hình ảnh vệ tinh. Trong đội hình di chuyển còn có ít nhất 2 tàu khu trục Type 055 và 2 tàu Type 052D.
Cuộc diễn tập đầu tiên của hai loại tàu cỡ lớn này nhiều khả năng là màn biểu dương lực lượng của Trung Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Hoạt động của tàu Sơn Đông ở Biển Đông
Philippines – Trung Quốc
Ngày 2.7, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành cuộc hội đàm cấp thứ trưởng ngoại giao ở Manila nhằm tháo gỡ căng thẳng liên quan đến Bãi Cỏ Mây.
Phía Philippines cho biết tại cuộc họp “thẳng thắn và xây dựng”, hai bên đã đạt được “tiến bộ thực chất” trong việc giải quyết căng thẳng nhưng vẫn còn “những khác biệt đáng kể”. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro nói với người đồng cấp Trung Quốc Trần Hiểu Đông “rằng Philippines sẽ không ngừng bảo vệ lợi ích của mình và duy trì chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” ở Biển Đông.
Theo phía Philippines, hai bên đã ký thỏa thuận cải thiện cơ chế liên lạc trên biển giữa hai nước và đồng ý tiếp tục thảo luận nhằm đưa cơ chế này vào thực thi. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về hợp tác trên biển giữa tuần duyên hai nước, bao gồm khả năng phục hoạt Ủy ban Tuần duyên hỗn hợp (JCGC).
Bất chấp những tín hiệu lạc quan về ngoại giao, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì số lượng lớn tàu hải cảnh và tàu dân binh tại khu vực Bãi Cỏ Mây. Trong ngày 3.7, tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc 5901 đã xuất hiện tại thực thể này.
Vấn đề mấu chốt hiện nay vẫn là liệu tình hình sẽ diễn biến thế nào nếu Philippines tiếp tục triển khai hoạt động tiếp tế đến khu vực, điều mà họ bắt buộc phải tiến hành bởi các thủy thủ đóng trên tàu BRP Sierra Madre đã không nhận được tiếp tế trong hơn 3 tuần qua.
Duân,