Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ đề cập đến dự luật H.R.7982 của dân biểu Scott Perry, hoạt động của hai tàu sân bay Trung Quốc, kêu gọi chấm dứt “sự mơ hồ chiến lược” về Đài Loan cũng như việc Đức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình…
1. Dự luật bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Dự luật H.R 7982 được dân biểu Scott Perry giới thiệu trước Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 7.8 nhưng nội dung của nó chỉ mới được công bố ngày 1.9. (LINK)
Dự luật có nội dung hết sức ngắn gọn này tuyên bố Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với một số đảo và lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, bao gồm:
Quần đảo Senkaku
Quần đảo Trường Sa
Bãi cạn Scarborough
Quần đảo Hoàng Sa
Mọi đảo và lãnh thổ tranh chấp khác ở Biển Đông và Hoa Đông
Dự luật lưu ý việc bác bỏ này không nhằm giải quyết yêu sách của các nước khác, ngoại trừ Trung Quốc, và không ảnh hưởng đến yêu sách của Đài Loan đối với các đảo và lãnh thổ tranh chấp nêu trên.
Ngoài ra, nó cũng kêu gọi Mỹ ủng hộ nỗ lực gia tăng số lượng chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ với các đồng minh của Mỹ ở Hoa Đông và Biển Đông.
Nếu được thông qua, dự luật này có thể đánh dấu sự chấm dứt lập trường trung lập của Mỹ liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Lập trường trước đây của Mỹ, bao gồm cả lập trường mới nhất được Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố ngày 13.7, đều giữ thái độ trung lập với tranh chấp lãnh thổ và chỉ bác bỏ “yêu sách biển” phi pháp của Trung Quốc.
Dựa vào sự thay đổi quyết liệt trong lập trường và những ảnh hưởng to lớn của nó, khả năng H.R 7982 được thông qua rất thấp.
Nó có thể đơn giản là một tuyên bố chính trị nhắm vào Trung Quốc từ phía dân biểu Scott Perry hơn là một động thái được cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt.
Tuy vậy, trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung hiện ngay không có điều gì có thể bị loại trừ.
2. Hai tàu sân bay Trung Quốc cùng ra khơi
Truyền thông Trung Quốc ngày 1.9 đưa tin tàu sâu bay Sơn Đông đã rời cảng Đại Liên trong cùng ngày để tiến hành huấn luyện ở Bột Hải.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Liêu Ninh cũng đã rời cảng Thanh Đảo trong ngày 1 hoặc 2.9, sau khi trở về neo đậu ở đây trong vài ngày.
Đây là lần hiếm hoi hai tàu sân bay Trung Quốc cùng ra khơi, mặc dù hiện chưa rõ tàu sân bay Liêu Ninh đang ở đâu hoặc sẽ đến đâu.
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời chuyên gia dự báo tàu Sơn Đông sẽ được triển khai đồn trú ở Hải Nam sau khi kết thúc chuyến huấn luyện vào hạ tuần tháng 9. (LINK)
3. “Sự mơ hồ chiến lược” về Đài Loan
Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Mỹ chấm dứt “sự mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Trong bài viết trên tờ Foreign Affair, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Richard Haass và nhà nghiên cứu David Sacks của tổ chức này kêu gọi Mỹ chấm dứt “sự mơ hồ chiến lược”. (LINK)
Theo đó, Mỹ cần công khai tuyên bố sẽ phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, nhằm tạo ra sự răn đe và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan.
Thông điệp tương tự cũng được cựu quan chức Bộ Quốc phòng Joshep Bosco đưa ra trong bài viết trên tờ The Hill ngày 1.9. (LINK)
4. Trung Quốc - châu Âu
Tờ The Washington Post có bài viết tổng kết về chuyến công du 5 nước châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Thất bại toàn tập! Hay nói như chuyên gia Thorsten Benner thuộc Viện chính sách công toàn cầu ở Berlin: “Chuyến thăm của Vương Nghị không đạt được cả những mục tiêu tối thiểu”. (LINK)
Không chỉ tránh né những vấn đề quan tâm của châu Âu như luật an ninh quốc gia Hồng Kông, Tân Cương và nguồn gốc vi rút, Vương còn lên giọng đe dọa Na Uy (về giải Nobel Hòa bình) và CH Czech liên quan chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện nước này,ông Milos Vystrcil đến Đài Loan.
Điều này châm ngòi cho phản ứng giận dữ từ Pháp và Đức, vốn lên tiếng ủng hộ ông Milos Vystrcil.
Đặc biệt, Đức đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị. (LINK)
Dường như chỉ mới có phiên bản tiếng Đức của chiến lược này được công bố. (LINK)
Trước đó, Đức khá dè dặt với khái niệm này kể từ khi Tổng thống Trump công bố nó vào cuối năm 2017.
Việc Pháp, Đức thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình có thể thúc đẩy sự hình thành một chiến lược chung của EU.
Tuy vẫn còn chuyển biến chậm (nhiều khả năng các thủ đô ở châu Âu vẫn chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ), nhưng có vẻ như thái độ mới của châu Âu đối với Trung Quốc đang dần thành hình.
5. Trung Quốc - Ấn Độ
Theo tờ US News, tình báo Mỹ tỏ ra bối rối trước động thái của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ đêm 29.8 vì không thể hiểu tại sao Bắc Kinh lại chọn hành động “tự bắn vào chân” giữa lúc họ muốn làm dịu đi tình hình. (LINK)
Động thái khiêu khích này lại xảy ra không lâu trước khi Ấn Độ đối thoại 2+2 với Mỹ cũng như tổ chức cuộc họp của ngoại trưởng các nước Bộ tứ kim cương vào tháng 10.
Hành động này có lẽ chỉ đẩy Ấn Độ xa rời Trung Quốc và xích lại gần với các nước khác hơn.
Trước mắt, có thêm 118 ứng dụng của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm, bao gồm cả trò chơi nổi tiếng PUBG.
Có vẻ như nhiều động thái leo thang đối đầu của Trung Quốc đều xảy ra sau hội nghị Bắc Đới Hà: tập trận liên tiếp ở nhiều vùng biển, bắn tên lửa đạn đạo ra Biển Đông và gây sự trở lại với Ấn Độ… Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ theo kiểu thuyết âm mưu mà thôi.
6. Báo cáo về quân sự Trung Quốc
Lầu Năm Góc ngày 2.9 đã công bố báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc thường niên.(LINK)
Chuyên gia quân sự Andrew Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ có bài đánh giá về báo cáo mới này trên tờ The National Interest.(LINK)
7. Các thông tin khác
Viện Dự án 2049: Chuẩn bị cho cơn ác mộng: Sự sẵn sàng và hoạt động củ liên minh lâm thời ở eo biển Đài Loan (LINK)
Chuyên gia: Thúc đẩy làn sóng: Hướng tới chiến lược phối hợp về Biển Đông (LINK)
Bloomberg: Cuộc chiến nghề cá ở Biển Đông (LINK)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông (LINK)
Mỹ hạn chế hoạt động của nhà ngoại giao Trung Quốc (LINK)
Nikkei: Tập Cận Bình chuẩn bị một đợt thanh trừng khốc liệt mới (LINK)
Thân mến,
Duân
Lập trường trước đây của Mỹ......thiếu chữ “ trường” anh ơi
Cám ơn anh nhiều