5.1: Chuyển động quân sự, biên giới Việt - Trung, tân đại sứ Mỹ
Chào các bạn,
Đầu tiên, xin kính chúc các bạn một năm mới an khang, thịnh vượng! Không có nhiều chuyển động ở Biển Đông trong những ngày đầu năm. Bản tin hôm nay điểm qua một số sự kiện đáng chú ý ở khu vực trong những ngày qua!
1. Biển Đông, chuyển động quân sự
Trung Quốc ngày 5.1 tiến hành vụ thử nghiệm khá lạ thường, với việc thiết lập một vùng cấm bay trên một hành lang dài hơn 2.000 km ở miền bắc nước này. Chưa có chi tiết nào khác của vụ thử nghiệm được công bố.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4.1 ký lệnh động viên huấn luyện toàn quân cho năm 2022.
Các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc đã trở về cảng.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln lên đường thực hiện sứ mệnh triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với sự chỉ huy của nữ hạm trưởng tàu sân bay đầu tiên là đại tá Amy Bauernschmidt.
Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều tháng Mỹ lại có 3 tàu sân bay được triển khai cùng lúc, bao gồm tàu USS Carl Vinson ở Biển Philippines và tàu USS Harry Truman ở Địa Trung Hải.
Tàu chiến Bayern của Đức rời Singapore lên đường đến thăm TP.HCM. Dự kiến tàu sẽ đến vào ngày 6.1. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Đức ghé thăm Việt Nam.
Đầu năm 2022, tàu Hải cảnh 5302 tiếp tục thực hiện những chuyến lượn lờ gần mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh của Việt Nam. Nửa cuối năm 2021, các tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực này tập trung xâm nhập vùng biển Indonesia nên ít lượn lờ gần các giàn khai thác của Việt Nam. Đến nay chúng tiếp tục quay trở lại sau khi cuộc đối đầu với Indonesia khép lại.
2. Biên giới Việt - Trung
Nhiều đoạn clip về một vụ đối đầu nhỏ giữa lực lượng Việt Nam và Trung Quốc ở biên giới xuất hiện trên mạng trong vài ngày qua. Hình ảnh cho thấy các binh sĩ Trung Quốc trưng biểu ngữ và ném đá về phía Việt Nam.
Sự việc có vẻ như chỉ dừng lại ở đó song nó gợi nhớ về các vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới trong những năm gần đây, vốn leo thang nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Theo suy đoán của tôi, có vẻ như các đoạn clip được đăng tải theo chủ ý của Việt Nam, với mục đích công khai sự việc một cách không chính thức.
3. Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam tuyên thệ nhậm chức
Sau hơn 8 tháng kể từ khi vị trí đại sứ Mỹ tại Việt Nam bị bỏ trống, tân đại sứ Marc Knapper đã tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 4.1.
Theo tôi được biết, ông Knapper sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 1 nay, tức trước dịp Tết Nguyên đán.
4. Nhật Bản, Úc ký thỏa thuận quốc phòng
Ngày 6.1, Nhật Bản và Úc sẽ ký Hiệp định Tiếp cận tương hỗ (Reciprocal Access Agreement) nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.
Hiệp định sẽ mở đường cho lực lượng nước này được triển khai đến đến nước kia. Đây là hiệp định quốc phòng lớn đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với một nước khác ngoài đồng minh Mỹ.
Theo The Australian Financial Review:
Đại sứ Nhật Bản tại Úc Shingo Yamagami hoan nghênh thỏa thuận này. “Đây là một thỏa thuận lịch sử, mang tính bước ngoặt. Điều này sẽ có lợi cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì chắc chắn, nó sẽ làm tăng đáng kể khả năng răn đe ở khu vực này”, ông nói với The Australian Financial Review.
“Không có gì phải bàn cãi khi cả Nhật Bản và Úc đều coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất của họ. Nhưng việc tăng cường tiếp xúc, hợp tác chặt chẽ giữa Canberra và Tokyo là tốt cho khu vực.
“Úc và Nhật Bản là hai quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Khi nói đến các khu vực gây tranh cãi như Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông, Nhật Bản và Úc đang sống ở đó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đóng vai trò hàng đầu trong khu vực này để duy trì sự thượng tôn pháp luật".
Liên quan đến Nhật Bản, truyền thông nước này vừa tiết lộ Tokyo từng từ chối đề nghị của Đài Loan về việc chia sẻ thông tin tình báo về các chuyển động quân sự của Trung Quốc. Lý do được Tokyo đưa ra là hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Tuy nhiên, đề nghị này được đưa ra từ tháng 2.2019. Đến nay tình hình Đài Loan có nhiều chuyển biến với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này. Thời gian gần đây, các quan chức Nhật Bản cũng thường xuyên lên tiếng bình luận về vấn đề Đài Loan và ảnh hưởng của nó đối với an ninh của Nhật Bản hơn trước đây.
Duân