Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ ghi nhận một số chuyển động đáng chú ý của hải quân Mỹ và Trung Quốc ở khu vực trong hai ngày qua.
1. Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã quay trở lại Biển Đông vào sáng 4.4, sau vài tuần lễ hoạt động ở Ấn Độ Dương.
Hộ tống tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) là khu trục hạm USS Russell (DDG-59) và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52).
Đây là lần thứ ba nhóm tác chiến tàu sân bay này vào Biển Đông kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 20.1.
Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông gia tăng xung quanh sự hiện diện của nhiều tàu dân binh Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện tại, Nhật, Canada, Úc đều đang có tàu chiến được triển khai hoạt động ở Biển Đông.
2. Tàu Liêu Ninh tiến ra Biển Philippines
Tối 4.4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống đã băng qua eo biển Miyako tiến ra Biển Philippines vào đêm trước đó.
Hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh là tàu khu trục Type 055 Nam Xương (101), 2 tàu khu trục Type 052D Thái Nguyên (131) và Thành Đô (120), tàu hộ vệ Type 054A Hoàng Cương (577) và tàu tiếp vận Type 901A Hô Luân Hồ.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên tàu khu trục Type 055 xuất hiện trong đội hình hộ tống của tàu sân bay Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh của Sentinel 2 ghi nhận một nhóm 4 tàu chiến xuất hiện ở khu vực Biển Philippines trong ngày 4.4. Tuy nhiên, tàu Liêu Ninh không được nhìn thấy trong nhóm tàu này, nhiều khả năng do mây che phủ.
Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh băng qua eo Miyako kể từ tháng 4.2020. Khi đó, nhóm tàu Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Ba Sỹ để tiến vào Biển Đông. Thời điểm đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang bị tê liệt vì ổ dịch bùng phát trên tàu.
Nếu tàu Liêu Ninh vào Biển Đông, đây sẽ là lần đầu tiên hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc cùng có mặt tại khu vực.
Cũng vào trung tuần tháng 4.2020, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống đã tiến xuống hoạt động ở phía nam quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Như đã đưa trong bản tin trước, tàu Hải Dương Địa Chất 8 lúc này đã ra khơi trở lại sau nhiều tháng nằm bờ. Tuy nhiên, sau khi đến khu vực đông nam đảo Hải Nam ngày 3.4, tàu này đã hướng trở lại khu vực Quảng Châu trong sáng nay.
3. Quần đảo Trường Sa
Liên quan đến sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc ở Trường Sa, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 4.4 tiếp tục leo thang đấu khẩu với Bắc Kinh khi đưa ra một tuyên bố lên án mới.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai ngày ông Lorenzana đưa ra tuyên bố cứng rắn với phía Trung Quốc.
Về Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc biện minh cho sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở Đá Julian Felipe (WPS)
Việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hoàn toàn coi thường luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS mà Trung Quốc tham gia thật kinh khủng. Tuyên bố về đường chín đoạn của họ không có bất kỳ cơ sở thực tế hoặc pháp lý nào. Điều này, cùng với cái gọi là yêu sách lịch sử của họ, đã bị tòa trọng tài bác bỏ thẳng thừng và dứt khoát.
Các yêu sách của Philippines có cơ sở vững chắc trong khi Trung Quốc thì không.
Trung Quốc nên tôn trọng chủ quyền của Philippines đối với Quần đảo Kalayaan, và các quyền chủ quyền của nước này đối với Vùng đặc quyền kinh tế theo định nghĩa của UNCLOS và được khẳng định bằng phán quyết của trọng tài.
Sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm các địa điểm ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi một phần Biển Đông). Họ đã làm điều này trước đây tại Bãi cạn Panatag, còn gọi là Bajo de Masinloc, và tại Bãi Panganiban (Đá Vành Khăn) vi phạm trắng trợn chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines theo luật pháp quốc tế.
Với tư cách là một bên của DOC, Trung Quốc nên hạn chế tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Không chỉ liên tục phản đối Trung Quốc bằng các tuyên bố cứng rắn, Philippines có vẻ như cũng đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa để thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 3.4, một máy bay C-295 của Philippines đã tiến hành chuyến bay trinh sát qua hầu hết các địa điểm do Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, với sự hiện diện của ít nhất một phóng viên của trang ABS CBN.
Theo nguồn tin của tôi, máy bay Philippines đã bay rất sát các thực thể Đá Gaven, Đá Huy Gơ và Đá Gạc Ma, chỉ cách vài km.
Có lẽ cam kết của Mỹ về việc áp dụng hiệp ước phòng thủ chung ở Biển Đông đã thúc đẩy Philippines tiến hành những hành động quyết liệt hơn với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, diễn biến này có thể sẽ khiến nguy cơ Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ xuống quần đảo Trường Sa gia tăng.
Trong ngày 3.4, quân đội Philippines cũng làm rõ thông tin liên quan đến cấu trúc phi pháp của Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn. Theo đó, hiện chưa có công trình nào mới ngoài các căn cứ phi pháp ở Đá Gạc Ma và Đá Huy Gơ, đúng như nhận định trong newsletter ngày 3.4.
Duân
Tàu Sơn Đông vào BĐ khi nào vậy AD. Tôi đã cố gắng tìm lại thông tin các bản tin của AD gần đây. Nhưng không thấy bản tin nào có nhắc đến tàu Sơn Đông