Xin chào,
Hôm qua 4.6 là ngày kỷ niệm 31 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, nên có nhiều hoạt động tưởng niệm diễn ra trên thế giới và nhiều tuyên bố được đưa ra, đặc biệt là màn thắp nến tưởng niệm ở Hồng Kông bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người.
Trong số đó tôi chú ý đến vài sự kiện nổi bật dưới đây.
I. Thiên An Môn + Trung Quốc
1. Liên minh nghị viện về Trung Quốc
Đúng ngày kỷ niệm Thiên An Môn, 18 nghị sĩ ở 8 quốc gia và Nghị viện Châu Âu đã thông báo thành lập Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC).
Trong phần giới thiệu, IPAC cho biết liên minh hiện có 18 đồng chủ tịch, 11 cố vấn và ban thư ký 5 người. Nhóm nghị sĩ này thuộc 8 quốc gia Mỹ, Anh, Úc, Canada, Đức, Nhật, Na Uy, Thụy Điển và cả Nghị viện châu Âu.
Các gương mặt đáng chú ý trong số đó gồm có Quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Marco Rubio, Thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh Iain Duncan Smith, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani...
Sẽ có nhiều nghị sĩ khác gia nhập và nhiều chi tiết khác được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, IPAC hiện xác định hoạt động chủ yếu là theo dõi các diễn biến liên quan, hỗ trợ các nhà làm luật xây dựng phản ứng thích đáng và đồng bộ, và giúp kiến thiết cách tiếp cận chủ động và chiến lược với những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Các hoạt động này tập trung vào 5 lĩnh vực: Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, Bảo vệ nhân quyền, Thúc đẩy thương mại công bằng, Tăng cường an ninh và Bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia.
Nhìn chung, IPAC được thành lập một cách khá bài bản và được đón nhận một cách tích cực sau khi ra mắt.
2. Khu trục hạm USS Russell của Mỹ băng qua eo biển Đài Loan
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tuần tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan và hoạt động này chắc chắn đã được dự tính nhằm chuyển thông điệp đến Trung Quốc đúng ngày 4.6.
Theo phía Đài Loan, tàu Russell di chuyển theo phía nam từ Hoa Đông xuống Biển Đông.
3. Thông tri về nguy cơ từ việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc
Như kế hoạch vạch ra trong bài phát biểu về Trung Quốc vào tuần trước, ngày 4.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố "Thông tri về việc bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ trước những rủi ro đáng kể từ các công ty Trung Quốc".
Thông tri này lệnh cho Nhóm công tác của tổng thống về Thị trường tài chính (Presidential Working Group on Financial Markets) trong vòng 60 ngày phải đệ trình báo cáo khuyến nghị các biện pháp nhằm bảo vệ nhà đầu tư Mỹ trước rủi ro từ các công ty Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra tuyên bố cảnh báo các nhà đầu tư Mỹ về hoạt động kế toán "gian lận" của các công ty Trung Quốc, ca ngợi Nasdaq siết chặt kiểm soát hoạt động niêm yết và xem đây là hình mẫu cho các sàn chứng khoán trên thế giới.
4. Tin tặc Trung Quốc tấn công chiến dịch tranh cử của Trump, Biden
Google sáng nay tiết lộ các tin tặc có sự hậu thuẫn của chính quyền ở Trung Quốc đã triển khai tấn công mạng vào chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng họ tấn công thành công.
5. Thêm nghi vấn về nguồn gốc vi rút Vũ Hán
Cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Dearlove hôm 4.6 gây xôn xao khi viện dẫn nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh và Na Uy và nói rằng có thể vi rút Vũ Hán bắt nguồn từ một tai nạn ở phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, chính phủ Anh sau đó đã cực lực bác bỏ, nói rằng câu chuyện của ông Dearlove chỉ là "tưởng tượng".
Cùng ngày, trang Bulletin of the Atomic Scientists đăng bài viết nói rằng "rất có thể" vi rút xuất phát từ một chương trình nghiên cứu về dơi ở phòng thí nghiệm của Trung Quôc.
Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ nêu ra các nghi vấn và không có bằng chứng nào.
Cho đến khi có một cuộc điều tra được tiến hành, khó mà có được một kết luận dứt khoát về nguồn gốc vi rút. Thế nên, tôi chỉ nêu các thông tin được đăng tải về vấn đề này như một sự tham khảo.
6. Tiểu tổ lãnh đạo trung ương về Hồng Kông và Ma Cao
Tờ Caixin đưa tin Trung Quốc đã nâng cấp Tiểu tổ điều phối trung ương về Hồng Kông và Ma Cao lên thành Tiểu tổ lãnh đạo trung ương về Hồng Kông và Ma Cao.
Dàn lãnh đạo của tiểu tổ này đã ra mắt trong cuộc họp với Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 3.6.
Đứng đầu tiểu tổ này vẫn là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Hàn Chính.
Hai cấp phó là Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Thạch và Giám đốc Văn phòng sự vụ Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện Hạ Bảo Long.
II. Bộ tứ Kim cương (QUAD)
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison ngày 4.6, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký kết nhiều thỏa thuận, tuyên bố.
Đáng chú ý trong đó là Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần tương hỗ (MLSA) cho phép hai bên tiếp cận cơ sở quân sự của nhau và Tuyên bố chung về tầm nhìn chung về hợp tác biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
(Nhân đây, xin được đính chính một chi tiết sai trong Newsletter của tôi ngày 3.6 rằng Úc là nước cuối cùng trong Quad ký thỏa thuận hậu cần với Ấn Độ. Sự thực là Ấn Độ và Nhật Bản vẫn chưa ký thỏa thuận này.
Hai bên vốn có kế hoạch ký tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 năm ngoái nhưng hội nghị bị hoãn vì tình hình biểu tình ở Ấn Độ khi đó. Tôi vì chủ quan nên cứ nghĩ hai nước ký rồi. Xin được cáo lỗi!)
Tuy nhiên, có một diễn biến rất đáng chú ý liên quan đến Ấn Độ và Úc lại chính là thứ không được nhắc đến tại hội nghị thượng đỉnh.
Đó là việc tờ The Hindu đưa tin Ấn Độ có thể chuẩn bị mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar thường niên.
Đây là cuộc tập trận ba bên Ấn, Nhật, Mỹ. Sau khi Nhật trở thành bên tham gia thường xuyên từ năm 2015, Úc liên tục đề nghị được cùng tham gia.
Tuy nhiên, New Delhi luôn từ chối vì lo ngại sự nghi kỵ từ Trung Quốc, đặt biệt trong bối cảnh "Bộ tứ Kim cương" (Quad) hồi sinh.
Năm 2019, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ từng thừa nhận việc mời Úc tham gia Malabar sẽ là một “thông điệp chính trị” gửi đến Trung Quốc mà Ấn Độ chưa sẵn sàng lúc đó.
Sự xuất hiện của Úc ở Malabar sẽ tạo ra diện mạo của một liên minh quân sự cho "Bộ tứ Kim cương" và bổ sung cơ bắp cho khuôn khổ này.
Vì thế, quyết định của New Delhi có thể sẽ mang tính bước ngoặt đối với "Bộ tứ Kim cương".
Chưa rõ lý do cho quyết định này có chịu ảnh hưởng từ căng thẳng biên giới Ấn - Trung gần đây hay không.
Hoàn toàn có thể là ngược lại, chính Trung Quốc châm ngòi khủng hoảng với Ấn Độ để gây sức ép cản trở Ấn Độ dấn sâu hơn vào Bộ tứ Kim cương, mà Bắc Kinh luôn xem là "liên minh chống Trung Quốc".
Theo tờ The Hindu, quyết định cuối cùng sẽ được Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ và Bộ Ngoại giao đưa ra sau khi tham vấn Bộ Quốc phòng.
Hãy chờ xem, rốt cuộc Bộ tứ Kim cương có vươn vai trở thành một anh chàng cơ bắp thực thụ hay không!
III. Chuyển động quân sự
- Trưa nay 5.6, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) quay trở lại quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản.
- Trong khi đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) hôm qua đã rời Guam lên đường tiếp tục chuyến triển khai bị rối loạn vì Covid-19 tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
CVN 71 trở lại Guam một ngày trước đó để đón số thủy thủ vừa hồi phục và đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ trên tàu.
- Hãng ảnh vệ tinh Maxar hôm qua đăng hình chụp tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc ở Hoàng Hải ngày 2.6 bằng vệ tinh WorldView-1. Đáng chú ý trên tàu không có chiến đấu cơ nào.
- Sử dụng vệ tinh Sentinel-2, tôi cũng thu được hình ảnh tàu Sơn Đông đang từ Hoàng Hải hướng đến Bột Hải ngày 2.6, chuẩn bị cho đợt huấn luyện kế tiếp.
Tôi sẽ kết thúc bản tin hôm nay bằng một thông tin giới thiệu miễn phí :-)
Noble Clyde Boudreaux là giàn khoan nửa chìm nửa nổi, kích thước 97,2 x 64,2 m. Đây là giàn khoan của tập đoàn Noble có trụ sở ở Anh.
Hạ tuần tháng 4, giàn khoan này được kéo từ Myanmar đến Vũng Tàu và neo ở đây cho đến nay.
Theo Noble, giàn khoan có hợp đồng thực hiện chương trình khoan cho một công ty không nêu tên hoạt động ở Việt Nam trong khoảng 2 tháng.
Trang thông tin chuyên về hoạt động dầu khí Upstream sau đó tiết lộ thêm, công ty giấu tên là một công ty Nga và chương trình sẽ được triển khai trong tháng 6 và tháng 7.
Tất cả thông tin nói trên đều là thông tin từ nguồn mở.
Thân ái,
Duân
Hi Duân, cám ơn bạn rất nhiều.
Tks bạn rất nhiều