Tàu sân bay
Ngày 6.10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nhóm tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã quay trở lại Biển Đông trong cùng ngày sau 10 ngày huấn luyện ở Biển Philippines.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp chi tiết về vị trí, thành phần và hoạt động của nhóm tàu Sơn Đông trong đợt huấn luyện thứ ba ở Tây Thái Bình Dương trong năm nay.
Nhóm tàu này bao gồm:
Tàu sân bay Sơn Đông.
Hai tàu khu trục Type 055: Đại Liên (105) và Diên An (106).
Ba tàu khu trục Type 052D: Tô Châu (132), Quế Lâm (164), Trường Sa (173).
Ba tàu hộ vệ Type 054A: Chu Sơn (529), Hứa Xương (536), Hoàng Sơn (570).
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 901: Tra Can Hồ (905).
Tổng cộng có 10 tàu trong nhóm tác chiến tàu sân bay đợt này. Đây là số lượng cao nhất trong các đợt huấn luyện tàu sân bay của Trung Quốc.
Ngoài ra, tổ chức của nhóm tàu lần này không chỉ bao gồm tàu của Hạm đội Nam Hải mà còn có cả hai tàu của Hạm đội Đông Hải là Tô Châu và Chu Sơn.
Tàu Sơn Đông và tàu Hoàng Sơn - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Một điểm đáng chú ý khác là nhóm tàu Trung Quốc tiến hành đến 420 đợt cất/hạ cánh của chiến đấu cơ và 150 đợt cất/hạ cánh của trực thăng. Trung bình một ngày có 63,3 đợt cất/hạ cánh của máy bay, cao hơn so với con số trung bình 35,8 trong đợt huấn luyện vào tháng 4 năm nay.
Phía Nhật Bản đã triển khai ba tàu khu trục JS Sazanami (DD-113), JS Samidare (DD-106) và JS Umigiri (DD-158) để theo dõi hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc trong đợt này.
Trong khi đó, cũng tại Biển Philippines, hai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) và USS Carl Vinson (CVN-70) đã tiến hành đợt tập trận chung cùng với tàu JS Huyga của Nhật Bản từ ngày 4 đến 7.11 ở khu vực phía nam Okinawa.
Di chuyển của các nhóm tàu sân bay ở Biển Philippines
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các tàu tham gia bao gồm:
Nhật Bản: JS Huyga
Nhóm tác chiến Ronald Reagan: USS Ronald Reagan (CVN-76), hai tàu tuần dương USS Antietam (CG-54) và USS Robert Smalls (CG-62), và tàu khu trục USS Shoup (DDG-86).
Nhóm tác chiến USS Carl Vinson (CVN-70): USS Carl Vinson (CVN-70), tàu tuần dương USS Princeton (CG-59) và bốn tàu khu trục USS Hopper (DDG-70), USS Kidd (DDG-100), USS Sterett (DDG-104) và USS William P. Lawrence (DDG-110).
Đảo Ba Bình
Truyền thông Đài Loan ngày 6.11 tiết lộ chi tiết đáng chú ý về tình hình căng thẳng liên quan đến hoạt động tự do hàng hải của tàu khu trục Mỹ USS Dewey ở quần đảo Trường Sa ngày 3.11.
Cụ thể, theo tờ Liên Hợp báo, sau khi tàu Dewey đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng vào sáng ngày 3.11, một tàu chiến Trung Quốc cũng đi vào khu vực này. Một số lượng lớn tàu dân binh Trung Quốc cũng xuất hiện ở gần Ba Bình vào buổi chiều.
Sự xuất hiện của tàu chiến Trung Quốc và tàu dân binh trong khu vực 12 hải lý của Ba Bình khiến lực lượng Đài Loan đóng trên đảo đặt vào tình trạng báo động cao.
Hình ảnh vệ tinh ngày 3.11 cho thấy một nhóm tàu dân binh Trung Quốc đang di chuyển về hướng nam gần Ba Bình khi tàu USS Dewey đang ở trong khu vực 12 hải lý. Trong khi đó, một tàu chiến Trung Quốc từ Đá Chữ Thập di chuyển tốc độ cao về hướng Ba Bình.
Đây là lần hiếm hoi căng thẳng liên quan đến Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ xảy ra ở Ba Bình. Nó cũng cho thấy tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và Đài Loan có tiềm năng sẽ lan đến cả Trường Sa, làm phức tạp cục diện khu vực.
Trả lời chất vấn của các nghị sĩ vào ngày 6.11, Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan Thái Minh Ngạn cho biết tuần duyên đã báo cáo sự việc cho Bộ Ngoại giao. Ông Thái cũng cho biết tuần duyên Đài Loan sẽ dẫn triển khai các tàu tuần tra lớn hơn đến Ba Bình trong tương lai, kể cả tàu 3.000 tấn.
Duân,