Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ bao gồm các thông tin tàu đổ bộ tấn công của Mỹ USS Makin Island vào Biển Đông, Anh, Pháp tăng cường hiện diện ở khu vực, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì Hồng Kông…
I. Biển Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
1. Tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island đến Biển Đông
Thông tin này được tổ chức Sáng kiến Tìm hiểu tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc công bố hôm 6.11, dựa theo tín hiệu AIS.
Theo SCSPI, tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp USS Makin Island (LHD 8) đã vào Biển Đông qua eo Ba Sĩ trong khi tàu đổ bộ đường biển lớp San Atonio USS Somerset (LPD 25) từ Biển Philippines tiến vào khu vực qua eo biển Surigao và eo biển Đảo Verde.
Máy bay trên tàu USS Makin Island - Ảnh: Hải quân Mỹ
USS Makin Island và USS Somerset thuộc Nhóm Sẵn sàng tác chiến Đổ bộ đường biển (ARG) Makin Island, với Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh 15 (MEU 15) được triển khai đến Tây Thái Bình Dương trong đợt này.
Tàu đổ bộ đường biển USS Somerset vào Biển Đông qua eo biển Đảo Verde.
Một tàu khác thuộc nhóm này là tàu đổ bộ đường biển lớp San Atonio USS San Diego (LPD 22) cũng được triển khai nhưng hiện chưa rõ vị trí. Tàu USS San Diego từng có lần ghé cảng Cam Ranh vào tháng 8.2017.
Đây là lần đầu tiên một nhóm tàu chiến lớn của Mỹ tiến vào Biển Đông kể từ trung tuần tháng 10, khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông tập trận lần thứ ba trong năm.
Như thường lệ, mỗi khi có nhóm tàu chiến Mỹ vào Biển Đông, sáng nay một máy bay trinh sát điện tử RC-135W Rivet Joint và một máy bay tuần tra P-8 Poseidon đã lượn lờ ở khu vực phía bắc Biển Đông.
Cuối tuần qua, 3 oanh tạc cơ B-1B đã đến căn cứ Andersen ở đảo Guam như một phần đợt triển khai mới của chương trình Biệt đội ném bom (Bomber Task Force-BTF), theo tài khoản Twitter chuyên theo dõi hoạt động máy bay quân sự Mỹ Aicraft Spots.
Trong hôm qua, 2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 từ căn cứ Andersen đã di chuyển đến căn cứ Kadena ở Okinawa. Hai chiếc máy bay này là một phần của 7 chiếc F-22 được triển khai đến Guam trước đây.
Trong khi đó, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher C. Miller đã đến Indonesia vào tối qua trong chuyến công du khu vực mà theo kế hoạch sẽ bao gồm các chặng dừng ở Philippines và đại bản doanh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến do Việt Nam chủ trì từ 9-10.12.
2. Anh, Pháp tăng cường hiện diện ở khu vực, tập trận cùng Mỹ, Nhật
Nhật Bản, Pháp và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển lần đầu tiên vào tháng 5 năm tới giữa lúc quân đội Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trong khu vực, theo tờ Sankei ở Nhật Bản hôm 6.12.
Các cuộc tập trận, được tiến hành tại một trong những hòn đảo xa xôi không có người ở của Nhật Bản, sẽ tập trung vào việc cung cấp các nỗ lực cứu trợ trong thảm họa thiên nhiên, nhưng một số hạng mục cũng có thể tạo cơ sở cho việc phòng thủ chống lại các cuộc tấn công, tờ báo cho biết mà không trích dẫn nguồn.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện chưa trả lời yêu cầu xác nhận.
Các cuộc tập trận chung nhằm mục đích chống lại Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền các đảo do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông, tờ báo cho biết.
“Chúng tôi muốn chứng tỏ sự hiện diện của mình với khu vực và gửi thông điệp về hợp tác Nhật-Pháp”, Đô đốc Pierre Vandier, tham mưu trưởng hải quân Pháp, nói với Sankei.
“Đây là một thông điệp nhằm vào Trung Quốc. Đây là một thông điệp về quan hệ đối tác đa phương và quyền tự do qua lại”.
Truyền thông Nhật Bản cuối tuần qua cũng tiết lộ kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực vào đầu năm tới.
Hôm thứ Bảy, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết hải quân Anh sẽ cử một nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển gần Nhật Bản vào đầu năm tới trong một diễn biến hiếm hoi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trên biển ở khu vực.
Nhóm tác chiến, bao gồm cả tàu sân bay Queen Elizabeth, dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong thời gian lưu lại khu vực, bao gồm vùng ngoài khơi quần đảo Nansei ở tây nam Nhật Bản, các nguồn tin cho biết.
...
Theo nguồn tin, hải quân Anh cũng có kế hoạch tiến hành bảo dưỡng máy bay chiến đấu tàng hình F-35B trên tàu sân bay tại hệ thống hàng không vũ trụ của Mitsubishi Heavy Industries Ltd. ở tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản.
Năm ngoái, Anh đã thông báo sẽ cử nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương và kể từ đó đã đàm phán với Nhật Bản và các nước liên quan khác.
3. Các tin tức khác
Mỹ sẽ tiến hành Cuộc tập trận quy mô (LSE 21) lớn với sự tham gia của nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay và hạm đội trong năm 2021.
Tờ The Washington Post đưa tin Quốc hội Mỹ đã đồng ý phân bổ 2,2 tỉ đô la cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương như một phần của Dự luật Ủy quyền Quốc phòng.
Chương trình trọng tâm hàng đầu về Trung Quốc trong dự luật quốc phòng là Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương mới, nhằm thiết lập một cách tiếp cận toàn khu vực để chống lại Trung Quốc trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của họ. Nguồn cảm hứng của chương trình đến từ Sáng kiến răn đe châu Âu, được khởi động vào năm 2014 nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ để giúp bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự xâm lược của Nga.
Sáng kiến mới được tài trợ 2,2 tỷ đô la cho năm đầu tiên - một phần nhỏ so với tổng số 740,5 tỷ đô la của dự luật - và nhìn chung được giao trách nhiệm nâng cao thế trận phòng thủ, khả năng và các liên minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Nhưng các trợ lý cho các nghị sĩ thuộc các ủy ban quân vụ thừa nhận rằng cách thức triển khai sáng kiến sẽ phụ thuộc phần lớn vào những gì chính quyền Biden quyết định thực hiện với nó.
Chương trình Quan sát lãnh đạo Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Hoover về chiến tranh, cách mạng và hòa bình ở Đại học Standford có bài viết “Vai trò đang phát triển của PLA trong Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc” trong đó điểm lại một số hoạt động của PLA ở Biển Đông trong năm nay.
Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) công bố báo cáo về hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc tại các khu vực điểm nóng ở nam Biển Đông như Bãi Tư Chính, cụm bãi cạn Luconia, bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây trong nhiều tháng qua.
Hoạt động của hai tàu hải cảnh 5402 và 5204 ở gần Bãi Tư Chính vốn đã được giới quan sát Việt Nam theo dõi và cập nhật chi tiết trong nhiều tháng nay.
Liên quan đến hải cảnh Trung Quốc, tờ The Economist có bài viết về dự luật hải cảnh mới của nước này: “Luật mới sẽ tháo xích hải cảnh Trung Quốc ở xa bờ”.
Thời hạn lấy ý kiến dư luận về dự luật hải cảnh mới đã trôi qua vào ngày 3.12.
Tờ South China Morning Post cuối tuần qua đã trích dẫn các phân tích từ ấn bản mới nhất của tạp chí chuyên về hải quân ở Trung Quốc Hạm thuyền tri thức (Naval and Merchant Ships).
Một trong số đó phân tích các điểm yếu của các căn cứ đảo nhận tạo ở Biển Đông trong việc duy trì, phòng thủ và triển khai lực lượng.
Một bài viết khác tập trung vào vai trò của chúng trong mạng lưới thông tin liên lạc ở Biển Đông.
Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lần đầu xác nhận Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo chống hạm nhắm vào tàu đang di chuyển. Cuộc thử nghiệm này là một phần các cuộc tập trận lớn trong mùa hè qua.
Đọc thêm:
Tàu tấn công Type 075 của Trung Quốc đến Biển Đông với thông điệp từ Bắc Kinh
II. Mỹ - Trung
1. Mỹ đẩy mạnh trừng phạt giới chức Trung Quốc
Hãng Reuters vừa có bài viết độc quyền tiết lộ Mỹ chuẩn bị trừng phạt đến 14 quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vì vai trò của họ trong việc bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập ở Hồng Kông. Thông báo có thể được đưa ra trong tuần này.
Những người bị trừng phạt bao gồm quan chức thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) và quan chức Hồng Kông. Các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng là đóng băng tài sản và trừng phạt tài chính.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Lật Chiến Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, có nằm trong danh sách trừng phạt nói trên hay không.
Nếu danh sách có ông Lật, đây sẽ là lần đầu tiên một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bị trừng phạt.
Với vị trí Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Lật giữ ghế thứ ba trong dàn lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay.
Trước đây, một ủy viên Bộ Chính trị là Bí thư khu ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc đã bị trừng phạt vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị này.
Liên quan đến Hồng Kông, sáng nay có thêm 8 người bị bắt liên quan đến một cuộc biểu tình ở Đại học Trung văn Hồng Kông vào tháng trước.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thông báo trừng phạt các quan chức ở Ban Công tác Mặt trận thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông báo của ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực "đối với các quan chức Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các cá nhân tích cực trong các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, những người đã tham gia vào việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực thể chất, đánh cắp và tiết lộ thông tin cá nhân, gián điệp, phá hoại hoặc can thiệp ác ý vào các vấn đề chính trị nội bộ, tự do học thuật, quyền riêng tư cá nhân hoặc hoạt động kinh doanh".
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cung cấp danh sách cụ thể các quan chức bị trừng phạt theo diện này.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hủy bỏ 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc với cáo buộc chúng là “công cụ tuyên truyền sức mạnh mềm”.
2. Tình báo Mỹ: Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia số 1
Tuần trước, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe có bài viết đáng chú ý trên tờ The Wall Street Journal. Trong đó, ông mô tả Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ.
Đáng chú ý là trong bài viết này, ông Ratcliffe tố cáo Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm sinh học để phát triển “siêu chiến binh”.
Đọc thêm:
Nikkei: Tài chính toàn cầu trở thành nạn nhân của phần mềm gián điệp Trung Quốc
Thân mến,
Duân
Pháp hiện tại đang vật lộn với Covid, người chết hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, ngân khố rỗng tuếch, nợ công ngập đầu. Bao nhiêu lâu cố gắng giữ mức nợ dưới 100% GDP, Covid vào một cái, đến giờ đã nhảy vọt lên trên 120% GDP, và tiếp tục tăng nhanh. Ốc không mang nổi mình ốc, làm gì có sức mà "hiện diện" với chả "thông điệp". Chủ yếu là thả thính dụ chính quyền Biden thôi.
Lần thứ 2 tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh bị nước ngập lênh láng, phải mất ít nhất 6 tháng để sửa chửa. Nếu truyền thông Nhật đưa tin Anh triển khai tàu này đầu năm sao, phải chăng là để nằm ụ ở Nhật để sửa chữa?
Hàng không mẫu hạm của Anh mới biên chế đã gặp hàng loạt sự cố, Nhật mà thầu sửa chữa tàu này thì tha vồ vớ bở.
https://vnexpress.net/tau-san-bay-4-ty-usd-cua-anh-ngap-lenh-lang-vi-vo-ong-nuoc-4203814.html