7.2: Chuyển động Biển Đông, Quad, Indonesia, chiến lược kinh tế của Biden
Xin chào các bạn,
Bản tin sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ điểm lại một số hoạt động đáng chú ý diễn ra trong thời gian này.
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc dường như khá im ắng trong những ngày đầu năm mới âm lịch và thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Không có hoạt động quân sự lớn nào được thông báo trong thời gian này.
Trong những ngày qua, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đã rời Biển Đông trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hiện đã rời khu vực Tây Thái Bình Dương và đang trên đường trở về Mỹ, kết thúc chuyến triển khai đến khu vực.
Tuy nhiên, ngoài tàu USS Abraham Lincoln, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện của hai tàu đổ bộ tấn công USS America và USS Essex ở khu vực.
Hiện cả ba tàu này đều đang tham gia cuộc tập trận Noble Fusion cùng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Trong dịp Tết, Mỹ tiến hành nhiều chuyến bay trinh sát ở khu vực quần đảo Trường Sa nhưng vẫn chưa rõ có gì diễn biến gì mới ở khu vực này khiến Mỹ phải gia tăng số lượng các chuyến bay trinh sát hay không.
Liên quan đến việc trục vớt xác chiếc chiến đấu cơ F-35C bị rơi ở Biển Đông, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, vốn phụ trách điều phối cảnh báo hàng hải ở khu vực này, đã phát đi cảnh báo về hoạt động trục vớt ở địa điểm có tọa độ 17 độ 50 phút vĩ Bắc và 117 độ 36 phút kinh Đông.
Vị trí này phù hợp với di chuyển được ghi nhận của tàu sân bay USS Carl Vinson khi xảy ra sự cố rơi máy bay ngày 25.1.
Liên quan đến cuộc chạy đua trục vớt, tờ Daily Caller ngày 2.2 dẫn hai nguồn tin tiết lộ các tàu cứu hộ Trung Quốc đã rời cảng ngày 1.2 và hướng đến vị trí rơi của máy bay.
Trong khi đó, một đoạn clip ghi lại cảnh chiếc F-35C gặp sự cố khi hạ cánh đã rò rỉ trên mạng từ ngày 6.2.
2. Biển Đông
Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ The Sydney Morning Herald, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cảnh báo Úc và các đồng minh sẽ thua trong thập niên tới trừ khi họ đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Dutton cho biết Mỹ và các đồng minh trước đây đã “nhượng bộ” Bắc Kinh trong tuyến đường biển tranh chấp, cho phép nước này xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ phòng thủ trên các rạn san hô.
Ông nói ông tin rằng điều quan trọng là phải lên tiếng về Trung Quốc vì hai lý do chính: để giáo dục công chúng Úc và đảm bảo không lặp lại việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông như trong thập niên qua.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã mất một khoảng thời gian đáng kể khi Trung Quốc đưa ra những đảm bảo về hoạt động của họ ở Biển Đông”, ông Dutton nói.
“Và Mỹ và các nước khác đã mặc nhận và cho phép quân sự hóa đến mức Trung Quốc hiện có 20 điểm hiện diện trên Biển Đông, điều này không giúp ích gì cho sự ổn định trong khu vực.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia thời chính quyền Trump HR McMaster mới đây cũng lên tiếng tố cáo Bắc Kinh tiến hành “vụ cướp đất lớn nhất trong lịch sử” thông qua các vụ xâm chiếm lãnh thổ ở khu vực.
Quad
Những phát biểu này được đưa ra giữa lúc các Ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ (Quad) chuẩn bị nhóm họp ở Úc từ ngày 11-12.2.
Nhân dịp này, chuyên gia Michael Heazle thuộc Viện Griffith Asia có bài viết trên trang The Strategist kêu gọi các nước Quad hãy hỗ trợ các nước Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia tăng cường năng lực tuần duyên để chống lại các hoạt động vùng xám của Trung Quốc.
Indonesia
Theo dự kiến, Indonesia sẽ tổ chức cuộc họp của người đứng đầu lực lượng chấp pháp trên biển của các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông vào tháng 2 này, với mục đích là chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ sự đoàn kết và tìm ra cách thưc chống lại hoạt động "vùng xám" của Trung Quốc.
Vào đầu tháng 2, quân đội Indonesia thông báo thành lập Bộ tư lệnh Hạm đội Indonesia (Koarmada RI) để đối phó với các thách thức trên biển, bao gồm khu vực Biển Đông, theo hãng tin Antara.
Liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí của Indonesia, người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động dầu khí SKK Migas, ông Dwi Soetjipto mới đây khẳng định Jakarta sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò và khai thác ở khu vực phía bắc đảo Natuna bất chấp những phản đối từ Trung Quốc, theo Energy Voice.
“Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục thực hiện các hoạt động ở đó mà không gây ồn ào”, Chủ tịch SKK Migas, Dwi Soetjipto cho biết trong cuộc điều trần với Ủy ban Hạ viện VII về năng lượng và khai thác vào ngày 2.2.
Ông nói thêm rằng Harbour Energy, nhà điều hành Lô Tuna ở Biển Natuna, nơi gần đây đã phát hiện ra tiềm năng dầu khí, đang tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch phát triển (POD).
3. Mỹ - Trung
Tờ The Wall Street Journal ngày 6.2 tiết lộ chính quyền Tổng thống Biden chuẩn bị công bố chiến lược kinh tế cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc.
Chính quyền Biden đang chuẩn bị công bố chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một động thái được chờ đợi bởi các đồng minh của Mỹ và các nhóm doanh nghiệp Mỹ, những người không lo lắng về việc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới, Mỹ đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thân thiện về các vấn đề bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. Khuôn khổ này nhằm mục đích lấp đầy lỗ hổng trong chiến lược châu Á của Mỹ do việc rời khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, một hiệp định thương mại mạnh mẽ mà Mỹ đã giúp thiết kế như một đối trọng với Trung Quốc.
Mặc dù chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được công bố, nhưng khuôn khổ dự kiến sẽ không cố gắng đưa Mỹ trở lại TPP. Một bộ phận các nhà kinh tế, nhà ngoại giao và chuyên gia thương mại cho biết chính quyền phải đối mặt với một cuộc chiến trong việc tạo ra một hiệp ước hiệu quả, tập hợp nhiều nền kinh tế châu Á để thiết lập các quy tắc tham gia cho thương mại và công nghệ mới.
Dự kiến, khuôn khổ sẽ được công bố “trong vòng vài tuần”, Sarah Bianchi, Phó đại diện Thương mại Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết tại một hội nghị thương mại gần đây.
Duân