Chào các bạn,
Trong tình hình hiện nay, chỉ cần bỏ lỡ vài ngày là bạn sẽ bị ngập lụt trong dòng chảy ngồn ngộn tin tức.
Nên trong Newsletter này tôi sẽ cố gắng viết ngắn nhất có thể. Và hãy bắt đầu bằng những tin tức mới nhất trong ngày!
I. PHÂN LY CÔNG NGHỆ
1. Tổng thống Trump xử lý TikTok và Wechat
Có nhiều vấn đề pháp lý cần phải làm rõ liên quan đến hai sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump công bố vào sáng nay.
Nhưng nội chung chính là cấm mọi giao dịch liên quan đến TikTok của Bytedance và Wechat của Tencent, sau 45 ngày kể từ hôm nay.
Không rõ cấm giao dịch (transaction) chỉ là cấm mua bán các ứng dụng này như Microsoft đang đàm phán mua lại TikTok hay bao gồm cả cấm giao dịch giữa các ứng dụng này và người sử dụng.
Nhà báo Nicholas Wadhams của Bloomberg có nêu một số chi tiết đáng chú ý về vấn đề này trên Twitter:
Nhưng rõ ràng việc nhắm vào Wechat là một bước leo thang lớn, bởi sự ảnh hưởng của ứng dụng này rộng lớn hơn nhiều so với TikTok, đặc biệt với cộng đồng người Hoa ở Mỹ.
2. Mạng lưới Sạch (Clean Network)
Những động thái hướng đến cuộc phân ly về công nghệ vốn đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo trước đây và mới nhất là trong tuyên bố về chương trình Mạng lưới Sạch (Clean Network) ngày 5.8.
Có thể thấy Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc chiến này và đang kêu gọi “các quốc gia và các công ty yêu tự do gia nhập Mạng lưới Sạch”.
Nếu các đồng minh khác tiếp bước, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành của liên minh công nghệ, mà tôi từng nhắc đến trong tập hợp các liên minh đối đầu Trung Quốc sau bài phát biểu của Mike Pompeo ngày 23.7.
Dựa vào phát biểu của Pompeo có thể điểm ra một số cái tên sẽ sớm trở thành mục tiêu của Mỹ trong thời gian tới sau Bytedance và Tencent là Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom…
Xin nêu ra đây hai phân tích đáng chú ý về tác động của chương trình mà nếu được thực thi trọn vẹn chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc phân ly công nghệ.
Nikkei Asian Review: Cloud over Alibaba and Tencent as US raises pressure on China tech (LINK)
3. Twitter dán nhãn các tổ chức truyền thông, quan chức nhà nước
Tài khoản Twitter của Nhân Dân nhật báo, Tân Hoa xã, Hoàn Cầu thời báo, Hoa Xuân Doanh hay thậm chí cả Hồ Tích Tiến… đều bị Twitter dán nhãn là truyền thông trực thuộc nhà nước hoặc tài khoản nhà nước kể từ đêm qua.
Mặc dù đây là chính sách áp dụng cho toàn cầu, nhưng rõ ràng đối tượng chính bị nhắm tới trước mắt là Trung Quốc và Nga. (Tính đến lần cuối tôi kiểm tra thì các tài khoản Việt Nam không bị ảnh hưởng).
II. BIỂN ĐÔNG
1. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung điện đàm
Ngoại trừ việc đồng ý duy trì liên lạc, phát triển các cơ chế kiểm soát khủng hoảng và giảm thiểu nguy cơ, hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về các vấn đề then chốt là Biển Đông và Đài Loan, thể hiện qua thông cáo và tường thuật chính thức của Tân Hoa xã và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quả đúng như thế, sáng nay tờ Giải phóng quân báo đăng bài viết giật tít: “Mỹ phải chấm dứt đổ dầu vào lửa trong vấn đề Biển Đông”.
Một ngày trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 trong cuộc tập trận kéo dài hàng tháng trời đang diễn ra. (LINK)
2. Cuộc tập trận tiềm tàng ở Biển Đông
Không tính đến Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuần qua đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông như Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Indonesia.
Các cuộc điện đàm cấp tập như thế hẳn có mục tiêu tập hợp liên minh đối đầu Trung Quốc về vấn đề này.
Tất nhiên, mong muốn và nỗ lực là một chuyện, nhưng dựa vào thái độ dè dặt chủ đạo của các nước ở khu vực, khả năng thành công hay không là vấn đề không thể nói trước.
Ngoài ra, cũng không loại trừ Mỹ muốn vận động các nước này tham gia một cuộc tập trận chung ở Biển Đông trong thời gian tới, điều mà Philippines đã từ chối.
Trong khi đó, Indonesia dường như có thái độ hưởng ứng tích cực hơn bởi ngay sau cuộc điện đàm của ông Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã điện đàm với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto và cả hai đã bàn về an ninh biển, mua sắm quốc phòng và tập trận quân sự.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. dường như cũng gợi ý về một cuộc tập trận tiềm tàng khi cảnh báo Trung Quốc đừng diễn dịch quá mức việc Manila không tham gia tập trận. (LINK)
Chúng tôi sẽ đứng ngoài lần này. Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có sẽ như thế trong lần kế tiếp không. Okay?
3. Đối thoại Mỹ - ASEAN lần thứ 33
Sau Đối thoại Mỹ - ASEAN lần thứ 33 do Mỹ và Lào đồng chủ trì ngày 5.8, Mỹ đưa ra một thông cáo đáng chú ý liên quan đến Biển Đông.
Cụ thể, thông cáo viết:
Các bên tham dự khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Đây dường như là lần đầu tiên phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 được nhắc đến trong một thông báo có liên quan đến ASEAN.
Tuy nhiên, không rõ “các bên tham dự” là đề cập đến “tất cả” hay chỉ một số nước tham dự. Ít nhất trong số đó hẳn phải có một số nước tham gia cuộc chiến công hàm ở Biển Đông thời gian qua.
Mặt khác, chi tiết này chỉ được nhắc đến trong thông cáo của phía Mỹ, chứ không thấy xuất hiện trong tường thuật của các bên khác về cuộc đối thoại này.
Dù sao, việc một số bên đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 cũng là một sự tiến triển trong nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.
III. MỸ - TRUNG
1. Đài Loan
Reuters dẫn nguồn tin cho biết Đài Loan đang đàm phán để mua ít nhất bốn máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian của Mỹ. (LINK)
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar chuẩn bị có chuyến thăm lịch sử đến Đài Loan.
Động thái của Mỹ là một tín hiệu nữa cho thấy thời mà Mỹ chấp nhận nhân nhượng những đòi hỏi của Trung Quốc đã qua rồi.
2. Bài phát biểu của Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có bài phỏng vấn với Tân Hoa xã về quan hệ Mỹ - Trung được truyền thông nước này tuyên truyền rầm rộ ngày 6.8. (TOÀN VĂN)
Tuy nhiên, xin mượn một câu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói về cuộc đàm phán của ông với Dương Khiết Trì ở Hawaii vào tháng 6 để nhận xét phát biểu mới nhất của Vương Nghị: Nhiều lời nhưng chẳng có gì thực chất!. (Bản dịch tiếng Anh dài gần 5.000 chữ).
Nếu Bắc Kinh quả thực có gì mới để đề nghị với chính quyền Mỹ hiện nay thì chúng đã được Dương Khiết Trì truyền đạt trong cuộc gặp ở Hawaii, chứ không chờ đến lượt Vương. Bởi thế, bài phát biểu của Vương chỉ có hai mục đích:
Một là làm hình ảnh: Ra vẻ một Trung Quốc “yêu hòa bình, ghét chiến tranh”, chỉ toàn bị ức hiếp.
Hai là hướng đến chính quyền tương lai của Biden nếu ông này đắc cử, như nhiều nhà quan sát chỉ ra.
Thực chất điều Bắc Kinh muốn chỉ là sự quay trở lại với chính sách tiếp xúc trước đây, cùng hàng loạt cuộc đối thoại cù nhầy năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, thời đó đã qua! Cá nhân tôi cho rằng xu hướng mới trong quan hệ Mỹ - Trung lúc này đã là không thể đảo ngược!
Thân mến,
Duân
Cám ơn D nhiều
cảm ơn D nhiều cuối tuần an vui nhe...