8.10: Tàu ngầm Mỹ gặp nạn ở Biển Đông, lính Mỹ đến Đài Loan
Hiện chưa rõ vị trí gặp nạn của tàu ngầm Mỹ nhưng sự cố xảy ra ngay trong thời điểm có nhiều hoạt động quân sự diễn ra ở khu vực, khi Trung Quốc triển khai số lượng kỷ lục máy bay quân sự đến khu vực tây nam Đài Loan và ba nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Anh tiến hành tập trận ở phía đông eo Ba Sỹ.
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
1. Tàu ngầm Mỹ gặp tai nạn ở Biển Đông
Ngày 7.10, Hải quân Mỹ thông báo tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut (SSN 22) đã va phải một vật thể không xác định vào ngày 2.10.
Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut (SSN 22) đã va phải một vật thể trong lúc lặn vào chiều ngày 2.10, khi đang hoạt động tại vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sự an toàn của thủy thủ đoàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hải quân. Không có thương tích đe dọa đến tính mạng.
Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm vẫn an toàn và ổn định, mức độ thiệt hại đang được đánh giá. Mỹ cũng không yêu cầu hỗ trợ từ lực lượng nào.
Trang USNI News dẫn lời một quan chức quốc phòng cho hay sự cố xảy ra ở Biển Đông và có 11 thủy thủ bị thương nhẹ. Tàu ngầm đã nổi lên trên đường trở về đảo Guam.
Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức hải quân cho biết họ tin rằng con tàu có thể đã va chạm với một vật thể bất động, chẳng hạn như một con tàu đắm hoặc container. Quan chức Hải quân cho biết họ không cho rằng Trung Quốc đã gây ra vụ va chạm. Tàu Connecticut đã được giám sát bởi các tàu khác của Mỹ trong khu vực khi nó di chuyển đến Guam.
Hiện chưa rõ vị trí gặp nạn của tàu ngầm này nhưng sự cố xảy ra ngay trong thời điểm có nhiều hoạt động quân sự diễn ra ở khu vực, khi Trung Quốc triển khai số lượng kỷ lục máy bay quân sự đến khu vực tây nam Đài Loan và ba nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Anh tiến hành tập trận ở phía đông eo Ba Sỹ.
Nó cũng diễn ra không lâu sau khi Mỹ, Anh, Úc thông báo thành lập liên minh AUKUS xoay quanh việc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
Một trong những lo ngại của các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia, liên quan đến AUKUS là nó sẽ khiến Biển Đông trở nên chật chội hơn, làm gia tăng nguy cơ va chạm hay xảy ra sự cố hạt nhân ở vùng biển này.
Sự kiện tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Mỹ gặp nạn ở Biển Đông có lẽ sẽ càng làm gia tăng những lo ngại này. Trung Quốc có lẽ cũng sẽ tận dụng nó để phục vụ cho mục đích phản đối liên minh AUKUS.
2. Tàu sân bay
Ngày 7.10, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được phát hiện hoạt động ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson vào sáng nay đã đi vào eo biển Malacca. Cùng di chuyển với các tàu USS Carl Vinson, USS Lake Champlain, USS Stockdale là tàu HMAS Ballarat của Úc.
Trong hôm nay 8.10, nhóm các nước thuộc Hiệp ước phòng thủ Ngũ cường (FDPA) gồm Anh, Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia sẽ bắt đầu cuộc tập trận Bersama Gold 2021. Tuy nhiên, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không tham gia cuộc tập trận này.
3. Tàu khảo sát Trung Quốc
Ngày 8.10, tàu khảo sát Đại Dương của Trung Quốc đã rời khỏi thềm lục địa Malaysia ngược lên hướng tây bắc và đi vào khu vực xác định chung giữa Việt Nam và Malaysia, với sự hộ tống của tàu Hải cảnh 5202, 6307 và một số tàu dân quân biển.
Chiếc tàu này chạy theo hướng ngược lại với hướng di chuyển xuống vùng biển Malaysia trước đây. Tốc độ lúc này của nó vẫn duy trì 4-5 hải lý/giờ. Đây là tốc độ thường thấy của tàu Trung Quốc mỗi khi chúng tiến hành khảo sát.
Trước khi di chuyển xuống vùng biển Malaysia ngày 25.9, con tàu đã di vào thềm lục địa Việt Nam một khoảng thời gian ngắn. Vì thế không loại trừ khả năng nó sẽ lại vào thềm lục địa Việt Nam.
Diễn biến này xảy ra ít ngày sau khi Malaysia triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối hoạt động của tàu Đại Dương.
II. Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan
Ngày 7.10, tờ The Wall Street Journal tiết lộ đặc nhiệm Mỹ đã được triển khai đến Đài Loan trong một năm qua để huấn luyện lực lượng Đài Loan.
Các quan chức Mỹ cho hay một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ và một đội thủy quân lục chiến đã bí mật hoạt động ở Đài Loan để huấn luyện các lực lượng quân sự ở đó như một phần nỗ lực củng cố khả năng phòng thủ của hòn đảo này khi lo ngại về cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc dâng cao.
Các quan chức cho biết khoảng hai chục thành viên của lực lượng đặc nhiệm và hỗ trợ của Mỹ đang tiến hành huấn luyện cho các đơn vị nhỏ của lục quân Đài Loan. Thủy quân lục chiến Mỹ đang làm việc với các lực lượng hàng hải địa phương trong việc huấn luyện thuyền nhỏ. Các lực lượng Mỹ đã hoạt động ở Đài Loan trong ít nhất một năm, các quan chức cho biết.
Việc triển khai đặc nhiệm Mỹ là một dấu hiệu cho thấy sự lo ngại của Lầu Năm Góc về các năng lực chiến thuật của Đài Loan trước sự tăng cường quân sự kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh và các động thái đe dọa nhằm vào hòn đảo này gần đây.
Tuy nhiên, tờ The Financial Times dẫn các nguồn tin cho hay việc triển khai là luân phiên và trong thời gian ngắn chứ không phải nhiệm vụ dài hạn. Nó cũng liên quan đến việc Đài Loan mua vũ khí Mỹ, chẳng hạn chiến đấu cơ F-16.
Một người cho biết các cuộc triển khai luân phiên đã diễn ra trong ít nhất một thập niên, và bao gồm cả lính thủy đánh bộ Mỹ, lực lượng đặc biệt của lục quân và hải quân. Một người thứ hai cho biết động thái này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Đài Loan củng cố khả năng phòng thủ khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng.
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Đài Loan vốn đã bị rò rỉ trước đây nhưng nay một số quan chức Mỹ mới xác nhận về chuyện này.
Trung Quốc chắc chắn biết việc này, nhưng với sự tiết lộ công khai, Bắc Kinh có thể phải đưa ra một phản ứng.
Có một vấn đề đáng lưu ý là diễn biến này được hé lộ ngay giữa lúc căng thẳng Trung Quốc và Đài Loan leo thang. Vì vậy, một câu hỏi không thể không đặt ra là liệu có động cơ nào đằng sau chuyện tiết lộ này hay không.
Đồng thời, nó cũng xảy ra ngay sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự trung ương Dương Khiết Trì có cuộc gặp ở Thụy Sỹ trong tuần này.
Cuộc gặp có vẻ như có kết quả lạc quan hơn những lần tiếp xúc Mỹ - Trung trong giai đoạn đầu của chính quyền Biden. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến vào cuối năm nay.
Duân