8.10: Tàu sân bay Mỹ, B-52 vào Biển Đông, Đài Loan, Quad
Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ có một số nội dung như tàu sân bay Mỹ lạng vào Biển Đông, oanh tạc cơ B-52 bay đêm đến Biển Đông, căng thẳng Đài Loan, cuộc họp Bộ tứ kim cương…
1. Tàu sân bay USS Ronald Reagan
Ngày 7.10, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã từ Biển Java vào Biển Đông.
Một bức ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp sáng ngày 7.10 cho thấy tàu này đang băng qua eo biển Karimata nối Java với Biển Đông.
Trước đó, tàu sân bay Mỹ từ Biển Philippines vào Biển Celebes trước khi tiến xuống Biển Java qua eo Makassar.
Tuy nhiên, tàu này chỉ lạng vào khu vực phía nam quần đảo Natuna ở Biển Đông trong thời gian rất ngắn.
Đến trưa ngày 8.10, tàu USS Ronald Reagan cùng tuần dương hạm USS Antietam và khu trục hạm USS Halsey đã băng qua eo biển Malacca ra Ấn Độ Dương, theo tín hiệu AIS của Marine Traffic.
Sở dĩ có thể theo dõi hành trình của tàu USS Ronald Reagan lúc này vì theo quy định của hải quân Mỹ, mỗi khi di chuyển qua eo biển đông đúc như Malacca, tàu chiến Mỹ phải bật tín hiệu AIS để ngăn ngừa va chạm.
Quy định này được đưa ra sau vụ va chạm của khu trục hạm USS John S. McCain ở eo Malacca khiến 10 thủy thủ tử nạn vào tháng 8.2017.
Nay sau 3 năm sửa chữa, tàu USS John S. McCain đã quay trở lại Biển Đông trong chuyến tuần tra đầu tiên kể từ sự cố chết chóc nói trên.
Theo hình ảnh của hải quân Mỹ, tàu này đã tiến hành diễn tập ở Biển Đông vào ngày 7.10.
Tại Biển Đông hiện cũng có nhóm tàu chiến Nhật do tàu sân bay trực thăng JS Kaga dẫn đầu.
Theo thông báo của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản, ngày 6.10, tàu JS Kaga và JS Ikazuchi đã tiến hành diễn tập với hải quân Indonesia tại vùng biển tây Natuna.
Chuyến triển khai của nhóm tàu chiến Nhật kéo dài từ ngày 7.9 đến 17.10 nên chúng nhiều khả năng sẽ ở Biển Đông trong 1 tuần nữa.
Hiện vẫn biết chính xác ngày Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức nhưng sẽ thật thú vị nến nhóm tàu Nhật tiến hành hoạt động giao lưu với phía Việt Nam nhân dịp này.
2. Oanh tạc cơ B-52 bay vào Biển Đông
Theo nguồn tin của tôi, hai oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã bay vào Biển Đông trong một sứ mệnh vào đêm 6.10.
Cụ thể, hai pháo đài bay này bay qua eo biển Ba Sỹ vòng xuống khu vực quần đảo Trường Sa rồi trở lại Biển Philippines về Guam qua Biển Sulu và Biển Celebes.
Trước đó, các máy bay này bay từ Alaska xuống phía nam Nhật Bản rồi vào Biển Đông qua eo Ba Sỹ.
Nhiều khả năng các oanh tạc cơ được triển khai đến Guam trong khuôn khổ chương trình Biệt đội ném bom (Bomber Task Force-BTF).
Với sự hiện diện của chúng ở căn cứ Andersen, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều sứ mệnh B-52 được triển khai trong những ngày tới.
3. Căng thẳng Đài Loan
Ngày 8.10, một vận tải cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Không quân Mỹ MC-130J Commando II xuất phát từ căn cứ Kadena ở Okinawa đã bay qua eo biển Đài Loan theo hướng nam.
Đây không phải là lần đầu tiên MC-130J bay dọc eo biển Đài Loan. Ít nhất hai phi vụ tương tự đã diễn ra vào tháng 8.2019 và tháng 2.2020.
Việc MC-130J bay qua eo biển Đài Loan khi ấy được xem là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Bắc trước những động thái đe dọa từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, các loại máy bay tuần tra, cảnh báo sớm của Trung Quốc vẫn liên tục bay vào tây nam vùng nhận diện phòng không của Đài Loan những ngày qua.
Mới nhất, ngày 7.10, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 đã bay vòng qua quần đảo Pratas đi vào khu vực này, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan ngày càng nóng lên với việc phe Quốc Dân đảng thân Bắc Kinh bất ngờ đề xuất hai dự luật kêu gọi theo đuổi việc thiết lập quan hệ chính thức với Mỹ và đề nghị nước này hỗ trợ an ninh.
Động thái này châm ngòi cho một bài viết đe dọa "dạy cho một bài học" của Hoàn Cầu thời báo.
Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã cảnh báo Trung Quốc về những khó khăn của việc đánh chiếm Đài Loan cũng như sự mơ hồ chiến lược phục vụ như sự răn đe của Mỹ về phản ứng trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc.
“Vấn đề với việc đổ bộ là rất khó khăn”, ông O’Brien bổ sung, chỉ ra khoảng cách 100 dặm (160 km) giữa Trung Quốc và Đài Loan và số lượng ít ỏi các bãi đổ bộ trên đảo.
“Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và cũng có rất nhiều sự mơ hồ về những gì Hoa Kỳ sẽ làm để đáp trả một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan,” ông nói thêm, khi được hỏi những lựa chọn của Hoa Kỳ sẽ là gì nếu Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan.
Trước những bàn tán sôi nổi về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan, Bloomberg đã có bài viết về "Những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan".
4. Bộ tứ kim cương
Như dự kiến, cuộc họp của ngoại trưởng Mỹ, Ấn, Nhật, Úc (Quad) kết thúc trong ngày 6.10 mà không có tuyên bố chung cũng như họp báo kết thúc. Thay vào đó, bốn nước đưa ra 4 thông báo riêng:
Không có thông cáo nào nhắc đến Trung Quốc nhưng điều này dường như không cần thiết bởi ai cũng biết Trung Quốc là đối tượng hàng đầu của cuộc đối thoại an ninh này.
Phát biểu đáng chú ý nhất thuộc về Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review, trong đó ông nói Mỹ mong muốn thể chế hóa Quad và có thể mở rộng khuôn khổ đối thoại này để đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy có nhiều bàn tán về khía cạnh quân sự của Quad, song ông Pompeo cũng nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế, thương mại của khuôn khổ đối thoại này.
Hỏi: Nó có thể trở thành một khuôn khổ an ninh bằng cách thể chế hóa?
Pompeo: Hãy nhớ khi nói về an ninh, người ta nói về năng lực kinh tế và thượng tôn pháp luật, khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại, các mối quan hệ ngoại giao - tất cả những yếu tố hình thành nên một khuôn khổ an ninh. Nó không chỉ là quân sự. Nó sâu hơn nhiều, rộng hơn thế nhiều. Đó là loại quyền lực của các nền dân chủ mà các chế độ độc tài không bao giờ có thể mang lại.
Điều này cũng được nhắc lại trong cuộc họp báo của các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dựa theo những gì tôi đọc thấy và theo mường tượng của tôi, khả năng Quad trở thành một kiểu liên minh quân sự theo hiệp ước còn xa với.
Kịch bản khả thi nhất vẫn là Quad đóng vai trò như một bộ khung (chữ của Ngoại trưởng Pompeo) và dựa trên bộ khung này sẽ có nhiều tập hợp khác nhau được hình thành theo từng vấn đề, chẳng hạn về kinh tế, về chuỗi cung ứng, về 5G, về an ninh biển, về an ninh mạng, về y tế… với sự tham gia của nhiều nước khác nhau ở mỗi tập hợp khác nhau.
Trước mắt, ngoài chuyến thăm Việt Nam và Indonesia sắp diễn ra của Thủ tướng Nhật Bản Suga, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã lên đường thăm Singapore ngay sau khi kết thúc cuộc họp Quad.
Cuối cùng, có một chi tiết nhỏ thú vị là một quan chức ngoại giao Mỹ đã phát biểu trong cuộc họp báo về cuộc họp Quad:
Tôi sẽ lưu ý rằng Trung Quốc đã tình nguyện cung cấp 2 tỷ tại Hội nghị Y tế thế giới (WHA) vào tháng 4 (thực ra là tháng 5) và theo những gì tôi có thể nói, chúng tôi chưa thấy bất kỳ khoản tiền nào trong số đó. Trung Quốc hứa hẹn rất nhiều, nhưng họ không nhất thiết cung cấp trừ khi bạn ép buộc họ. Và đó là một lĩnh vực mà nhóm này có thể giúp đảm bảo rằng họ giữ lời.
Đọc thêm:
Japan Times: Ai sẽ gia nhập Quad tiếp theo?
Quad là gì và tương lai của nó trong quan hệ quốc tế của Ấn Độ
Thân mến
Duân