9.11: Tàu sân bay Sơn Đông, Ba Bình
Tàu Sơn Đông
Ngày 9.11, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo nhóm tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã băng qua eo biển Đài Loan kể từ chiều 8.11.
Nhóm tàu này di chuyển từ phía nam lên phía bắc ở phía tây đường trung tuyến của eo biển và đến sáng 9.11 vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng bắc.
Theo trang RW News, sau khi vào Biển Đông ngày 6.11, nhóm tàu Sơn Đông hướng về quần đảo Pratas. Sau đó, nó chuyển hướng đến Hồng Kông và rẽ lên phía đông bắc về eo biển Đài Loan.
Một số điểm đáng chú ý:
- Nếu lộ trình này chính xác thì tàu Sơn Đông đã đi vòng qua quần đảo Pratas sau khi vào Biển Đông mà không đi thẳng đến eo biển Đài Loan.
- Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Trung Quốc vượt qua eo biển Đài Loan sau cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.
- Đáng tiếc là Bộ Quốc phòng Đài Loan không tiết lộ số lượng tàu hộ tống đi cùng tàu Sơn Đông. Nếu chỉ có một hoặc hai tàu hộ tống như thường lệ, điều đó cho thấy tàu sân bay này chỉ đang quay trở lại phía bắc để bảo dưỡng.
Tuy nhiên, nếu con số giống như số lượng tham gia các cuộc tập trận ở Biển Philippine trước đó, điều đó cho thấy nhóm Sơn Đông có thể vẫn đang trong quá trình huấn luyện. Và vì thế, không loại trừ khả năng nhóm tàu này sẽ thực hiện một chuyến đi vòng quanh Đài Loan thông qua Biển Hoa Đông và eo Miyako.
Trong khi đó, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ thông báo họ vừa tiến hành cuộc huấn luyện ở khu vực Okinawa với Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản vào ngày 7.11.
Đây là một cuộc biểu dương lực lượng lớn với sự tham gia của 2 oanh tạc cơ B-52, 4 chiến đấu cơ F-35B, 4 chiến đấu cơ F-35C, 12 chiến đấu cơ F/A-18, 2 máy bay tác chiến điện tử 2x EA-18G, 2 máy bay tiếp liệu KC-46A và 4 chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản.
Cuộc huấn luyện này diễn ra giữa lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson tập trận cùng tàu JS Hyuga của Nhật Bản ở phía nam Okinawa.
Cuộc tập trận giữa USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và JS Hyuga - Ảnh: US Navy
Ba Bình
Liên quan đến sự kiện ở quần đảo Trường Sa ngày 3.11, nhờ ảnh vệ tinh của Landsat, chúng ta có thể nắm được chút ít về tình hình diễn ra mỗi khi tàu khu trục Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở đây. Khác với quần đảo Hoàng Sa, tình hình ở Trường Sa phức tạp hơn, bởi sự hiện diện gần nhau của các thực thể do các bên khác nhau chiếm đóng.