9.3: Cập nhật về cuộc tập trận của Trung Quốc gần Việt Nam
Tai nạn của máy bay Y-8
Như tin đã đưa trong bản tin ngày 6.3, Trung Quốc vài ngày qua vẫn ráo riết tìm kiếm chiếc máy bay tuần tra biển Y-8 bị mất liên lạc ngày 1.3.
Ngày 8.3, Trung Quốc đã triển khai thêm tàu nghiên cứu Thám Tác 1 (Tan Suo Yi Hao) tham gia với tàu Thám Tác 2 (Tan Suo Er Hao) trong khu vực tập trận. Đến sáng nay, tàu Thám Tác 2 đã quay trở về Tam Á, nhường lại nhiệm vụ cho tàu Thám Tác 1.
Các tàu hải cảnh, hải quân và nghiên cứu của Trung Quốc xuất hiện trong ảnh vệ tinh ngày 8.3.
Các tàu hải cảnh 5901 và 5304 vẫn lượn lờ trong khu vực cho đến này hôm qua. Đến sáng nay tàu 5901 quay trở về Tam Á trong khi tàu 5401 di chuyển đến khu vực.
Các tàu hải cảnh và nghiên cứu chỉ di chuyển với tốc độ khá chậm và loanh quanh trong khu vực nhỏ, gợi ý chúng đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Hàng chục tàu hải quân khác cũng liên tục quần thảo khu vực này.
Di chuyển của các tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu trong hai ngày 7 và 8.3, dựa theo tín hiệu AIS.
Sự có mặt của tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu cho thấy đây không phải là một cuộc tập trận bình thường.
Hai tàu Thám Tác 1 và Thám Tác 2 được triển khai tìm kiếm vì đây là những tàu chuyên nghiên cứu đáy biển và được trang bị tác tàu lặn,phù hợp với nhiệm vụ tìm kiếm.
Phản ứng của Việt Nam
Phản ứng trước cuộc tập trận của Trung Quốc gần Việt Nam, ngày 7.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng đề nghị “Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông”.
Trong tuyên bố, bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định một phần khu vực thông báo hàng hải mà Trung Quốc khoanh vùng để tập trận “thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982” và cho biết Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này.
“Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này”.
Đáp lại, ngày 8.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngang ngược tuyên bố việc Trung Quốc việc Trung Quốc tiến hành tập trận “ngay cửa nhà” là “hợp lý và hợp pháp”.
Như nhận định ban đầu trong bản tin ngày 5.4, rìa phía tây của khu vực tập trận dường như khớp với đường nối liền của cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.
Kết quả đối chiếu kỹ hơn với các bản đồ thể hiện đúng như thế. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố bám víu “đường lưỡi bò” bất chấp việc nó đã bị tòa quốc tế và cộng đồng quốc tế bác bỏ thẳng thừng.
Rìa phía tây của khu vực tập trận trùng với đường nối liền của “đường lưỡi bò”. (Lưu ý: Hình ảnh về “đường lưỡi bò” chỉ có mục đích minh họa để hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc).
Động thái này cũng cho thấy dù cho một số quan chức ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng cái gọi là lập luận “Tứ Sa” để biện minh cho các yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn chưa hề xa rời “đường lưỡi bò”.
Ý đồ của Trung Quốc
Mục đích đầu tiên của Trung Quốc khi khoanh vùng để tiến hành tập trận là tìm kiếm chiếc máy bay tuần tra biển Y-8 bị mất liên lạc ở tây nam Tam Á và đông bắc Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn có ý đồ phía sau với việc tuyên bố vùng tập trận vượt qua đường trung tuyến giả định và xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Thông thường, nếu máy bay bị nạn, trong trường hợp này là có khả năng nó bị rơi trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc cần phải thông báo và đề nghị phối hợp thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không hành xử một cách có trách nhiệm như thế mà ngang nhiên tuyên bố hoạt động tập trận trong EEZ Việt Nam để tìm kiếm.
Theo tôi, ngoài việc ngang ngược bám víu “đường lưỡi bò”, Trung Quốc có thể muốn gửi tín hiệu “nắn gân” đối với hai sự kiện sắp tới trong quan hệ Việt - Mỹ là một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ sang Mỹ dự hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ vào cuối tháng 3 này và tàu sân bay Mỹ có kế hoạch thăm Đà Nẵng trong vài tháng tới.
Duân