9.6: Chuyển động quân sự, vụ Trung Quốc chặn máy bay Úc
Những phản ứng và phát biểu từ Trung Quốc khiến người ta không thể không nghĩ đến nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng các sự việc này để tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phi pháp ở xung quanh quần đảo Hoàng Sa trong tương lai.
1. Chuyển động quân sự
Tàu khu trục Nhật Bản JS Harusame tập trận song phương với tàu khu trục Mỹ USS Fitzgerald và tàu hậu cần USNS Tippecanoe ở Biển Đông từ ngày 5 đến 7.6, theo thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Mỹ tiến hành cuộc tập trận Valiant Shield 2022 ở đảo Guam và các khu vực gần đó từ ngày 6 đến 17.6. Cuộc tập trận hai năm một lần này có sự tham gia của các tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Abraham Lincoln, tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli, 15 tàu mặt nước, hơn 200 máy bay và khoảng 13.000 quân nhân.
Không quân Mỹ xác nhận các oanh tạc cơ B-1B được triển khai đến căn cứ Andersen ở đảo Guam. Tuy phía Mỹ không tiết lộ số lượng cụ thể, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy có đến 4 chiếc B-1B xuất hiện ở Guam.
Tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ USNS Henson quay trở lại hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Đà Nẵng. Thời gian qua, các tàu nghiên cứu Mỹ liên tục tiến hành các chuyến khảo sát ở khu vực này.
2. Vụ Trung Quốc chặn máy bay Úc
Trả lời về vụ chiến đấu cơ J-16 chặn máy bay tuần tra P-8 của Úc ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi ngày 7.6 nói rằng máy bay Úc đã tiến vào không phận gần quần đảo Hoàng Sa và liên tục tiếp cận không phận của quần đảo Hoàng Sa để trinh sát gần bất chấp những cảnh báo liên tục từ phía Trung Quốc.
Phát biểu của ông Đàm xác nhận thông tin độc quyền trước đó của Newsletter này về vị trí của vụ đối đầu diễn ra ngày 26.5.
Ông Đàm nói rằng máy bay Úc đe dọa nghiêm trọng cái gọi là chủ quyền của và an ninh của Trung Quốc và các biện pháp đối phó của quân đội Trung Quốc được thực thi chuyên nghiệp, an toàn, hợp lý và hợp pháp.
Đáp lại, Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 8.6 chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng “Vụ việc xảy ra ở không phận quốc tế. Chấm hết”.
Có thể thấy các phát biểu từ hai phía không quá mâu thuẫn, vì Trung Quốc chỉ nói máy bay Úc tiếp cận không phận (ngay cả đối với không phận tự tuyên bố dựa theo đường cơ sở thẳng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa), chứ chưa tiến vào không phận.
Tuy nhiên, những phản ứng và phát biểu từ Trung Quốc khiến người ta không thể không nghĩ đến nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng các sự việc này để tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phi pháp ở xung quanh quần đảo Hoàng Sa trong tương lai.
3. Trung Quốc – Campuchia
Ngày 8.5, các quan chức Campuchia và Trung Quốc tiến hành lễ động thổ dự án mở rộng căn cứ hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên.
Lễ động thổ diễn ra vài ngày sau khi tờ The Washington Post gây xôn xao dư luận với tiết lộ Trung Quốc sẽ được độc quyền sử dụng một phần căn cứ này. Tại buổi lễ, ông Tea Banh một lần nữa bác bỏ cáo buộc rằng căn cứ sẽ được Trung Quốc sử dụng.
Đọc thêm: Căn cứ Hải quân Trung Quốc ở Campuchia báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương – TIME
Về mặt thực tế, một căn cứ ở Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc triển khai các tàu chiến và tàu hải cảnh của họ xung quanh khu vực trong thời gian ngắn, thay vì phải mất một quãng đường dài di chuyển mà trong thời gian đó chuyển động chúng có thể bị theo dõi và đối phó. Ngoài ra, hoạt động hậu cần và giám sát tình báo sẽ được tăng cường nhờ việc tiếp cận dễ dàng hơn các tuyến đường biển Đông Nam Á như Eo biển Malacca quan trọng.
…
Vẫn còn phải xem các quốc gia ASEAN khác sẽ phản ứng như thế nào trước tin tức về Căn cứ hải quân Ream. Một Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc và một chính quyền mới ở Philippines có thể phản ứng theo những cách khó lường. Tuy nhiên, (Giáo sư Jonathan) Sullivan nói: “Nếu phản ứng là nhẹ nhàng, nó có thể gợi ý những khả năng khác cho Trung Quốc, nước ngày càng có động lực để tìm kiếm những hình thức hợp tác này”.
4. Tin tức khác
Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ ký Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh từ ngày 7 đến 10.6. Thỏa thuận này sẽ cho phép hai phía sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa hoặc tiếp tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore vào ngày 12.6, theo Kyodo News. Tại sự kiện này, ông Ngụy cũng sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài 5 kỳ về sự hiện diện của lực lượng dân binh Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
Duân